“Con ruồi giá 500 triệu đồng” và bài học về xử lý khủng hoảng



31/01/15 05:50






"Việc sử dụng quyền không phù hợp dẫn đến hậu quả pháp lý không mong muốn, tôi cho rằng cả 2 bên đều ứng xử chưa phù hợp, đều có phần lỗi góp phần gây ra hậu quả. Và cách xử lý khủng hoảng chưa tốt"



Đó là quan điểm của Luật sư Vũ Văn Dũng khi nói về câu chuyện "một con ruồi giá nửa tỉ và một người có thể đi tù".



Câu chuyện có thể được kể tóm tắt như sau, Theo thông tin từ báo chí, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang vừa tạm giữ một người (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để xử lý đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản. Người này này, trong lúc lấy chai nước ngọt khui bán cho khách, phát hiện trong chai có con ruồi. Công ty sản xuất nước giải khát đã cử người tới gặp. Người bán hàng này ra giá cho sự “im lặng” là… 1 tỉ đồng, nếu không sẽ cung cấp cho báo chí và in 5.000 tờ rơi phát tán. Sau khi thỏa thuận, phía công ty đồng ý trả cho người này 500 triệu đồng. Nhưng đến khi giao tiền thì công an bắt người này về tội tống tiền.










Con ruồi giá nửa tỉ, một người có thể vào tù, một gia đình tan nát (ảnh minh họa)


Nhằm đưa ra cái nhìn thuần túy về truyền thông và pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Vũ Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) xung quanh câu chuyện này.



Thưa luật sư, nhìn từ góc độ pháp lý việc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm lỗi, cụ thể “một chai nước ngọt có ruồi”, họ có thiệt hại gì không, thiệt hại như thế nào?



Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không đảm bảo an toàn nói chung. Sự kiện “con ruồi” chỉ là sự cố trong quá trình sản xuất, nhưng thể hiện sự yếu kém của quy trình quản lý chất lượng sản phẩm. Con ruồi chưa gây (hoặc đã gây mà chưa xác định được) thiệt hại thực tế để đánh giá mức độ bồi thường thiệt hại cụ thể, nhưng với hệ thống quản lý giám sát đó, thiệt hại ở mức nguy cơ, cần biện pháp ngăn chặn.



Nếu họ đòi bồi thường thì pháp luật quy định mức bồi thường ra sao?



Do chưa xác định thiệt hại thực tế, nên không có bồi thường dân sự. Nếu sự việc có ruồi trong chai nước ngọt là có thật, doanh nghiệp chỉ bị phạt xử lý hành chính, thu hồi sản phẩm (lô sản phẩm) để tiêu hủy, buộc áp dụng các biện pháp quản lý để hạn chế sản phẩm lỗi.



Đi thẳng vào vấn đề chai nước ngọt, họ cho rằng có ruồi , Người tiêu dùng đòi nhà sản xuất 500 triệu đồng và bị bắt vì tội tống tiền. Luật sư có đánh giá thế nào?



Người bị tam giam trong vụ việc này là một người tiêu dùng, nhưng không phải là đại diện của người tiêu dùng nói chung. Người tiêu dùng này có quyền cung cấp thông tin cho báo chí, có quyền liên hệ với nhà sản xuất để khiếu nại sản phẩm, được quyền nhận tiền bồi thường trên cơ sở các thiệt hại thực tế. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật. Việc sử dụng quyền không phù hợp dẫn đến hậu quả pháp lý không mong muốn, tôi cho rằng cả 2 bên đều ứng xử chưa phù hợp, đều có phần lỗi góp phần gây ra hậu quả.



Nhìn từ dấu hiệu tội phạm, hành vi này có thể cấu thành tội phạm hay không?



Hành vi của người này có thỏa mãn cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản (điều 135/LHS) hay không? Phụ thuộc nhiều yếu tố thể hiện trong quá trình họ thương lượng, cần điều tra làm rõ mới có thể kết luận. Tuy nhiên, nếu xác định bị hại là nhà sản xuất, việc chứng minh cũng khiên cưỡng, vì vũ lực thì không có, mà uy hiếp tinh thần của pháp nhân là điều khó có thể xảy ra (có tổ chức nào bị mất ngủ, phờ phạc, trầm cảm, cần đi giám định tâm thần đâu?)



Bài học pháp lý nào xung quanh câu chuyện “con ruồi giá nửa tỉ đồng” này?



Vụ việc này, vấn đề đầu tiên là nội dung thỏa thuận phải đúng pháp luật. Không thể thỏa thuận “mua sự im lặng”, mà phải thỏa thuận theo hướng “bàn giao chứng cứ để đưa đi giám định, xác định nguyên nhân lỗi” …. Vấn đề nữa là hình thức thỏa thuận phải thành văn bản, địa điểm công khai, như tại VP công ty, tại UBND…. Không chọn các địa điểm như quán café…vừa không nghiêm túc, vừa dễ bị gài bẫy.



Nếu là luật sư, luật sư sẽ tư vấn cho công ty xử lý vấn đề pháp lý này như thế nào?



Vì thông tin hạn hẹp, tôi chỉ xin trình bày một số quan điểm cá nhân như sau.



Nếu tôi tư vấn cho nhà sản xuất, tôi sẽ đề xuất:



Một, thương lượng khách hàng, nhận và đưa mẫu sản phẩm đi giám định; thương lượng không thành công sẽ có công văn đề nghị Công an hỗ trợ để ghi nhận việc bàn giao mẫu.



Hai, nếu không có mẫu hoặc mẫu là do khách hàng cố tình tạo dựng: đề nghị xử lý đối với khách hàng.



Ba, nếu đúng sản phẩm lỗi: Tổ chức thu hồi lô sản phẩm, kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xin lỗi khách hàng và đền bù hợp lý các thiệt hại thực tế (do nghỉ bán hàng, do đã bồi thường bên thứ 3…).



Bốn, nhận lỗi và lựa chọn lời xin lỗi phù hợp nhất để trấn an người tiêu dùng.



Xin cảm ơn luật sư!