Trong cuốn tự truyện về 7 năm chiến đấu với bệnh ung thư, cô gái 26 tuổi Hoàng Thị Diệu Thuần nhắc nhiều đến một người con trai tên Thái.


Những lúc khỏe mạnh, Thuần thích đi du lịch và chơi guitar.


Ảnh nhân vật cung cấp.


Bước chân vào đại học (năm 2005) chưa đầy một tháng, Hoàng Thị Diệu Thuần ở Quỳ Hợp, Nghệ An bắt đầu nhập "hộ khẩu tạm trú" trong viện Huyết học. Suốt quãng thời gian làm sinh viên, Thuần triền miên trong những đợt truyền hóa chất, làm xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe. Đau đớn và mệt mỏi nhưng không dám bộc lộ với người thân và bạn bè, cô gái này tự mình giải tỏa bằng những trang nhật ký. Mới đầu cô viết với ý định ghi lại tâm trạng và cảm xúc khi nằm trên giường bệnh. Năm 2010 khi bệnh tình đã nặng, Thuần viết nhiều và "tử tế hơn" vì sợ một lúc nào đó sẽ không còn được trải lòng như thế nữa.


Tự truyện Như hoa hướng dương của Thuần chỉ là những mảnh ghép trong cuốn nhật ký viết suốt 7 năm của cô. Cuốn sách lưu lại những cảm xúc những ngày ở viện, những ngơ ngác không hiểu sao lại nhập viện gấp thế, ký ức tuổi thơ, về cậu - mẹ và tình cảm chưa gọi tên với một người anh cùng điều trị như Thuần. Kể từ khi biết bị ung thư máu, Thuần tự cho mình là một người khác với những người xung quanh mặc dù chẳng thể tự chứng minh được sự khác biệt đó như thế nào. Cô "sống phần nhiều với quá khứ hơn là hiện tại, tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu những nỗi đau của hiện tại".


"Tôi buộc chặt nỗi buồn vào mình như để khoác tấm áo vô hình cho số phận. Sự huyễn hoặc và những suy nghĩ viển vông cùng với quá khứ đặc biệt đã như một ma thuật đi bên cạnh và trở thành một phần máu thịt. Tôi cho đó là điều hiển nhiên và chấp nhận nó cho đến bây giờ...", trích tự truyện.


Những ngày bị bệnh, cô hay nhớ về thời thơ ấu "tràn ngập tiếng cười trên những triền đồi cùng lũ bạn học và lũ trẻ con trong làng". Ngày ấy cô hay cùng trẻ trâu ra con suối phía sau trường tiểu học chơi đùa. Mỗi mùa hoa trẩu nở, cả ngọn đồi như khoác tấm áo mới, lũ trẻ con háo hức đi học sớm để hò nhau leo cây hái hoa.


"Tiếng trống trường, tiếng hát đồng ca, tiếng hò nhau của lũ bạn, tiếng trâu bò, ếch nhái in hằn trong ký ức của tôi, một vệt dài đẹp đẽ để mỗi khi nhớ về thấy nhói lên một nỗi đau dịu nhẹ", Thuần viết.


Năm lớp 11, Thuần hay mệt mỏi và có triệu chứng như bụng sưng to, cứng, những vết thâm bầm dưới da, những trận sốt vào ban đêm, tim đập nhanh và nhói đau, thỉnh thoảng khạc ra máu. Thuần sụt cân nhanh chóng, từ 46 kg xuống còn 37 kg. Sau khi đi khám nhưng không phát hiện bệnh, người nhà Thuần cho rằng có lẽ do em học nhiều.


Những lần vật vã trong đau đớn, "tự kỷ" với suy nghĩ vẩn vơ, Thuần hay ước "giá như căn bệnh này không chọn tôi". Cô tâm sự, giá như bệnh không chọn Thuần thì giờ cô đã đi làm, tung tăng đi du lịch và biết đâu đã có người yêu... Nhiều khi đau quá, Thuần nghĩ mình là "xác chết biết động đậy" hay "một con thú hoang bị thương" vì "là thú thì chỉ cần ăn, ngủ, tồn tại mà không cần quan tâm đồng loại của nó nghĩ gì về nó. Cứ sống cho đến khi chết thôi".


Cái chết luôn có trong suy nghĩ của Thuần kể từ những ngày đầu bị bệnh tới giờ. Cô nghĩ chết đi sẽ chẳng còn đau nữa, người thân, bạn bè cũng không héo mòn vì lo lắng cho mình. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân cùng phòng ra đi, Thuần cảm nhận rõ sự đau đớn, xót xa của người thân họ. Cô nghĩ tới mình rồi sợ hãi và thương những người thân, đặc biệt là bố Vinh.


Ông Vinh gần 70 tuổi và nghỉ hưu đã nhiều năm nay. Nhìn mái tóc cậu ngày một bạc trắng, đôi mắt hằn những suy nghĩ lo lắng, Thuần không khỏi xót xa. Cô chẳng dám khóc mà chỉ giấu đi nỗi sợ hãi và im lặng trong sự bình tĩnh giả tạo để chờ đợi những liều thuốc của bác sĩ. Thuần kể, bố dễ xúc động và không giấu được cảm xúc. Bố thương và tự hào về Thuần nên khi biết con gái ốm nặng, bố suy sụp. Thuần nhớ ngày còn nhỏ có lần không nghe lời và cãi lại khiến cậu bỏ đi sang nhà người bạn. Sau nghe kể lại cô mới biết bố đã khóc.


