http://www16.24h.com.vn/news/detail/46/256119/Than-duoc-bien-lon-mo-thanh-lon-nac.24h


"Thần dược" biến lợn mỡ thành lợn nạc


(24h) - Với một loại thuốc trộn vào thức ăn cho lợn, chỉ trong 7-10 ngày, các mô mỡ teo tóp lại, thớ thịt nở ra, lợn mỡ đường hoàng thành lợn nạc. Công nghệ này được một số lái lợn ở Đồng Nai áp dụng và giàu lên nhanh chóng.


Ngoài công nghệ nói trên, để kiếm được nhiều lãi, các lái buôn còn phù phép giấy kiểm dịch động vật để tuồn lợn chưa tiêm vaccine vào TP HCM tiêu thụ. “Bây giờ người nuôi lợn ít, nhưng toàn là nuôi quy mô lớn nên lái lợn cũng kiếm ăn được. Nhiều tay còn có nhiều mánh lới nên cứ giàu lên vùn vụt!”, Thắng, một lái lợn có thâm niên ở Biên Hòa, Đồng Nai, tiết lộ. Mất khá nhiều thời gian thuyết phục, Thắng mới cho phóng viên Đất Việt đi theo xe đến tận các trại để mua lợn.


"Mua'' giấy chứng nhận tiêm chủng: 10.000 đồng một con


15 năm trong nghề lái lợn, Thắng nắm được danh sách hầu hết các chủ trại lợn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thậm chí có ngày anh còn đánh xe sang tận các huyện thuộc tỉnh Bình Dương để “ăn hàng”. Những lái cỡ lớn như Thắng gom và đưa hàng lên tiêu thụ ở TP HCM thường không mua lẻ tẻ mà tìm đến các trại lớn trong dân với số lượng xuất bán mỗi lần đến vài chục con.


Sau khi trả giá, 30 con lợn với khối lượng dưới một tạ mỗi con của một trại lợn ở huyện Long Thành nhanh chóng được lùa lên hai chiếc xe tải nhỏ. Lúc này, chủ trại mới cho biết là đàn lợn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng. Theo quy định, lợn nhập vào TP HCM phải có nguồn gốc rõ ràng và giấy chứng nhận tiêm vaccine này của thú y địa phương. Tuy nhiên, Thắng phẩy tay: “Mấy cái giấy đó chạy dễ ợt à!”.


Một lái lợn đang xem hàng tại trại.


Thay vì chạy xe thẳng đến trạm thú y địa phương nơi mua lợn để xuất trình giấy tờ, làm giấy chứng nhận và niêm phong xe như thường lệ với phí 50.000 đồng mỗi xe lợn (phí mua giấy 30.000 đồng, “bồi dưỡng” cán bộ thú y 20.000 đồng), Thắng lái xe chở lợn về thẳng nhà. Chỉ 30 phút sau, một cán bộ thú y “quen biết” được gọi tới để cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đàn lợn với giá chỉ tốn kém hơn chút ít: 10.000 đồng một con. 30 con lợn không được tiêm vaccine nhanh chóng được “hô biến” thành lợn đã qua tiêm chủng và dễ dàng được nhập vào TP HCM vài giờ sau đó.


Vốn “làm ăn lâu dài với nhau” nên các cán bộ thú y này có mặt rất nhanh chóng, đảm bảo đúng thời gian chuyển lợn đi tiêu thụ. Hoàng, một lái lợn khác ở Biên Hòa, kể: “Có nhiều bữa mua lợn có giấy tiêm phòng đàng hoàng, nhưng tới trạm thú y thì thấy đóng cửa chưa làm việc nên tôi cứ chạy thẳng về chạy giấy cho lẹ để kịp xuất hàng sớm!”.


Do “chạy” giấy đơn giản như vậy nên việc đưa lợn bệnh từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… vào TP HCM chẳng khó khăn gì, chỉ việc đi gom lợn về và làm giấy khống trong tích tắc. Một lái lợn còn tiết lộ rằng thậm chí khi xe đã được niêm phong rồi, họ cũng có cách để trộn lợn bệnh vào. Dây niêm phong xe tải chở lợn được làm bằng nhựa, chỉ cần bẻ ra tráo lợn rồi dùng keo dán lại là xong.


“Thần dược”


Lợi dụng sự chênh giá giữa lợn nạc và mỡ, nhiều lái lợn còn có “mánh” khác. Anh Nguyễn Ngọc Anh, chủ một trại lợn ở Long Thành (Đồng Nai), kể rằng cách đây không lâu, có một lái lợn vào ngả giá mua đàn lợn nhà anh. Người này đặt vấn đề lưu lại đàn lợn trong chuồng nhà anh thêm một tuần và đưa một gói bột trắng “nạc hóa” nhờ trộn vào thức ăn. Dù được hứa trả công hậu hĩnh, nhưng anh Ngọc Anh vẫn từ chối vì đã biết tác hại của loại thuốc này.


Thuốc “nạc hóa” lợn trôi nổi trên thị trường có giá khoảng 1,6 - 2 triệu đồng một bao 2 kg xuất xứ Trung Quốc, không hề có nhãn mác. Đây là một loại thuốc đã bị cấm do tác hại khó lường đối với người ăn thịt lợn. Theo nhiều lái lợn và chủ trại thì rất nhiều đại lý thuốc thú y có bán lén lút loại “thần dược” nạc hóa lợn siêu tốc này. Tuy nhiên, họ chỉ dám đưa hàng ra với người quen, tuyệt đối không bán cho người lạ mặt để tránh bị phát hiện.


Chỉ cần trộn bột thuốc này trong thức ăn của lợn trong 7 -10 ngày là mỡ lợn sẽ teo rút lại, các bắp thịt nở ra. Tuy nhiên, nếu cho ăn quá liều một chút là có thể làm xương mục và lợn dễ bị gãy đùi. Không ít hộ dân vì ham “nạc hóa” lợn để bán giá cao đã phải chịu cảnh lợn đồng loạt gãy đùi và chết ngay tại chuồng.


Nhờ các mánh lới đó, nhiều lái lợn cứ phất lên nhanh chóng. “Tui chỉ dám cưỡi xe tải nhỏ vậy thôi, chứ có nhiều ông ở đây sang hơn thì còn đi lái lợn bằng ô tô xịn kia. Cứ sáng sớm mấy ổng chạy xe tới các trại lợn, trả tiền xong xuôi rồi gọi người làm tới bắt lợn, chạy giấy, chở lên nhập lò ở TP HCM”, Thắng cho biết.