Lúc trước nghe bảo có bài tập đếm 1000 hạt đậu, chả nhằm nhò gì với 1000 giọt dầu, ám ảnh bài tập về nhà quá.

Kể ra các cô giáo hay ghê, toàn ra những dạng bài tập thách thức sự kiên nhẫn của phụ huynh. Hôm trước bảo đếm hạt đậu đã thấy mệt rồi, giờ lại nghe có cô giáo giao bài tập mang 1000 giọt dầu đến lớp, mẹ con ngồi đến 1 giờ sáng còn chưa xong. Hôm sau vẫn bực quá lên hỏi thì cô bảo linh hoạt cách làm là dễ ợt thôi mà.

Ấm ức đếm từng giọt dầu đến 1 giờ sáng

Riết rồi không biết các cô giao bài tập về nhà là cho con làm hay “trồng hành” phụ huynh nữa. Nhất là ở lớp nhỏ, mang tiếng con làm bài tập chứ thực ra cha mẹ phải kè kè kế bên để dạy, con học cha mẹ cũng học luôn. Đi làm cả ngày mệt mỏi, về còn cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, thêm chuyện kèm con học là muốn tẩu hỏa nhập ma luôn.

hình ảnh

Lúc trước từng có cô giáo bảo học sinh đếm ngàn hạt đậu. Ảnh: aiziw

Mà các cô lắm lúc còn ra đủ chiêu trò khiến cả con lẫn mẹ khổ lên bờ xuống ruộng. Ví dụ như câu chuyện được chia sẻ khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ về bài tập đếm 1000 giọt dầu ăn mang đến lớp, khó tin là vì người ta không hiểu nỗi cô giáo ra yêu cầu kiểu gì lạ đời dữ vậy.

Theo lời người mẹ trong cuộc kể lại thì đây là dạng bài tập rèn luyện trí não, tư duy cho trẻ nhỏ. Hôm trước con trai đi học về liền đi thẳng vào bếp, nghiêm túc ngồi nhỏ từng giọt dầu ăn vào một cái chai rỗng và đếm. Đếm đi đếm lại, tự dưng con quên mất đã đếm đến đâu nên cuối cùng lại đổ về chai cũ, ngồi đếm lại từ đầu.

hình ảnh

1000 hạt đậu nhằm nhò gì với bài tập 1000 giọt dầu. Ảnh minh họa: futureparenting - netease

Nhiều lần quên khiến thằng bé suýt khóc đến nơi. Mẹ hỏi làm gì thì con bảo cô yêu cầu học sinh ngày mai mang 1000 giọt dầu ăn đến lớp. Không thể để con trai một mình vật lộn với yêu cầu của cô, mẹ đành ngồi vào giúp con một tay. Nhưng đùa à, là đếm từng giọt dầu ăn, đếm đến 1000 giọt đó, đếm mãi đến 1 giờ sáng mà mẹ con vẫn chưa được đi ngủ vì chưa xong.

Đồng cảnh ngộ với hai mẹ con này, nhiều phụ huynh đã nhắn tin vào nhóm lớp than thở về bài tập không hiểu nổi này. Hôm sau mẹ đưa con đến lớp quyết hỏi tận mặt cho ra lẽ. Cuối cùng giáo viên giải thích: “Mọi người đã hiểu lầm rồi, cô giao cho các con bài tập mang 1000 giọt dầu đến lớp, mấu chốt là rèn cho con khả năng tư duy. Có nhiều phương pháp có thể làm ví dụ như con đếm 10 giọt, sau đó cân thử trọng lượng, từ đó nhân lên trọng lượng tổng của 1000 giọt rồi cân ra là xong, cách làm linh hoạt, không nhất định phải ngồi đếm từng giọt”.

Lời giải thích của cô giáo cũng có vẻ ổn, cứ tưởng cô giáo làm khó trẻ, không ngờ cô giáo sắp xếp bài tập có tâm như vậy để rèn luyện khả năng tư duy của trẻ. Thôi thì lần này bỏ qua cho cô vậy.

hình ảnh

Đôi khi phụ huynh mệt mỏi với những bài tập về nhà của cô giáo. Ảnh: uc

Lưu ý khi giao tiếp với giáo viên

Dù muốn dù không thì bài tập cô giáo giao về nhà mẹ vẫn phải kèm con hoàn thành. Vấn đề khác cần bàn đến đó là cách phụ huynh giao tiếp với giáo viên, không phải cứ mỗi chuyện không thấy thuận mắt là tức giận đến hỏi tội giáo viên, như vậy không tốt cho việc học của con.

Cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi nói chuyện với thầy cô của con:

- Nói chuyện hòa nhã, tôn trọng giáo viên.

- Biết kiềm chế cảm xúc, không tùy ý trút giận, bất bình trước khi chưa rõ mọi chuyện.

- Chủ động hơn trong việc trao đổi với giáo viên, thay vì bất bình, ấm ức lên mạng chửi cho đỡ tức hay đi than thở người này người nọ thì tốt nhất nên nói thẳng với giáo viên để giải quyết vấn đề.