http://afamily.vn/20091119075139342tm0ca32/2011-Vi-sao-me-chon-phong-bi-tang-co


Hôm qua dẫn con đi thăm cô, con mở hộp quà ra hỏi: “Ơ, tại sao mẹ lại mang tiền đi đưa cho cô giáo”, tự nhiên mình thấy…khó trả lời”.


Đó là câu hỏi khó mà không chỉ riêng chị Hiền (một phụ huynh bé mẫu giáo ở Thanh Xuân – Hà Nội) gặp phải.



Vì sao mẹ chọn phong bì?



Càng ngày thị trường quà 20/11 càng phong phú và đa dạng nhưng chiếc phong bì dường như vẫn là thứ được nhiều phụ huynh lựa chọn nhất. Đây là món quà vừa gọn nhẹ, vừa dễ sử dụng lại không mất nhiều thời gian chọn lựa. Một chiếc phong bì, một bó hoa, thế là vừa thực tế, vừa lịch sự.



Chị Nguyễn Thuý Hoà (Tây Sơn – Hà Nội) cho rằng: “Tặng phong bì cho thầy cô nhân ngày 20/11 không có gì là xấu. Dịp Tết mình vẫn mang phong bì mừng tuổi, đến đám cưới, lễ khánh thành cũng đều tặng gia chủ phong bì, vậy lễ nhà giáo cớ gì lại không thể?. Theo tôi, đó cũng là một nét văn hoá đẹp, thể hiện sự tôn sư trọng đạo của người Việt.”.



Thầy Lương Văn Kế (Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng: “Phong bì nên chia làm 2 loại, những phong bì có giá trị trên 1 triệu đồng nghĩa là hối lộ, đút lót. Còn loại phong bì vài trăm nghìn, gọi là bồi dưỡng công lao thầy cô dịp lễ tết như 20/11, giống như các anh các chị đi họp cũng được nhận phong bì bồi dưỡng thay cho bữa cơm trưa, thì xã hội cũng không đáng lên án gay gắt. Nó không làm mất đi vẻ đẹp của ngành giáo dục, chỉ là một thứ lễ nghĩa trong xã hội mà thôi”.



Đối tượng giáo viên mà các phụ huynh hay lựa chọn phong bì nhất có lẽ chính là những giáo viên mầm non. Phụ huynh nào cũng tâm niệm: Trong năm các cô giáo đã chăm sóc con cái mình nhiều mà đồng lương cũng chẳng đáng là bao, vì vậy gửi thầy cô một chút tiền coi như là hỗ trợ. Chị Hiền (Thanh Xuân – Hà Nội) bảo: “ Chẳng biết nhà cô thiếu cái gì nên tặng quà nhỡ không sử dụng được thì vừa mất công mình, vừa làm khó cô giáo. Chiếc phong bì vừa giúp giải quyết được nhiều việc hơn, vừa giúp mình đỡ áy náy vì cả năm chẳng làm gì bù lại được công lao dạy dỗ của các thầy”.



Hãy để bé có ngày 20/11



Đồng ý với các chị rằng tặng phong bì không có gì là xấu, nếu phụ huynh coi nó như một món quà nhỏ với lòng biết ơn thầy cô giáo. Nhưng đưa phong bì như thế nào, làm sao để không đánh mất ngày 20/11 của con lại là điều không phải bậc cha mẹ nào cũng làm được. Nhiều gia đình đã coi chiếc phong bì như vật phẩm đại diện tuyệt đối của tình cảm, mà quên đi rằng mình đang đánh mất ngày 20/11 của con.



Giáo viên mẫu giáo Nguyễn Thị Hường (trường mầm non Hoa Mai – Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: “ Ngày 20/11 vui nhất không phải là nhận những món quà đắt tiền mà là những tấm thiệp nhỏ xinh, những bông hoa bé tự gấp. Mỗi học sinh đều là những đứa con mà mình gắn bó ít nhất là một năm, nhiều có khi vài ba năm, chính bởi vậy, 20/11 mà chúng không thể hiện gì đôi lúc thầy cô cũng thấy chạnh lòng”.



Bé Hoài Anh (5 tuổi – trường Hoa Mai) thì bảo: “Cháu cũng định tự chọn quà tặng cô như bạn thân của cháu nhưng mẹ gạt đi, mẹ cháu bảo quà của mẹ hay hơn, có giá trị hơn. Cháu nghe lời mẹ nên không chọn nữa”.



Xét cho cùng thì ngày 20/11 vẫn là ngày của tình thầy trò. Giúp cho con biết được ý nghĩa của ngày này cũng có nghĩa là các mẹ đã dạy con được một nét văn hoá đẹp, giúp các bé tôn trọng và lắng nghe thầy cô hơn, biết điều hay lẽ phải để ứng xử trong cuộc sống. Thiết nghĩ thay bằng việc để bé cầm phong bì tặng cô, hãy đặt nó đúng chỗ và dạy bé làm tặng “người đưa đò” mình những bông hoa xinh, những tấm thiệp ý nghĩa. Những món quà tinh thần này sẽ làm ngày 20/11 ấm lên trong cả gia đình.


Ma Kin