Ba mẹ ơi, bớt giận!



Thứ Bảy, 06/07/2013 22:01


Trong phút nóng giận, chúng ta có thể làm tiêu tan tất cả những gì chúng ta đã gầy dựng và yêu thương, nâng niu nhất



“Tôi nhớ có lần về nhà với mặt mũi lấm lem và bị mẹ tôi tát cho một cái như trời giáng vào mặt. Tôi biết mẹ rất cực khổ để nuôi 4 đứa con nhưng hành động của mẹ làm tôi sốc. Tôi thấy mình cũng rất nóng tính nhưng không muốn sự “di truyền” này tác động lên con cái mình” - anh Bình chia sẻ như vậy tại buổi tọa đàm “Nấu chín cơn giận” do CLB Dạy con nên người (TP HCM) tổ chức mới đây.



Các phụ huynh chia sẻ tại buổi tọa đàm


Làm tổn thương con cái



ThS Bùi Trọng Giao, thành viên sáng lập CLB Dạy con nên người, kể một câu chuyện về cơn nóng giận của người cha đã làm tổn thương con mình như thế nào. Có một người cha đang rửa chiếc xe hơi và đứa con chơi quanh quẩn ở đó. Cậu bé rất nghịch ngợm, người cha nhiều lần yêu cầu “con hãy ngồi yên!” nhưng đứa bé vẫn nghịch phá. Nó lấy viên sỏi vẽ nguệch ngoạc lên xe. Người cha tức giận lao đến vừa đánh vào tay con vừa mắng: “Đánh cho chừa này...”. Không ngờ, trận đòn đã khiến bàn tay đứa bé bị tổn thương nặng nề. Người cha chỉ biết khóc và càng khóc nhiều hơn khi nhìn thấy dòng chữ bé viết trên xe: “Bố ơi, con yêu bố”.


Chị Thương, một thành viên của CLB, cũng kể chị cũng từng bị tổn thương trước sự nóng giận của ba mình. Khi đang học lớp 5, có lần Thương xin phép ba mẹ đến nhà cô giáo chơi. Do xe hư nên Thương về đến nhà khi trời đã tối mịt. Biết ba Thương khó tính nên các bạn đưa Thương về tận nhà. Vậy mà vừa thấy con, ba Thương đã lao đến tát túi bụi và mắng: “Con quỷ, mày đi đâu tới giờ này mới về?”. Chị Thương tâm sự: “Đến giờ, nhớ đến chuyện cũ, tôi vẫn còn giận ba. Tại sao ba không hỏi lý do tôi về trễ hay để bạn bè tôi ra về rồi đánh, mắng tôi cũng được...!”. “Trong một phút nóng giận, chúng ta có thể làm tiêu tan tất cả những gì chúng ta đã gầy dựng, yêu thương và nâng niu nhất. Bị mắng nhiếc, đánh đập, vết thương về tâm lý khó lành, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ” - ThS Bùi Trọng Giao đúc kết.


Bình tĩnh trước mọi tình huống



Chị Ly - một người đến dự tọa đàm - cũng chia sẻ điều làm mình nóng giận nhất là khi dò bài cho con. Bé thường loay hoay, làm nhiều việc khác trong khi học. Một người dự khán khác - chị Linh - thì cho biết con chị không bao giờ ngừng đặt câu hỏi, nhiều khi chị nổi cáu vì con hỏi hết cái này đến cái khác. Một người mẹ trẻ khác cho biết: “Trẻ con rất ham chơi nên tôi thống nhất với con là đến giờ học, mọi thứ phải sẵn sàng trên bàn. Khi dò bài cho con, cha mẹ cũng phải trong tâm thế thật thoải mái. Không nên dò bài cho con ngay khi ở cơ quan về vì lúc đó phụ huynh đã bị vắt kiệt năng lượng sau 1 ngày làm việc; chưa tắm rửa, ăn cơm nên rất dễ nổi cáu”.


Tham gia tọa đàm, anh Luận cho biết khi con hỏi nhiều, anh đưa con một quyển sổ và bảo con ghi ra tất cả câu hỏi, khi có thời gian anh sẽ giải đáp. Một người mẹ khác chia sẻ chị không bao giờ dò bài cho con mà để con tự học, thỉnh thoảng 2 mẹ con học chung. Có khi 2 mẹ con cùng thi đọc tiếng Anh hoặc cùng hát bài hát tiếng Anh. Còn chị Kim Sơn thì nhìn nhận: “Cha mẹ nóng giận khi con hỏi là do cha mẹ không đủ lý lẽ để giải thích. Nếu cha mẹ chịu khó tìm hiểu và giải thích cặn kẽ thì sẽ dần dần xây dựng cho con một nền tảng phát triển vững chắc”.






THS BÙI TRỌNG GIAO, THÀNH VIÊN SÁNG LẬP CLB DẠY CON NÊN NGƯỜI:



Nấu chín cơn giận


Ông bà ta thường nói “No mất ngon, giận mất khôn”. Trong lúc nóng giận, người ta có thể mắc nhiều sai lầm. Do vậy, khi thấy mình sắp nóng giận, bạn nên ngừng thở 30 giây và trả lời các câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Có đáng không? Phải ứng xử ra sao? Các bạn có thể làm chai nước “Nấu chín cơn giận” để nơi dễ nhìn thấy, khi nhìn thấy chai nước này, sẽ bình tĩnh lại.




Bài và ảnh: NGÂN HÀ