Cả xã hội hô hào triệt tiêu căn bệnh thành tích để gỡ bỏ áp lực cho học sinh cũng như tạo điều kiện để các em phát huy những năng lực vốn có. Nhưng nếu tư duy người lớn không thay đổi thì chắc chắn con em chúng ta sẽ khó “cất cánh”.

Phụ huynh hay đổ lỗi cho giáo viên, nhà trường mắc bệnh thành tích nhưng đôi khi chính họ cũng không tránh khỏi căn bệnh này.

Con tôi học lớp 9. Đi họp phụ huynh cho con mới thấy ngày nay việc đạt học sinh giỏi sao mà dễ thế. Lớp con tôi gần 2/3 các em trong lớp là học sinh giỏi. Chỉ có vài em xếp loại trung bình, còn lại là học sinh khá. Không có học sinh yếu kém nhé. Qua hỏi thăm thì tôi dám chắc 100% các em đều đi học thêm. 

hình ảnh


Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: giaoducthoidai

Sau buổi họp tôi thấy một số phụ huynh trong lớp chụp bảng điểm của con khoe lên mạng xã hội (do chúng tôi có add friend với nhau). Status có vẻ hài hước, kiểu: “Cứ tầm này cũng được con ạ, nhưng nếu giỏi hơn thì càng tốt” (và đính kèm một cái mặt cười hết sức mãn nguyện). Hẳn nhiên, khen ngợi con là điều cần thiết. Nhưng đôi khi hành động này của phụ huynh có thể làm con ảo tưởng về năng lực thật sự của chúng.

Ngày nay, dễ dàng thấy học sinh đạt loại giỏi không hề khó, nhất là nếu các em tham gia đầy đủ các lớp học thêm của thầy cô trên lớp. Học sinh đi học thêm thường được ưu ái hơn, thậm chí làm bài kiểm tra, bài thi cũng dễ ‘trúng tủ” hơn. Vì vậy, điểm số cuối học kỳ của những em học sinh này bao giờ cũng cao ngất ngưởng. Theo đó, thành tích đạt được chưa chắc đánh giá đúng khả năng của các em.

Thành tích ở một khía cạnh nào đó không xấu, thậm chí nó còn có những mặt tích cực nhất định. Nó chính là cơ sở để tạo động lực phấn đấu cũng như giúp cá nhân tự đánh giá bản thân. Song nếu thành tích trở thành chiếc áo đẹp để khoe thân, khoe mẽ thì chắc chắn từ đó sẽ nảy sinh tiêu cực, gây áp lực cho chính người trong cuộc mà ở đây là con cái chúng ta.

Nhiều phụ huynh luôn kỳ vọng con cái phải đạt học sinh giỏi. Nhưng sự kỳ vọng cũng như lòng tham không bao giờ có đáy. Khi con đạt học sinh giỏi, nhiều cha mẹ sẽ muốn con đạt thành tích cao hơn như thi đậu vào trường chuyên, lớp chọn, đạt học sinh giỏi cấp quận… Kết quả là đứa trẻ lặn ngụp trong vũng lầy ước mơ của bố mẹ. 

hình ảnh

Mặt khác, căn bệnh thành tích làm trẻ tự “đóng khung” năng lực của chính mình. Vì điểm số trong lớp luôn cao chót vót nên dễ làm chúng chủ quan ở những cuộc thi quan trọng trong cuộc đời cũng như cho rằng mình dư khả năng để “cán đích”. Nhưng một thực tế đang diễn ra cho thấy thành tích các em đạt được trong lớp đôi khi là “ảo”. 

Năm học 2019-2020, theo thông tin từ Hội đồng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và lớp 10 chuyên của TP.Hồ Chí Minh có đến 49,63% bài thi môn Toán dưới điểm 5. Môn tiếng Anh có tổng số 79.324 bài dự thi, điểm dưới 5 có tỉ lệ 58,4% (Nguồn: laodong). Nhiều em tuy đạt học sinh giỏi trong lớp nhưng lại không đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THCS. Điều đó phản ánh phần nào thực trạng giáo dục hiện nay, tức nhà trường cũng như phụ huynh vì chạy theo thành tích mà tìm cách cho con đạt học sinh giỏi, xuất sắc theo những cách tiêu cực. Chẳng hạn phụ huynh ép con học thêm còn nhà trường nới rộng tay cho điểm.

Song khi học sinh thử thách ở những cuộc thi khác, không có bất kỳ sự “hậu thuẫn” nào thì năng lực thật sự của các em mới được phơi bày.

Vì vậy, phụ huynh nào lỡ mắc bệnh thành tích thì nên “tỉnh lại” để con cái đỡ khổ cũng như không bị lạc vào”mê hồn trận” giấc mơ của bố mẹ rồi nhỡ mất cơ hội tỏa sáng những năng lực bên trong.