Với tâm niệm “gieo duyên cho những người ăn chay”, quán cơm chay đặc biệt trong ngõ 76, phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thu hút nhiều thực khách bởi sự đặc biệt với hình thức “cơm chay tự chọn, gửi tiền tùy tâm”.
Quán cơm chay của anh Dương Khánh Đạt (sinh năm 1987, quê ở Phú Bình, Thái Nguyên) chỉ mở vào buổi trưa hàng ngày, khoảng từ 11h - 12h30 nhưng lượng khách đến với quán của anh nhiều lúc đến hàng trăm người.


Tốt nghiệp ngành Quản lý nhà hàng tại Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên, năm 2009, anh Đạt xin vào Chùa Phù Liễn (Thái Nguyên) để học hỏi cách chế biến các món chay.



Vào giờ ăn trưa, thực khách đến quán cơm chay của anh Đạt khá đông, có hôm lên đến hàng trăm người. Quán có 20 bộ bàn ghế, giờ ăn trưa hầu như hôm nào cũng kín chỗ.



Sau một khoảng thời gian học hỏi và làm việc tại các quán ăn chay, anh Đạt quyết định mở quán cơm chay của riêng mình ở Hà Nội. “Ngày 1/3/2012 (Âm lịch), quán ăn chay Phước Hậu được mở ra. Vì ít vốn nên mình tự đi chợ, nấu ăn, rửa bát… và nhờ sự giúp đỡ của người trong gia đình” - anh Đạt cho hay.



Hằng ngày, anh Đạt dậy từ 4 giờ sáng đi mua các nguyên liệu, sau đó tự tay vào bếp chế biến món ăn. Trong quá trình bán cơm chay, anh được mọi người ủng hộ bởi hình thức kinh doanh xuất phát từ tấm lòng hướng thiện.



Anh Đạt cho biết, hàng ngày trên bàn thức ăn của anh luôn có 10 món ăn chay khác nhau, do tự tay anh chế biến.



Từ ngày 15/5 Âm lịch năm 2014, anh Đạt chuyển quán sang hình thức “cơm chay tùy chọn, gửi tiền tùy tâm”. Với hình thức này, khách hàng có thể tự chọn các món ăn và thanh toán bằng cách tự trả tiền vào hòm và số tiền bao nhiêu là tùy tâm mọi người.


Với hình thức bán hàng này, anh Đạt mong muốn quán có thể giúp cho nhiều người có thu nhập thấp ăn chay và trường chay, giảm bớt nghiệp sát sinh.



Thực khách tự chọn món ăn cho mình trong bữa trưa...




... Và gửi tiền tùy tâm.




Ngoài ra ở đây còn có tủ sách Phật miễn phí. Thực khách có thể lấy, mượn về đọc theo nhu cầu.



Gặp anh Trần Duy Phương (40 tuổi, một khách quen của quán cơm chay này) trong bữa trưa, anh chia sẻ: “Tôi đã ăn ở quán cơm này được gần 1 năm nay. Tới đây ăn cơm tôi có cảm giác thoải mái và đặc biệt là những món ăn chay ngon và hợp khẩu vị của tôi.”


Cũng thích thú với món ăn chay như anh Phương, anh Hùng (34 tuổi, một nhân viên văn phòng trên phố Duy Tân) chia sẻ: “Tôi rất thích ăn cơm ở đây. Không ăn thường xuyên mỗi buổi trưa nhưng khi đến đây ăn cơm lúc nào tôi cũng thấy ngon miệng và rất đông khách”.



Nhiều người đến muộn phải kê bàn ngoài hành lang của cửa hàng để ngồi ăn cơm. Theo anh Đạt, khách đến quán ăn chay đông nhất là vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.



Với việc mở quán ăn chay hướng thiện, khách hàng được tự chọn món mình thích và gửi tiền tùy tâm, điều này khiến nhiều khách hàng thoải mái hơn. Tuy nhiên, thu nhập của anh Đạt cũng không được cao, có nhiều ngày quán anh còn bị lỗ.


“Bình quân mỗi ngày chỉ thu được khoảng 2 - 3 triệu đồng chưa tính tiền thuê người làm, mua nguyên liệu, chi phí khác. Nếu tính ra, thu nhập cũng không được nhiều, thậm chí có ngày còn lỗ nhưng ngày này bù ngày kia đủ để trang trải cuộc sống”. Nhưng, đối với chàng trai này, anh không làm giàu từ cơm chay nên anh khá hài lòng với việc đang làm.


Trong cuộc sống, không phải điều gì cũng thực dụng. Anh tâm nguyện: “Tôi chỉ mong muốn càng nhiều người ăn chay càng tốt, giảm sát sinh. Nếu có cơ hội thì sẽ mở một quán ăn chay nữa để gieo duyên cho nhiều người”.





Món nem cuốn có ruột bằng nấm và rau không có thịt.





Món nấm xào ớt





Những món ăn chay của anh Đạt có thể đánh lừa mắt của mọi người. Tuy nhiên, anh Đạt cho biết, tất cả đồ ăn trong quán của anh chỉ là đồ ăn chay. Anh muốn tạo hình thức đẹp mắt để mọi người ngon miệng hơn.