http://news.zing.vn/15-mon-ngon-mien-tay-duoc-long-nguoi-sai-gon-post736155.html



Bún mắm, hủ tiếu Mỹ Tho, lẩu cá kèo... là những món ăn khiến những người con tha phương chạnh lòng khi nhớ đến quê nhà.




Cá lóc nướng trui ăn kèm rau sống, bánh tráng mỏng, bún tươi chấm kèm mắm nêm hay mắm me. Một phần cá lóc có giá từ 120.000 đồng. Ảnh: Lê Quân.





Lẩu cá kèo là món ăn nổi tiếng của người dân Nam Bộ. Món ăn có vị chua của lá giang, nhân nhẫn của rau đắng cùng loại cá có kích thước non ngón cái. Bạn có thể tìm thấy lẩu cá kéo ở nhiều quán ăn của Sài thành. Nổi tiếng nhất là các quán trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3). Ảnh: Nguyên Trang.



Nem nướng miền Tây có vị ngọt của đường. Theo chia sẻ của chủ một quán nem Long An gia truyền, để món ăn ngon, đầu bếp phải chế biến thịt heo mới ra lò.



Cháo lòng: Thương hiệu cháo lòng nổi tiếng của miền Tây là Cái Tắc và Châu Đốc. Cháo thường được nấu theo phong cách sơn thủy (cái và nước phân rõ), ăn kèm bánh mì hay bún tươi.



Bánh tằm bì là một trong những món ăn dân dã của miền Tây. Bánh có sự kết hợp giữa vị mặn của mắm, các loại chả, nem... và vị ngọt, béo của nước cốt dừa.



Bánh bèo thường được đổ bằng chén nhỏ, ăn kèm đậu xanh đánh nhuyễn, tôm chấy, hành phi, nước mắm chua ngọt và nước cốt dừa.



Chuối nướng: Chuối sứ (xiêm/mốc) chín rục, bọc trong một lớp nếp, cơm dừa mỏng, nướng trên nếp than. Chuối nướng ăn kèm nước cốt dừa và mè rang vàng.




Nem cuốn có thành phần tương tự nem nướng, nhưng cách thưởng thức lại giống gỏi cuốn. Nem nướng chín, xắt mỏng, cuốn cùng các loại rau. Món này ăn kèm mắm nêm hay tương ngọt, đồ chua, đậu phộng...



Thịt cuốn mắm Thái rất phổ biến ở Châu Đốc (An Giang) - xứ sở của món mắm này.



Bánh xèo miền Tây đổ bằng chảo nên có kích thước cùng phần nhân nhiều vượt trội. Nhiều yếu tố quyết định độ ngon của món ăn, như kỹ thuật chiên, độ tươi của nguyên liệu và nước mắm chua ngọt.




Bánh ống lá dứa được làm từ khoai mì cà nhỏ giống như gạo tấm, trộn với bột gạo nếp, xác dừa nạo theo tỷ lệ thích hợp. Hỗn hợp này được trộn với nước lá dứa để tạo màu xanh. Bánh được hấp chín bằng hơi nước.



Nước cỏ lau có tạo hình giống sương sâm hay thạch găng. Món nước này có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc.




Lẩu mắm có vị thơm đậm đà vì nước dùng được nấu cùng mắm linh và mắm sặc. Món ăn này hấp dẫn thực khách với sự phong phú của các loại rau, nguyên liệu ăn kèm.



Bún mắm được xem như hình thức thu nhỏ của lẩu mắm. Một tô bún mắm "đúng bài" phải có đầy đủ các nguyên liệu như cá, thịt heo quay, mực, tôm, cà tím...



Bún cá lóc là một trong những đặc sản quen thuộc của miền Tây. Tùy địa phương hay sở thích của người nấu, món ăn này có tạo hình, nguyên liệu, hương vị khác nhau.



Bún kèn là đặc sản của Hà Tiên. Trong món bún này, cá xào nghệ là thành phần tốn thời gian và công đoạn chế biến nhất.