http://laodong.com.vn/phong-su/7-ngu-dan-dung-cam-cuu-ho-44-nguoi-gap-nan-tren-bien-tinh-nguoi-trong-hoan-nan-601088.bld


7 ngư dân dũng cảm cứu hộ 44 người gặp nạn trên biển: Tình người trong hoạn nạn





Người dân và chính quyền địa phương ở cảng cá Cửa Tùng đón 44 người gặp nạn về đất liền. Ảnh: HƯNG THƠ


Chiếc tàu vận tải bị chìm gần đảo Cồn Cỏ cùng 44 người hôm 11.10 ở Quảng Trị, tình huống xấu nhất có thể thành đại tang, nếu không có sự ứng cứu kịp thời và tình người của ngư dân Quảng Trị. “Tàu chìm, tàu chìm, hơn 40 chục người rơi xuống biển” - nhận được thông tin này qua điện thoại, chiếc tàu cá đang thả neo hành nghề gần khu vực tàu chìm, lập tức kéo neo, chuyển hướng. Tiếp cận hiện trường, có quá nhiều người đang kiệt sức vì bì bõm quá lâu dưới biển, nhưng 7 ngư dân vẫn bình tĩnh kéo từng người, rồi đưa lên chiếc tàu cá nhỏ bé vài chục CV đang chông chênh vì “quá tải”.



7 ngư dân cứu hộ 44 người gặp nạn



Trời đẹp, nên tàu đánh cá QT21106TS của ngư dân Lê Văn Hiếu (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) neo lại giữa biển câu cá làm mồi để đi bắt cá thu. Xuất bến trước đó một ngày (10.10), nhưng vẫn chưa đánh bắt được gì nên anh Hiếu chuyển sang câu cá thu. Có ít cá mới vào bờ được, không thì lỗ vốn tiền dầu, tiền bạn. Khoảng 10h trưa 11.10, điện thoại của anh Hiếu reo liên hồi, mới bắt máy đã nghe giọng gấp gáp, cách đảo Cồn Cỏ tầm 5 hải lý có tàu hàng bị chìm, hơn 40 người gặp nạn. “Tàu tui nhỏ, 7 anh em trên tàu đi lui đi tới còn đụng nhau, mà người gặp nạn hơn 40 thì e khó. Chở mấy tấn vật liệu thì chở được, chứ chở người chông chênh, nguy hiểm lắm” - anh Hiếu, kể. Nghĩ vậy, nhưng không lơ chuyện, anh Hiếu thông báo với 6 anh em trên tàu kéo neo rồi tăng tốc về hướng tàu gặp nạn.


“Đến nơi, thấy toàn trốc (đầu) là trốc dưới biển, anh em tui hoa cả mắt. Sau đó, chúng tôi lập tức thả thuyền thúng và vật nổi xuống để kéo từng người lên. Số người biết bơi, ôm thêm bình nước lọc nổi lênh đênh thì sức khỏe bình thường. Còn những người không biết bơi thì gần liệt, chỉ nổi lên phần đầu ngáp ngáp như vậy. Riêng 2 đồng chí bộ đội được vớt lên cuối cùng đuối hẳn, chỉ chậm vài phút hoặc biển nổi sóng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - anh Hiếu, cho hay.



Do ngấm nước đã lâu, nên những người được đưa lên tàu lả người đi, nôn thốc nôn tháo cả chiếc tàu cá. 43 người sức khỏe tạm ổn định, riêng bà Nguyễn Thị Huệ (53 tuổi, trú tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã tử vong từ lúc nào. “Nhìn thi thể của bà Huệ, ai cũng ứa nước mắt. Lúc lên thuyền thúng, tôi thấy bà Huệ vẫn còn thở bình thường và nói ú ớ được, nhưng lúc sau thuyền viên phát hiện bà ấy tử vong” - anh Trần Văn Tuân, ngư dân trên tàu cá, kể.



Thuyền trưởng Lê Văn Hiếu được nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị vì tham gia ứng cứu 44 người gặp nạn. Ảnh: HƯNG THƠ


Khi biết chắc số người rơi xuống biển đã đưa hết lên tàu, thuyền trưởng Hiếu nổ máy hướng về đất liền. Nhưng dù các nạn nhân đã ổn định chỗ ngồi, tàu cá của anh Hiếu vẫn lắc lư vì “quá tải”. Nên một số nạn nhân được chuyển sang tàu cá QT1132TS của ông Lê Văn Diệu (trú tại Cửa Tùng) và tàu TH90329TS của ông Nguyễn Danh (trú tại Quảng Ngãi) rồi cùng di chuyển vào bờ. Lúc này, thi thể của bà Huệ vẫn ở trên tàu cá anh Hiếu đến khi tàu cập cảng cá Cửa Tùng.



“Mê tín chứ, nhưng cứu người trước đã”



Tôi hỏi ngư dân Lê Văn Hiếu, làm nghề cá mú trên biển, có mê tín chuyện cứu người khỏi thủy thần, sau này sẽ rước họa vào thân không. Anh Hiếu cười, nói rằng cũng mê tín lắm, ra biển chỉ nghĩ đến cá đầy khoang chứ những việc khác nên tránh. Nhưng anh chắc chắn, ngư dân nào thấy người gặp nạn, cũng sẽ không nề hà mà phải cứu giúp hết sức mình. “Mê tín chứ, nhưng cứu người trước đã rồi tính sau. Lúc thấy mấy chục người kêu cứu như vậy, tôi chẳng nghĩ đến hậu họa gì cả, mấy anh em trên tàu cũng thế. Bây giờ ngồi lại, có nghĩ đôi chút về những lời đồn thổi về nghề biển, nhưng nếu gặp lại hoàn cảnh đó, ai cũng lao vào cứu người như tôi thôi” - anh Hiếu, nói.


