Khi các bé yêu được 3 tuổi, bé đã nhận thức được rất nhiều điều. Đây chính là thời điểm “vàng” để các mẹ chúng ta giáo dục và rèn luyện cho các bé về nếp sống và sinh hoạt. Và thói quen tốt trong ăn uống là một trong những yếu tố hàng đầu mà cha mẹ cần rèn cho các bé.


Để các bé yêu của chúng ta có thói quen ăn uống tốt, bản thân các mẹ chúng ta hãy là một tấm gương sáng để các con noi theo. Và chúng ta cho các bé ăn cùng gia đình hàng ngày là một trong những yếu tố hình thành nên thói quen tốt của bé. Hai vợ chồng mình luôn cố gắng thu xếp công việc ở cơ quan đi làm về đúng giờ để được ăn cơm với các bé. Không khí vui vẻ trong bữa cơm gia đình đã giúp bé ăn ngon miệng hơn, đồng thời nó là sợi dây “vô hình” gắn chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Nếu hôm nào bố hoặc mẹ đi làm về muộn là Bông và Thỏ láu luôn mong ngóng bố mẹ về để được ăn cơm cùng. Và mình thấy được một điều rằng, khi mình cho các bé ăn cơm với người lớn, mình đã dạy thêm bé được cách ứng xử lịch sự trong bữa ăn như biết mời người lớn ăn cơm khi các bé bắt đầu ăn và lúc ăn cơm xong trước mọi người, biết nhai kỹ, không nhai nhồm nhoàm trong bữa ăn…Nhưng nếu các mẹ chúng ta có trục trặc trong công việc, hay các bé yêu của chúng ta không làm tốt việc gì đó, các mẹ cũng hãy gác chuyện công việc lại, cũng đừng mắng các bé hay nói về chuyện học hành để các bé của chúng ta ăn uống một cách thoải mái nhé, vì các cụ đã có câu “trời đánh tránh miếng ăn", hãy để bữa cơm ăn cùng các bé tràn ngập không khí vui tươi chan hoà của cả gia đình nhé!


Trước đây, bé Bông nhà mình thường hay lơ đễnh, không tập trung vào bữa ăn nên bé ăn ít và nhiều khi không thấy ngon miệng. Vì vậy, trong bữa ăn mình hay hỏi bé: “Con thấy hôm nay món trứng sốt cà chua mẹ làm có ngon không” hay “món gà nấu nấm này con thấy có thơm không”v.v,,,. Khi được hỏi những câu hỏi ấy, bé sẽ nói lên những cảm nhận của mình về món ăn đó. Và các mẹ hãy khuyến khích bé đưa ra ý kiến về các món ăn đó. Đồng thời, các mẹ hãy trang trí những món ăn hấp dẫn với sự phối hợp các màu sắc để món ăn thêm sinh động. Chẳng hạn, mình làm món trứng hấp vân có màu đỏ của lạp xường, màu xanh của quả đậu, màu vàng của trứng và màu đen của mộc nhĩ, món này khi hấp và thái ra, mình xếp thành hình chú công rực rỡ màu sắc khiến các bé nhà mình ăn thấy rất ngon miệng nữa đó. Và để cho các bé tập trung vào bữa ăn hơn, mẹ đừng nên cho bé vừa ăn vừa chơi hay xem ti vi nhé.


Thói quen ăn uống tốt còn được thể hiện qua việc các mẹ chúng ta hãy chọn ăn những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ và “kiên quyết nói không” với những thực phẩm có hại cho sức khoẻ. Các mẹ hãy lấy tiêu chí “mùa nào thức nấy’ để chọn cho bé những loại thực phẩm ngon nhất, chẳng hạn cho các bé ăn rau muống vào mùa hè nhiều hơn mùa đông vì rau muống mùa hè ngon hơn, còn bắp cải lại có nhiều và ngon hơn vào mùa đông thì nên ưu tiên ăn các loại rau nhiều hơn vào mùa ngon nhất. Đặc biệt với Thỏ láu nhà mình là một cô bé “hảo ngọt” nên hay đòi ăn kem, uống nước ngọt. Và mình đã hướng bé ăn những món có lợi cho sức khoẻ để thay thế những món không có lợi như mình động viên bé ăn sữa chua ăn thay món kem, mình cho bé ăn các loại hoa quả tươi mỗi khi bé đòi uống nước ngọt…, đồng thời nói cho bé tác dụng của sữa chua giúp cho bé không bị táo bón, hoa quả cho bé có nhiều vitamin…Dần dần, bé nhà mình đã biết ăn những món bổ dưỡng nhờ sự gợi ý của mẹ đó.


Và một thói quen nữa mình cũng thường xuyên nói với các bé là: “Khi các con ăn đủ no, các con hãy nói với mẹ về điều này nhé” . Mình muốn làm như vậy để các bé nhà mình luôn thấy ăn vừa đủ với lượng vừa phải nhằm tránh nguy cơ béo phì do ăn quá no mang lại đã từng xảy ra ở rất nhiều gia đình hiện nay. Nếu các bé bị béo phì sẽ dẫn đến sự giảm sút nhiều chức năng khác và ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.


Để tạo thói quen ăn uống tốt, mình luôn hướng cho bé biết phân biệt những thực phẩm tốt và không tốt, an toàn và không an toàn. Và “bài học tốt” cho việc này chính là việc mình đưa các bé đi siêu thị hay đi ra chợ để chọn thức ăn, giảng giải cho các bé về tác dụng của từng thức ăn và rau quả. Mình còn khuyến khích bé làm “phụ bếp” vào mỗi buổi nấu ăn để “đánh thức” cảm giác ngon miệng của cô bé “khảnh ăn nhất nhà mình”.


Tạo dựng thói quen ăn uống tốt cho các bé sẽ làm cho các mẹ chúng ta thấy không còn căng thẳng khi nhìn các bé ăn trong niềm thích thú, khi các bé yêu không còn thấy mỗi bữa ăn là một “cực hình” mà là một thói quen tốt giúp cơ thể khoẻ mạnh với tinh thần thoài mái. Vậy các mẹ đừng bỏ lỡ việc rèn luyện thói quen ăn uống tốt này khi con ở tuổi lên ba nhé!