Câu chuyện được kể đề nguồn từ một trang báo lớn kèm theo ảnh minh họa khiến nhiều người tin là thật và gây ra 'cơn bão' share trên Facebook. Sự thật, nó đã dùng ảnh của một vụ việc đình đám khác.



Một fanpage hút gần 600 nghìn lượt like đang chia sẻ câu chuyện chấn động về việc 3 cô gái hiếp dâm khiến một chàng trai 17 tuổi phải nhập viện. Status này đăng kèm hình ảnh minh họa vụ việc và cuối bài đề "Nguồn: báo Lao động". Câu chuyện này hiện hút hơn 40 nghìn like, hơn 20 nghìn lượt share và bàn tán vì bất bình.


Sự thực thì bức ảnh trong bài hoàn toàn không liên quan tới câu chuyện hiếp dâm, đó là ảnh chụp nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 3/2015.





Một fanpage hút hàng trăm nghìn like đăng câu chuyện có nội dung giật gân nhằm "câu like" trắng trợn gây bức xúc.



Cụ thể, status viết rõ "câu chuyện xảy ra vào 5h chiều tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Đồng". Nạn nhân tên Nguyễn Văn Trung, 3 thiếu nữ hành hung chàng trai bất tỉnh là Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Thị Thúy, Phạm Thị Lan (ngụ xã Prom huyện Đơn Dương). Khi đi qua đoạn đườngvắng Hà, Thúy và Lan gặp Trung đi trái chiều. Đi một đoạn thì Hà chạy tới xin số điện thoại của Trung. Trong lúc Trung không để ý Thúy đã dùng một viên gạch đập liên tiếp vào gáy khiến anh chàng bất tỉnh. Cả 3 kéo Trung vào vườn cà chua ở gần đó và thay nhau hãm hiếp. Hiện trường vụ việc sau đó được công an vào cuộc điều tra.


Câu chuyện tưởng hoang đường được kể với giọng điệu tường thuật như người chứng kiến khiến nhiều người đọc tin là thật và gây nên "cơn bão" share. Phần lớn người đọc bày tỏ sự bất ngờ trước thông tin và đưa ra bình luận nói về nhân phẩm, đạo đức của người trong cuộc.


Khi câu chuyện được chia sẻ rầm rộ trên mạng, nhiều người phát hiện sự việc trên là hoàn toàn bịa đặt. Thứ nhất, trang báo mà fanpage kia nhắc tới về nguồn câu chuyện không hề có bài viết liên quan đến vụ việc. Thứ hai, hình ảnh minh họa được xác định là nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa Hà Tĩnh cách đây không lâu. Bức ảnh do phóng viên báo Hà Tĩnh ghi lại (xuất hiện trong bài viết 'Sập giàn giáo tại công trường Formosa, ít nhất 9 người chết' đăng tải ngày 25/3/2015) bị fanpage này lấy lại, xóa logo và làm mờ để đánh lừa người đọc...





Ảnh trong post đăng tải là nạn nhân trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 3/2015. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.



Một bạn đọc còn phát hiện sự vô lý trong câu chuyện kể: "Làm gì có 'huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Đồng' như người viết tường thuật bởi Đơn Dương và Đức Trọng là 2 huyện khác nhau mà. Thêm nữa, ở huyện Đơn Dương không hề có xã nào mang tên là Prom (huyện Đơn Dương có 10 xã nhưng không có xã tên Prom mà là xã Pró - PV)".


Bạn Phương Trang bình luận: "Các bạn hãy tỉnh táo để không bị đánh lừa. Đọc vào câu chuyện đã thấy có nhiều tình tiết sai và phi lý. Hãy tự mình xác minh thông tin trước khi nhấn nút share. Bạn không mất mát gì nhưng việc làm đó sẽ gây hoang mang cho dư luận, kéo theo những hệ lụy khác".


Đây không phải là lần đầu tiên sự việc share thông tin thiếu kiểm chứng trên Facebook diễn ra và gây nên hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, một nam thanh niên được nhờ đóng clip ca nhạc tạt nước vào người hát rong nhưng cuối cùng thông tin đăng tải lại bị bóp méo. Sự việc khiến anh chàng lao đao khi phải giải thích với nhiều người để minh oan, lấy lại danh dự cho bản thân.




http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/20-nghin-share-cho-cau-chuyen-bia-dat-trang-tron-3-thieu-nu-hiep-dam-chang-trai-3417033.html