Trong căn phòng trọ chật chội ở khu Cầu Giầy, Thuần ngồi tựa lưng vào tường tiếp chuyện khách bằng giọng nói yếu ớt, nhỏ nhẹ. Thỉnh thoảng mệt quá, Thuần lại xin phép nằm xuống nệm. Ngoài bố, Thuần "ưu ái" nhắc nhiều tới một người anh tên Thái cô quen khi cùng điều trị.


Hai anh em gặp nhau khi Thuần mới vào ĐH Quốc gia còn anh đã là sinh viên năm 2 của ĐH Bách khoa. Thái hơn Thuần một tuổi và điều trị bệnh bạch cầu cấp. Cả hai cùng thích đọc truyện Doraemon, ra hành lang hứng nắng hay dạo dưới những tán lá cây.


"Sau giờ tiêm thuốc là hai anh em lại rủ nhau ra hành lang chơi. Rồi anh dẫn tôi đi xuống sân thổi kèn lá, đi qua những phòng bệnh nhân khác để nói chuyện, mặc dù cả tôi và anh đều ít nói", trích tự truyện Như hoa hướng dương.


Nhắc đến Thái, ánh mắt Thuần lung linh và miệng cười tươi hơn. Cô nhớ ánh mắt cùng nụ cười dịu dàng, nhớ hình ảnh Thái đang ngậm chiếc lá và thổi một khúc nhạc buồn, nhớ lần Thái đặt vào tay cô bông hồng trắng và xòe ra trước mặt cô những viên kẹo xanh đỏ. Cả hai cùng ăn kẹo và ngắm nắng rọi chiếu qua những chếc lá đan dày trên cao.


Với Thuần, Thái là nỗi hối hận mà cô sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Chỉ vì những giận hờn nông nổi mà cô đã không còn cơ hội được gặp Thái trước khi anh qua đời. Bẵng một thời gian không nghe điện thoại, lúc liên lạc lại bằng số Thái hay gọi, Thuần mới biết anh đã mất.


Thuần tâm sự, Thái hay trở về trong những giấc mơ của cô. "Tôi nhớ cái lần anh lên cơn sốt, những ngón tay run rẩy nhận từ tau tôi chiếc bánh quy. Tôi nhận ra anh ăn mọi thứ tôi đứa cho, không giống với những gì mẹ anh phàn nàn là anh rất lười ăn. Tôi muốn nhắc anh ăn nhiều hơn nhưng hôm đó tôi lại giận nên không nói gì cả", Thuần viết.


Ngày Thái còn sống, lần được ra viện, anh hay vào thăm Thuần mỗi chiều đi học về và mang theo nhiều báo hoa học trò. Cả hai cho nhau địa chỉ email và hẹn gặp nhau ở cổng trường Quốc gia.


"Sáng hôm đó, tôi mặc áo phông màu tím than. Chờ anh ở cổng trường nhưng mãi không thấy nên tôi nghĩ anh bận... Tôi chờ anh thêm một lúc lâu. Đang thất vọng thì có một bàn tay chạm nhẹ lên vai từ phía sau. Là Thái với ánh mắt vui mừng khi gặp lại tôi", trích tự truyện của Thuần.


Sau khi Thái ra đi, Thuần về Hưng Yên thăm mộ anh ba lần. Mọi thứ còn nguyên vẹn trong phòng anh, chỉ những cuốn Doraemon, chiếc mũ len và cả bức ảnh của Thuần mọi người không thể nào tìm thấy. Thuần nghĩ anh đã mang theo những thứ thuộc về cô bằng cách riêng nào đó. Thuần giữ lại món quà sinh nhật của anh là chiếc khăn quàng màu trắng, tấm thiệp viết bằng bút chì nắn nót: "Một ngôi sao may mắn đang đến bên em, hãy vững tin và mỉm cười. Mãi yêu em".


Cuốn tự truyện của cô gái bị ung thư máu này viết trong suốt 7 năm qua. Ảnh nhân vật cung cấp.


Để được chuyện trò với Thái, Thuần còn sáng tác thơ về anh. "Tháng tư về/ Nắng nhạt màu qua kẽ lá/ Vẽ vào mắt em câu kể thần thoại/ Ném em vào ký ức mang tên anh/ Bằng đôi cánh chuồn chuồn mỏng manh bị nắng đâm toạc/ Dù nhạt màu/ Vẫn đau...".


Bệnh tật và yếu ớt khiến Thuần không tự tin để nhận lời yêu ai mặc dù sau này cũng có người yêu quý. Cô đành đẩy người ấy đi xa mình để họ tìm được hạnh phúc mới dù trong lòng cũng muốn đón nhận yêu thương.


Mấy hôm nay Thuần đau nhiều và đi lại khó khăn khiến em buộc phải nhập viện. Anh trai Thuần có gen trùng khớp 90% trong xét nghiệm HLA nên có thể thực hiện phẫu thuật ghép tủy. Tuy nhiên chi phí quá cao khiến Thuần buồn vì biết không thể làm được điều đó.


Mới đây có một nhà văn người Israel từng mắc bệnh giống Thuần và giờ đã bình phục muốn giúp em sang nước bà chữa bệnh. Do chi phí chữa trị vượt quá khả năng chi trả nên nữ nhà văn đang thuyết phục các bệnh viện ở Israel miễn viện phí cho Thuần. Hiện tại, Thuần đang đợi kết quả từ nhà văn này.


Hà Phương


http://ngoisao.net/tin-tuc/24h/2012/08/chuyen-tinh-chua-goi-ten-cua-co-gai-bi-ung-thu-mau-209479/