Bé nhà mình hồi gần 1 tuổi, khi mình đo trên biểu đồ chiều cao và cân nặng thấy bé ở vào ngưỡng hơi bị suy dinh dưỡng, hồi đó mình lo lắng lắm. Đây là lứa tuổi dễ bị suy dinh dưỡng bởi vì các bé cần nhu cầu dinh dưỡng cao, các bé lại đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật. Vì vậy, mình thường xuyên nghiên cứu tìm hiểu các thông tin để hiểu biết về sự suy dinh dưỡng của trẻ. Cuối cùng bé nhà mình đã vượt qua được kênh suy dinh dưỡng trong thời gian rất ngắn. Mình xin được chia sẻ để các mẹ cùng nghiên cứu và cho ý kiến nhé!


Trước hết, mình nghiên cứu nguyên nhân khiến các bé bị suy dinh dưỡng. Bé bị suy dinh dưỡng do các nguyên nhân sau:


- Do bé bị nhiễm khuẩn: bé bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hoá, bé bị biến chứng sau khi mắc bệnh lỵ, sởi…. Đặc biệt bé mắc bệnh tiêu chảy kéo dài sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn và đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bé bị suy dinh dưỡng


- Do sai lầm về cách nuôi dưỡng của mẹ: bé không được nuôi đúng phương pháp khi thiếu hoặc không có sữa mẹ, cai sữa cho bé sớm, cho ăn bổ sung về lượng và chất, phương pháp chế biến thức ăn cho bé không đúng, cho bé ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn. Rất nhiều gia đình thấy bé bú mẹ mà vẫn chậm lớn và nghĩ rằng sữa mẹ không tốt nên đã cai sữa cho bé từ rất sớm để bé ăn khá hơn. Nhưng đó chính là một quan điểm sai lầm các mẹ ạ, bởi vì sữa mẹ luôn là tốt nhất cho sự phát triển của các bé, bé cai sữa sớm có thể càng bị suy dưỡng hơn vì bé bị mất đi lượng sữa bú mẹ hàng ngày mà vẫn không cải thiện được tình trạng biếng ăn. Vì vậy càng không thể cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng được các mẹ ạ.


- Do các yếu tố bất lợi khác: bé sinh non tháng, suy dinh dưỡng bào thai, và mắc các dị tật bẩm sinh. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đông con, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dịch vụ chăm sóc y tế kém. Mình cũng có cô bạn sinh con non 1 tháng nên bé sinh ra cũng bị suy dinh dưỡng một thời gian dài mới cải thiện được.


Khi tổng hợp được những thông tin này, mình kiểm nghiệm lại quá trình nuôi con của bản thân từ trước đến nay, mình thấy rằng hoàn cảnh gia đình mình không phải quá khó khăn, bé nhà mình cũng không sinh non tháng, không thiếu cân và cũng không mắc dị tật bẩm sinh mà lại “sắp sửa bị suy dinh dưỡng” khi sống giữa thủ đô Hà Nội. Sau khi đã loại trừ những yêu tố bất lợi ấy, mình tự thấy đã mắc những sai lầm sau:


-Do bé vừa bị viêm đường hô hấp trên xong, bé chưa hồi phục sức khỏe mà thời gian đó mình lại bận việc cơ quan nên có hôm không về buổi trưa được cho bé bú. Vì vậy lượng sữa cho bé bú ít đi trong đó bé không thể ăn được nhiều hơn lên được các mẹ ạ


- Do mình nghe một số lời khuyên là, khi bé được 5 tháng tuổi, nếu chán ăn bột ngọt thì cho ăn bột mặn luôn. Sau này mình mới thấy là mình đã cho bé ăn bột mặn sớm quá so với lứa tuổi, như vậy có ảnh hưởng không tốt đến quá trình hấp thụ của bé


- Mình thường làm sẵn nước nấu bột khi đun rau và thức ăn đã chín, sau đó ở nhà bà nội lại cho bột vào quấy sẽ làm cho thức ăn trong bột chín quá khiến vitamin và chất trong thức ăn bị mất đi. Như vậy các vi chất dinh dưỡng không đủ để cho bé hấp thụ khiến bé gầy hơn


Để không mắc những sai lầm như vậy, mình đã điều chỉnh lại một số phương pháp chăm sóc bé như sau:


- Mình cố gắng tận dụng nguồn sữa mẹ, cho bé bú thường xuyên, giữ tinh thần mẹ được thoải mái để lượng sữa mẹ được dồi dào và chất lượng hơn. Mình đã kéo dài thời gian cho bé bú sữa lâu hơn dự định là 18 tháng. Thời gian đó, dù công việc của mình rất bận, nhưng mình vẫn tranh thủ thời gian về buổi trưa cho bé bú để cho bé có sức đề kháng và có được những lợi ích khác từ sữa mẹ


- Mình bổ sung cho bé uống đủ nước, uống thêm sữa công thức, nước hoa quả hay sữa chua hàng ngày để tăng sức đề kháng và giúp ích cho hệ tiêu hoá của bé


- Mình tăng lượng protein hơn nhu cầu bình thường từ các thức ăn có nguồn gốc động vật như: trứng, thịt, cá, tôm, cua… và các thức ăn có nguồn gốc thực vật như: đậu, đỗ, lạc, vừng…để bé có được nguồn dinh dưỡng tốt. Nhiều người cho rằng, bé đã lớn chỉ cần ăn 2~3 bữa như người lớn là được, nhưng thực ra dạ dày của bé vẫn còn nhỏ, sức chứa thức ăn có hạn nên ngoài ăn các bữa chính cùng gia đình, các mẹ hãy bổ sung cho bé ăn khoảng 3 bữa phụ trong ngày bởi các món như sữa, chuối, chè v.v… nhé


Bằng sự nỗ lực không ngừng trong việc thay đổi phương pháp dinh dưõng cho bé cộng nhiều yếu tố khác như cho bé vận động, tạo không khí vui tươi trong khi ăn, bé nhà mình đã vượt qua ngưỡng suy dinh dưỡng và phát triển ở kênh A bình thường.


Quá trình mang thai đã vất vả, nhưng để khi các bé chào đời được phát triển khoẻ mạnh về thể chất cũng như tinh thần đồi hỏi các mẹ chúng ta phải vất vả hơn rất nhiều lần phải không các mẹ? Nếu các mẹ có con đang và sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng có thể tham khảo kinh nghiệm mà mình đã từng trải qua để các bé được phát triển khoẻ mạnh nhé! Mình đã vượt qua thời khắc bé suýt ở ngưỡng suy dinh dưỡng ấy và phải nỗ lực hết mình để bé phát triển và duy trì ở mức kênh A bình thường như hiện nay. Vì vậy mình thấy trân trọng những nỗ lực quý báu ấy và luôn khắc ghi trong lòng là phải tự kiểm điểm mình để luôn duy trì cho bé “tránh xa suy dinh dưỡng” và phát triển thể chất một cách tốt nhất