Bữa sáng là bữa ăn khởi đầu của một ngày mới, nó rất quan trọng đối với tất cả mọi người, nhất là đối với các bé. Nhưng bữa ăn sáng lại là bữa ăn khó khăn nhất trong suốt một ngày đối với các bé. Và hôm nay, mình xin chia sẻ với các mẹ bài viết mang tựa đề: “Các mẹ hãy luôn nhớ tới tầm 'quan trọng' của bữa sáng để các bé chủ động ăn sáng nhé!” như một thông điệp xin gửi tới tất cả các mẹ luôn lo lắng khi các bé yêu không chịu ăn sáng qua một số thói quen mình đã dần tập cho các bé nhà mình có thói quen ăn sáng mỗi ngày.


Trước đây, mỗi sáng tỉnh dậy, các bé nhà mình thường “mè nheo”, từ chối không ăn sáng với lý do “muôn thuở”: “mẹ ơi, con không đói”. Thế là mình quan sát các bé và “phát hiện” ra, cuối tuần, các bé ăn sáng muộn giờ hơn vì không phải đến lớp, các bé ăn rất ngon miệng và không nói là “Con không đói” như những ngày phải đi học trong tuần. Bằng sự “phát hiện” ấy, mình tự tìm được “câu trả lời”, đó là: “do các bé không được tỉnh táo vào bữa ăn sáng”, vì vậy mình nên cho các bé ngủ sớm và dậy sớm thêm một chút nữa vào buổi sáng, cho bé vận động bằng các bài tập thể dục đơn giản, cho bé thay quần áo và có thể nói một số chuyện vui với bố mẹ để bé tỉnh táo, sau đó mới bắt đầu cho các bé ăn sáng. Có một số hoạt động nhỏ ấy sẽ giúp bé tỉnh táo và ăn bữa sáng với tinh thần tốt hơn các mẹ ạ. Vì nếu trẻ cứ bị ngái ngủ vào buổi sáng sẽ làm cho bé không thấy ngon miệng và “kéo theo” việc cố tình kén chọn món ăn sáng bằng cách nói dỗi: “Con không thích món này” hay” món này chán lắm” đã có lần xảy ra với hai bé nhà mình.


Khi các bé ngoài 2 tuổi, các bé nhà mình đã biết lựa chọn món ăn, vì vậy mình luôn chuẩn bị cho các bé những món ăn nhẹ và dễ ăn như cháo, nui, mì…Đặc biệt, vào mỗi buổi tối, mình thường xuyên hỏi hai bé: “Ngày mai các con muốn ăn món gì vào buổi sáng thì ‘đăng ký’ trước để mẹ chuẩn bị nhé!” Thế là hai bé nhà mình cùng thi nhau đưa ra những món mà mình yêu thích. Đặc biệt, Thỏ láu nhà mình thì thích ăn xôi, nên bé hay đòi ăn xôi vào buổi sáng. Nhưng món xôi lại khô nên mình không bắt bé ăn nhiều vì sợ bé ăn nhiều sẽ chán, mình lại chuyển hướng bé sang ăn món khác và nói: “Con vừa ăn xôi hôm qua xong, hay ngày mai con chuyển sang ăn mì nhé”. Bé ngẫm nghĩ một lát rồi đồng ý liền. Vì những món ăn khô mà ăn vào buổi sáng, đến người lớn chúng ta còn thấy khó ăn nữa là đối với các bé, nên thỉnh thoảng mình mới cho bé ăn đồ khô để tránh hiện tượng bé thấy khó ăn và chán ăn các mẹ ạ, và như vậy các bé sẽ được thay đổi khẩu vị ăn sáng và thấy bứa sáng sẽ càng ngon miệng hơn


Và với bữa sáng cho mỗi bé, mình chuẩn bị cho các bé với lượng vừa phải để bé có thể ăn hết, nếu có “thòm thèm” thì bé sẽ muốn ăn hơn vào những hôm sau. Mình cũng không ép bé ăn những món ăn mà bé không thích. Chẳng hạn, bé Bông nhà mình thích ăn cháo vào buổi sáng, nhưng Thỏ láu nhà mình lại không thích, bởi vậy nên mình cũng không “tiết kiệm công sức nấu nướng” mà bắt Thỏ láu phải ăn cháo cùng chị, mình nấu cháo cho Bông, nhưng sẽ nấu riêng món mì mà Thỏ láu thích ăn vào ngày hôm đó để bé có được “món ăn khoái khẩu” mà bé thích ăn ngày hôm đó sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn.


Và khi bữa sáng đã được chuẩn bị sẵn sàng, mình và ông xã cùng ngồi vào bàn ăn và ăn sáng cùng các bé để tạo không khí ăn sáng vui vẻ và hứng khởi “chào đón” một ngày mới, để các bé thấy được bố mẹ cũng nghiêm túc thực hiện việc ăn sáng hàng ngày và biến nó thành thói quen của các bé.


Bữa ăn sáng thực sự quan trọng, vì vậy, các mẹ hãy phổ biến tầm quan trọng và lợi ích của việc ăn sáng để các bé hiểu được và chủ động thực hiện ăn sáng hàng ngày. Nhưng các mẹ hãy kiên trì, không nên căng thẳng và phạt bé nếu bé không ăn sáng, cũng không nên bỏ mặc cho bé nhịn ăn sáng sau một thời gian “ép” bé ăn không được mà hãy căn cứ vào tính cách của các bé để tìm ra nguyên nhân bé lười ăn sáng và có hướng tích cực để khắc phục điều đó. Nếu các mẹ phạt bé sẽ khiến bé bị áp lực trong quá trình ăn sáng, khiến bé mất cảm giác thèm ăn và ăn một cách đối phó; điều này sẽ không tốt cho hệ tiêu hoá của các bé. Nếu bỏ mặc không cho các bé ăn sáng thì bé sẽ không có lượng calo đầy đủ để cung cấp cho cơ thể, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và việc học tập của các bé sau này.


Bằng sự nỗ lực của mình trong việc tìm hiểu nguyên nhân các bé lười ăn sáng đến việc chuẩn bị bữa ăn sáng đủ chất và tạo dựng tinh thần “tự nguyện”ăn sáng cho các bé, giờ đây tình trạng “stress” của mình cũng “biến mất” mà thay vào đó là sự “ngon miệng”trong bữa sáng của hai bé mỗi ngày. Nếu các mẹ có bé lười ăn sáng hãy cố gắng kiên trì để cho bé thực hiện nghiêm túc thói quen ăn sáng nhé!Chúc các mẹ thành công!