Những câu nói bông đùa vô tư kiểu “Mẹ sắp có em bé rồi, chuẩn bị ra rìa nhé”, “Ba có vợ mới rồi, không về nữa đâu”, “Khóc nữa là ông ba bị ăn thịt đấy”, “Béo ú xấu quá”... tưởng chừng vô hại nhưng lại vô tình gây ra những hệ lụy ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con trẻ.

Chắc hẳn chúng ta đã từng chứng kiến ít nhiều những lời nói “vô tư” ấy của người lớn đối với trẻ con. Tôi cũng đã từng chứng kiến người hàng xóm trêu cô bé 3 tuổi rằng “Ba có dì hai/vợ bé rồi, không về nữa đâu”. Cô bé tỏ ra lo lắng, tức giận vì nghĩ rằng ba sẽ đi theo người ấy thật, bỏ mẹ và con, bé òa khóc nức nở, người lớn thì vui cười khoái chí.

Một hôm, cậu bé mặc chiếc quần màu hồng nhạt qua nhà hàng xóm chơi thì bị chú hàng xóm chọc mặc đồ con gái vì chỉ con gái mới mặc đồ màu hồng. Mấy bạn nhỏ nghe cũng cười phá lên rồi hùa vào chọc ghẹo bé. Bé tức tối chỉ biết khóc chạy về nhà, đòi bỏ chiếc quần đó đi.

Lại có tình huống, đứa trẻ khoảng 3 tuổi rưỡi đang khóc thì mẹ lại dọa “Nín ngay, con mà còn khóc là chú kia bắt đi bán đấy”. Hay ba mẹ vẫn thường vô tình đùa với con “Ba mẹ nhặt con ở chỗ khác về đấy, còn hư là ba mẹ đem trả lại cho ba mẹ của con”, “Ba mẹ sắp có em bé, con sắp ra rìa”...

🌈 Những lời nói đùa vô ý ấy có thể là nỗi ám ảnh của cả tuổi thơ con

Đôi khi, người lớn chúng ta nghĩ rằng trẻ con không biết gì, chọc cho vui, dọa cho con sợ mà ngoan hơn nên nói cho “sướng miệng” mặc kệ con trẻ có phản ứng ra sao, con sẽ quên nhanh thôi. Thậm chí, khi các con càng tức giận, lo sợ thì càng bị trêu dai. Sự vô ý, vô tâm cùng với những lời nói “kém duyên” ấy làm tổn thương không nhỏ đến đầu óc non nớt, ngây thơ của trẻ, khiến con bị xáo trộn tinh thần, sống trong lo sợ, bất an, mặc cảm, tệ hơn là dễ mắc chứng trầm cảm, sống thu mình lại.

Chẳng hạn, câu nói “Ba mẹ nhặt con ở chỗ khác về đấy…” tưởng chừng chỉ dừng lại ở mức vui đùa, vô hại nhưng có thể khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi và hoài nghi về thân phận của mình, khiến trẻ lo lắng nghĩ rằng không biết mình có phải con của ba mẹ thật không, khi nào thì ba mẹ đuổi mình đi,… Nỗi ám ảnh không chỉ xuất hiện ngay lúc đó mà còn có thể kéo dài tới mãi về sau, khi trẻ đã trưởng thành.

🌈 Dừng lại ngay những vô tư “độc ác” ấy với con trẻ

Con trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi lên 3 thường rất nhạy cảm với những lời giễu cợt. Bởi lẽ đây là độ tuổi trẻ ưa khẳng định bản thân mình. Khi nghe những ngôn từ tiêu cực như “xấu, dốt, béo phì, ra rìa, không ai thương…”, trẻ có thể có phản ứng cảm xúc dữ dội, tin là thật và điều này khiến con bị ám ảnh, tổn thương rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của con sau này.

Bạn thân mến, con trẻ rất non nớt, nhưng không đồng nghĩa với con không biết gì, hiểu gì, người lớn nói gì cũng được. Con rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương bởi một câu nói nào đó. Đừng vì niềm vui của bản thân trong chốc lát mà làm hại tâm hồn non nớt của các con như thế. Các con cần được đối xử nhẹ nhàng, tôn trọng, yêu thương. Người lớn ơi, hãy cẩn trọng với lời nói của mình, tương tác những điều tích cực để làm con trẻ tự tin và hạnh phúc hơn.

Để con trẻ cảm nhận được tình yêu thương, có được sự bình an từ trong tâm hồn, phát triển một cách tốt nhất, chúng ta nên làm những điều tốt đẹp cho con, sử dụng ngôn từ tích cực, yêu thương đối với các con bạn nhé!

Nguồn: Cửa sổ vàng Nguyễn Duy Cương