Khi bé được 2 tuổi, bé đã qua giai đoạn ăn cháo, đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày. Vì vậy, để cho bé phát triển đầy đủ, khoẻ mạnh, các mẹ bắt buộc phải tập cho bé ăn cơm vào thời điểm bé được 2 tuổi này. Hôm nay mình xin chia sẻ bài viết về cách tập cho bé ăn cơm một cách khoa học để các mẹ cùng tham khảo!


Trước hết mình nấu cơm nát hơn người lớn một chút cho bé dễ ăn hơn. Nấu cơm nát cho bé rất đơn giản mẹ ạ, hàng ngày khi nấu cơm cho cả giai đình, khi cơm vừa cạn, mình múc một chút cơm vừa cạn vào chiếc bát nhỏ, sau đó cho thêm một chút nước nước vào bát, xới đều và đặt giữa nồi cơm đang cạn. Khi cơm của cả nhà chín là bé đã có được một bát cơm mềm, nát và ngon đó các mẹ ạ!


Đối với những thức ăn có chứa đạm của bé, mình thường là những món mềm như đậu phụ sốt cà chua (các mẹ đừng rán qua đậu rồi mới sốt như người lớn chúng mình ăn mà hãy xắt đậu hình quân cờ để xốt với thịt băm, món ăn sẽ rất mềm và bé rất thích đó các mẹ ạ), trứng chưng với dầu ô liu, thịt băm rim với mộc nhĩ, thịt gà xào nấm, cá hấp gừng v.v…Đây là những món ăn vừa bổ dưỡng. mềm mà rất thích hợp với các bé đang tập ăn cơm đó các mẹ ạ!


Chắc hẳn nhiều mẹ cho bé tập ăn cơm sẽ rất thắc mắc rằng, bé chỉ thích ăn cơm với các món ăn mặn mà không chịu ăn rau cùng với cơm. Cứ như vậy bé sẽ không chịu ăn rau sẽ làm bé thiếu chất xơ trong quá trình tập ăn cơm. Mình cũng đã từng trải qua giai đoạn đó các mẹ ạ. Nhiều người trong gia đình mình thấy các bé nhà mình trong giai đoạn ăn cơm cứ không chịu ăn rau, liền góp ý với mình rằng, cứ cho bé ăn cháo trước cho có đủ các chất (vì trong cháo mình băm lẫn cả thịt lẫn rau nên có cả chất xơ). Nhưng nếu làm như vậy, các bé ăn cháo no rồi sẽ không chịu ăn cơm, vì vậy quá trình tập ăn cơm của mình sẽ thất bại trong khi ngày chuẩn bị cho các bé đi học đã sắp gần kề. Ở trường các bé ăn đủ các món cơm, bún, mì, cháo, phở, bánh mì… đó các mẹ ạ! Mà cơm là một món không thiếu trong bữa chính đó các mẹ. Thế là bước đầu mình vẫn cho bé ăn cơm cùng với những món thịt, trứng, cá mà bé thích. Khi ăn xong, mình lấy một vài ngọn rau muống non và động viên bé: “Con thử ăn vã một miếng rau muống luộc cho mẹ xem nào” .Thấy bé nhai có vẻ hào hứng, mình liền bảo bé: “Con ăn tiếp miếng nữa nhé”.Thế là bé đã dần chịu ăn rau đó các mẹ ạ! Có hôm nhà mình nấu bí xanh với thịt lơn băm, mình liền bảo bé:”Con thử húp một thìa canh xem mẹ nấu có ngon không”. Vị ngọt của thịt băm ninh kỹ cùng với bí xanh đã khiến bé đã cuốn hút bé, sau đó mình bảo bé: “Con lại thử ăn miếng bí này xem, nhờ có bí mà canh mới ngon thế đó”. Rồi có những hôm, bé lại được thưởng thúc món canh rau mùng tơi nấu với cua đồng hoặc với tôm nõn rất ngon mà không hề từ chối đòi “mẹ bỏ rau ra cho con” như trước nữa. Cứ như thế mình đã lôi cuốn bé ăn rau bằng nhiều phương pháp. Nhưng các mẹ hãy lưu ý là các bé mới tập ăn cơm thì rất “hảo ngọt”, món canh rau cũng phải ngọt mà lời mẹ dỗ bé cũng phải “ngọt” nữa là bé chịu ăn đó các mẹ ạ.


Để những bữa cơm của bé có đầy đủ 4 nhóm chất, các mẹ hãy chú ý đến việc dùng dầu ăn cho bé nữa. Khi nấu thức ăn riêng cho bé, mình thường dùng dầu ô-liu hoặc dầu gấc dành riêng cho trẻ em. Nhưng có lúc, bé có thể ăn món cùng với cả nhà, nên nhà mình dùng dầu đậu nành để chế biến thức ăn cho cả nhà trong đó có bé. Các mẹ chú ý đừng dùng dầu cọ cho bé ăn, vì dầu cọ sẽ làm bé không hấp thụ canxi trong thức ăn đó các mẹ ạ!


Cho bé tập ăn cơm không hề khó phải không các mẹ? Để cho bé dễ dàng ăn cơm, các mẹ đừng để bỏ lỡ thời kỳ tập nhai của bé nhé!Tập nhai sẽ làm cho bé có phản xạ nhai trong miệng. Các mẹ đừng nên cho thức ăn vào trong máy xay sinh tố để xay nhuyễn mà nên băm nhỏ, sau đó băm to dần, nấu thức ăn cho bé từ chín mềm chuyển sang chín vừa để thức ăn có độ cứng. Từ đó kích thích cơ nhai, cơ tiêu hoá của bé phát triển và tạo cho bé cảm giác ngon miệng.


Nhưng các mẹ hãy chú ý, nếu cho bé ăn cơm sớm quá, bé sẽ nuốt chửng mà không chịu nhai, vì vậy lượng tinh bột từ cơm không được tiêu hoá sẽ làm ảnh hưởng đến sự hấp thu dưỡng chất khác. Nếu bé mọc đủ răng rồi mà không tập cho bé ăn cơm, sẽ khiến bé không chịu nhai , dần dần bé sẽ thấy bữa cơm không ngon miệng sẽ dẫn tới biếng ăn. Như vậy rất ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá và hấp thu của cơ thể bé đấy các mẹ ạ!


Quá trình tập cho hai bé nhà mình ăn cơm tương đối thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn bởi trong giai đoạn đầu bé nhất quyết không chịu ăn rau cùng cơm đó các mẹ ạ. Nhưng mình đã kết hợp nhiều cách để rau là món không thể thiếu được của các bé trong bữa cơm đó các mẹ ạ. Và phần thưởng dễ thương của các bé tặng cho mình là câu nói: “Con phải ăn nhiều rau, nhiều hoa quả, uống nhiều nước để không bị táo bón., mẹ ạ”. Và cô giáo của các bé cũng thường nói mỗi khi mình đưa các bé đến lớp học là, các bé nhà mình chịu khó ăn rau lắm, luôn ăn hết khẩu phần canh của mình, đôi khi còn xin thêm để ăn cùng với cơm.


Chúc các mẹ cho các bé yêu tập ăn cơm một cách dễ dàng và khoa học, để đạt điều đó, các mẹ chúng ta hãy chịu khó “đa dạng hoá”món ăn theo khẩu vị của bé nhé, để các bé yêu được lớn lên cùng thể chất khỏe mạnh!