Ghi nhận tấm lòng cao cả của những ngư dân, ngay ngày hôm sau ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng UBND huyện Vĩnh Linh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã tìm gặp những ngư dân trên 3 chiếc tàu cá kể trên. Ngồi ở hội trường khu phố An Đức 2 (thị trấn Cửa Tùng), 7 ngư dân trực tiếp cứu hộ 44 nạn nhân và các thuyền viên trên 2 tàu cá chở nạn nhân vào bờ ai nấy mặt tươi rói. Họ không tranh công trạng, họ kể chuyện cứu hàng chục người giữa biển như một lẽ đương nhiên, khiến những người có mặt đều ấm lòng. Để động viên những ngư dân giàu lòng nhân ái này, ngay trong sáng 12.10, ông Nguyễn Đức Chính yêu cầu phải có ngay bằng khen của UBND tỉnh kèm phần thưởng trao tặng cho tập thể 3 tàu cá vì đã có thành tích trong việc tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu vận tải Cửa Tùng 01 bị chìm.



Chiếc tàu cá cùng 7 ngư dân cứu 44 người gặp nạn. Ảnh: HƯNG THƠ



Liền sau đó, UBND huyện Vĩnh Linh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cũng trao giấy khen, tiền thưởng và lời cảm ơn đối với thuyền viên ở 3 tàu cá trên. Cầm tấm bằng khen của UBND tỉnh trao tặng cho tập thể tàu QT21106TS, anh Lê Văn Hiếu thay mặt những ngư dân được nhận phần thưởng, nói rằng sẽ có trách nhiệm hơn, với những ghi nhận của chính quyền. “Thưởng hay không, chúng tôi không quan trọng lắm. Nhưng được các cấp quan tâm ghi nhận, chúng tôi tự thấy phải cố gắng hơn” - anh Hiếu, chia sẻ.



Thực tế và những câu hỏi bỏ ngỏ



Sau khi thông tin tàu vận tải chở theo 44 hành khách bị chìm gần đảo Cồn Cỏ, nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng xung quanh chuyện tại sao tàu vận tải lại chở khách? Ông Hồ Thanh Ngọc - chủ tàu vận tải Cửa Tùng 01 giải thích rằng, tàu của ông chỉ chở vật liệu, nhưng mấy năm nay thường cho bà con, công nhân hoặc bộ đội quá giang miễn phí từ cảng Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ. “Biết là tàu chở hàng chở người là trái quy định, nhưng bà con không đi tàu chở hàng thì không có phương tiện gì để ra đảo. Tôi hỏi thuyền trưởng tại sao lại cho đi nhiều thế, thì ông ấy bảo toàn người quen cả, không cho đi sao đành” - ông Ngọc, cho hay. Chuyến đi này, tàu gặp sự cố nên chìm, chưa rõ sẽ bị xử lý như thế nào, nhưng trước mắt ông Ngọc đã hỗ trợ cho gia đình nạn nhân thiệt mạng 20 triệu đồng để lo hậu sự.


Ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ xác nhận, hiện tại chưa có tàu vận tải khách đi ra đảo. Huyện đảo chỉ có 1 tàu công vụ 30 chỗ, mỗi tuần 2 chuyến, sáng thứ 2 chở cán bộ ra, chiều thứ 6 đi vào. “Trừ khi có trường hợp đột xuất thì sẽ điều động tàu công vụ, hoặc tàu của Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo, tàu của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, còn bình thường thì chỉ tuần 2 chuyến đó thôi” - ông Tuấn, nói. Trên đảo Cồn Cỏ có người dân sinh sống, vậy mỗi lần di chuyển ra vào đất liền sẽ thế nào khi chưa có tàu vận tải khách?



Tôi gặp chị Nguyễn Hạnh Nhân, chị Nhân ra đảo Cồn Cỏ định cư từ năm 2002. Chị kể bấy lâu nay vào ra đất liền để thăm con cái, phải xin tàu cá hoặc tàu hàng đi nhờ. “Có hôm, bố tôi nằm bệnh viện, khóc hết nước mắt một tàu cá mới cho đi nhờ vào. Họ cho đi nhờ là may lắm rồi, nếu không chúng tôi biết di chuyển ra làm sao. Cũng mong an toàn tính mạng, cũng mong đi lại thuận lợi lắm chứ, nhưng thực tế chưa cho phép thôi” - chị Nhân, cho hay.



Trong số 44 người có mặt trên tàu vận tải bị chìm, có đến 12 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ; công binh C17 4 người; công an huyện đảo 1 người; đồn biên phòng Cồn Cỏ 1 người; thuyền viên tàu Cửa Tùng 01 là 4 người; công nhân của các Cty xây dựng 26 người. Họ lên đường ra đảo Cồn Cỏ trên chuyến tàu vận tải không có đầy đủ trang thiết bị cứu hộ. Điều đó có nghĩa, nếu xảy ra sự cố dọc đường, tính mạng khó đảm bảo, ai cũng biết. Nhưng chỉ có một con tàu lên đường ra đảo, không leo lên thì đi đường nào...



Theo ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, trong năm 2017 sẽ có tàu vận tải khách đưa vào sử dụng. Con tàu này đã được hoàn thiện, đang trong quá trình hoàn tất các loại giấy tờ thủ tục. “Khi có tàu vận tải khách ra đảo Cồn Cỏ, người dân và cán bộ trên đảo sẽ chủ động và thuận lợi hơn trong việc đi lại” - ông Tuấn, nói. Còn nguyên nhân dẫn đến tàu vận tải bị chìm đang được cơ quan chức năng điều tra.


LÂM HƯNG THƠ