Sau khi về già bị ốm đau, bệnh tật, người cha mới bắt đầu hối hận vì đã từng khinh thường con trai út

Mong muốn con cái chăm ngoan, học giỏi, luôn đạt thành tích cao là nguyện vọng chính đáng của bất cứ người làm cha làm mẹ nào. Khi con cái có thành tích học tập tốt, đó sẽ là niềm tự hào của cả gia đình và luôn được các bậc cha mẹ đem ra khoe với mọi người. Thế nhưng điều này lại vô tình tạo ra một áp lực  nặng nề khiến các con ngộp thở.

Trên thực tế, có thể thấy không ai phủ nhận vai trò quan trọng của điểm số và việc xếp hạng thành tích học tập đối với học sinh, nhưng điều đó không có nghĩa là những học sinh có thành tích học tập kém là không cố gắng học tập. Câu chuyện ông bố ở  Malaysia hối hận vì từng không xem trọng con trai út học kém hơn hai đứa con đầu của mình chắc chắn sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh bừng tỉnh và có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này.

Theo bài viết chia sẻ của một ông bố được tờ World Of Buzz của Malaysia đăng tải, người đàn ông này có ba người con. Hai người con đầu của ông là một bác sĩ và một kỹ sư. Trong khi đó, người con út lại chỉ là một công nhân nhà máy bình thường chỉ mới tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vì sự chệnh lệch quá lớn của người con trai út khi đặt cạnh anh chị, người bố đã xem anh là một nỗi thất vọng lớn của gia đình và thường xuyên buông lời cay đắng, trách móc khi anh chỉ là một công nhân làm việc bình thường ở nhà máy.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu

Chính vì sự khinh bỉ của người bố mà tình cảm của hai cha con ngày càng xa cách. Nhiều năm sau đó, họ chẳng mấy khi gặp nhau, việc trò chuyện còn ít ỏi hơn.

Thế rồi, một biến cố lớn xảy ra khi người đàn ông không may bị đột quỵ, vợ cũng đột ngột đổ bệnh. Cặp vợ chồng già chỉ còn trông mong vào hai người con thành đạt.

Tuy nhiên, sự thật đã khiến ông vô cùng thất vọng. Hai người con lớn, một người là bác sỹ, một người là kỹ sư, dù rất giàu có nhưng lại qúa bận rộn, không thể dành thời gian chăm sóc bố mẹ. Trong khi đó, người con út thua kém anh chị lại sẵn sàng bỏ dở công việc để chạy về nhà ngay trong đêm: “Con bỏ việc để về nhà chăm sóc bố mẹ”.

Đến lúc này, người bố mới hoàn toàn sực tỉnh: "Hồi ấy thằng bé học không giỏi, nhưng nó lại là người sống rất có trách nhiệm". Ông khẳng định "Thất bại trong học tập không phải là sự chấm hết" và mong rằng các bậc phụ huynh đừng bao giờ vội vàng đánh giá hay phán xét nếu con mình không có kết quả học tập tốt.   

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu

Đọc xong bài viết này mà em thấy thấm thía quá các mẹ ạ. Bản thân em cũng đặt rất nhiều kì vọng vào con cái, không chỉ trong học tập mà còn nhiều phương diện đời sống khác, đôi khi là kì vọng hơi quá cao. Bây giờ em mới nhận ra, thành tích học tập dù quan trọng, nhưng cách dạy dỗ con cái, giúp con trở thành một người có trách nhiệm, có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai mới thật sự đáng được chú ý, ưu tiên nhiều hơn.

Trong vài tháng qua, nếu theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, các mẹ sẽ thấy rằng, rất nhiều trường hợp trẻ em lựa chọn cách tiêu cực nhất để giải quyết những áp lực từ học tập, khiến bậc phụ huynh phải giật mình. Bởi áp lực học tập từ điểm số, thành tích là nguyên nhân chính gây stress, trầm cảm và rất nhiều vấn đề tâm lý khác cho con em chúng ta hiện nay.

Nhiều mẹ thường cho rằng “có áp lực thì mới có kim cương”. Tuy nhiên, cái gì cũng nên ở mức vừa phải, mỗi đứa trẻ mỗi giới hạn, đặc biệt là với tâm hồn mong manh tuổi mới lớn của các con. Chúng cần nhiều hơn ở cha mẹ sự cảm thông, chia sẻ và đồng cảm. Vì vậy, các mẹ có thể tham khảo một số biện pháp sau để không gây ra áp lực học tập cho con nhưng con vẫn có thể duy trì được lực học tốt:

- Trò chuyện với con hằng ngày để biết con nghĩ gì, ngày hôm nay của con thế nào và có hướng giúp đỡ con;

- Giúp con phát triển các thế mạnh trong học tập của bản thân. Mỗi đứa trẻ sẽ có một thế mạnh riêng, các mẹ có thể phát huy các thế mạnh này, không nên bắt ép con phải học tập toàn diện tất cả các môn;

Trò chuyện để hiểu về ước mơ, mong muốn của con ở tương lai. Chẳng hạn như con thích làm nghề gì, thích công việc gì. Điều này sẽ giúp phụ huynh có thể định hướng cho con phát triển bản thân;

- Cân bằng thời gian học tập và nghỉ ngơi đầy đủ, không nên ép học con học quá khuya;

- Dành cho con những giây phút nghỉ ngơi và thư giãn phù hợp;

- Không nên so sánh con quá nhiều với thành tích của người khác;

- Luôn có những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực học tập của con, chẳng hạn như thưởng một chuyến đi du lịch nếu con được top 10 trong lớp.