Các bé yêu của chúng ta vào khoảng 7 đến 8 tháng là bé đã muốn dùng bàn tay để khám phá những đồ vật xung quanh. Trong quá trình khám phá ấy, việc đầu tiên có lẽ là bé sẽ cầm thức ăn để đưa lên miêng theo phản xạ, vì vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian này để rèn cho bé tự ăn một mình nhé!


Các bé nhà mình khoảng 8 tháng tuổi là bé đã ngồi vững, bé có thể tự cầm nắm thức ăn để đưa vào miệng. Để không bỏ lỡ cơ hội “vàng” này, mình đã tận dụng khoảng thời gian ấy để cho bé ăn uống một cách độc lập.


Trước hết, mình sắm cho bé một bộ bát thìa bằng nhựa, trong đó bát có chân đế làm bằng cao su có thể mút chặt vào mặt bàn kính nhà mình khiến bé không làm nghiêng bát khiến thức ăn đổ ra ngoài, đồng thời làm bé không cần phải cầm tay giữ bát. Từ khi các bé bắt đầu tập ngồi ăn, mình không mua bàn riêng cho bé mà cho bé ăn cùng với gia đình để tăng thêm không khí “hào hứng” ăn của bé, để cho các thành viên gia đình động viên bé tự giác ăn một mình hơn. Các mẹ có thể sắm bàn riêng cho bé nhưng các mẹ nên tránh những bàn ăn có gắn nhiều đồ chơi nhé, bởi những chiếc bàn ăn như vậy sẽ thu hút sự chú ý của bé mà làm bé quên mất “nhiệm vụ chính” là tập ăn một mình đó các mẹ ạ.


Khi bắt đầu cho bé ngồi ăn thì mình chuẩn bị cho bé các loại bánh ăn dặm xốp, giòn và dễ tan, dễ cho bé cầm tự ăn. Bên cạnh món bánh ăn dặm, mình mua các loại rau củ như su su, cà rốt, bí xanh… để luộc cho bé cầm ăn. Nếu các mẹ có thời gian, có thể dùng dao tỉa để tỉa rau củ thành những hình chim, hoa, cây thông…để thu hút và kích thích bé tự ăn nhé. Mình thường tỉa những loại rau quả thành các hình thù ngộ nghĩnh và nói với Thỏ láu: “Con thử ăn bông hoa cà rốt này xem có ngon không nhé”, hay “Con nếm cây thông su su này xem nào”….. Đó là những món bé tự cầm ăn được. Còn những món cháo, nui, mì, phở thì sao?Khi vào bữa ăn, mình chuẩn bị thêm một cái thìa cho mẹ để “đồng hành” với bộ bát thìa của Thỏ láu. Khi cho con ăn, mình xúc một thìa đưa lên miệng của mình. Các mẹ có biết không, Thỏ láu liền đưa tay giành lấy chiếc thìa bột của mẹ, và mình sẽ cho bé ăn luôn thìa đó. Và cư như vậy, nếu bé giành thìa của mình, mình lại lấy chiếc thìa còn lại để xúc cho bé ăn. Làm như vậy, bé vẫn thấy được tự do trong ăn uống, mà mẹ vẫn có thể xúc cho bé ăn. Nó tạo tiền để cho việc ăn một mình vào thời gian sau đó các mẹ ạ.


Nhưng việc rèn cho bé ăn một mình đòi hỏi có sự kiên nhẫn của các mẹ ạ. Các mẹ không chỉ kiên nhẫn trong việc khuyến khích bé tự ăn, mà mẹ còn phải kiên nhẫn trong hành trình dọn dẹp “bãi chiến trường” rơi vãi đầy thức ăn từ bàn xuống ghế và quanh chỗ bé ngồi từ suốt từ khi bé tập ăn một mình đến khi bé tự ăn được mà không bị vãi nữa. Nhưng chỉ cần các mẹ chúng ta hãy dành thời gian cho bữa ăn của các bé yêu hơn thì chúng ta sẽ vượt qua được hành trình “dọn dẹp này”. Để được nhàn hơn một chút, mình thường cho bé đeo yếm để giữ quần áo của bé sạch hơn đó các mẹ ạ.


Các mẹ hãy nhớ mua cho bé những chiếc thìa mềm mại để không làm tổn thương đến nướu của bé nhé. Và xuyên suốt quá trình cho bé tập ăn một mình, bắt đầu là những chiếc thìa nhỏ, sau đó là chiếc thìa nhỡ, rồi thìa lớn hơn. Mỗi giai đoạn là một sự tiến bộ của bé trong quá trình tự ăn một mình. Và hiện nay, mình đã sắm cho bé một đôi đữa tập ăn để bé bắt đầu biết thưởng thức những món ăn bằng đũa đó các mẹ ạ.


Ngày tháng dần trôi, hai bé nhà mình đã "dần xa bàn tay mẹ xúc cho các bé" mà thay vào đó là việc bé tập xúc ăn những món cháo, mì, phở cơm, rồi tập gắp món ăn "khoái khẩu" bằng những đôi đũa tập ăn ngộ nghĩnh.


Hành trình cho bé ăn một mình tuy vất vả nhưng "có công mài sắt, có ngày nên kim". Kết quả của hành trình ấy chính là việc bé không cần nhờ mẹ xúc cho bé, bé có thể tự giác trong ăn uống, đó chính là tiền đề cho việc hình thành tính tự lập ở mỗi bé mà bố mẹ chúng ta chính là người khởi xướng và đồng hành với tiền đề ấy!