Một câu nói tưởng chừng bình thường của bố có khi khiến con gái sinh ra ý phân biệt, buồn lòng vợ và nhà ngoại.

Con gái hỏi vì sao ngoại về mà nội vẫn ở lại nhà, bố bảo: Bà nội là chủ nhà, bà ngoại là khách khiến người mẹ cảm thấy khó chịu, cảm giác như chồng đang cố tình xem nhẹ nhà ngoại, phân biệt khách - chủ, xa - gần giữa hai bên nội ngoại.

Bà ngoại là khách, bà nội mới là chủ nhà thực sự

Trong mối quan hệ nội ngoại hai bên, chỉ cần không khéo một chút thôi là có thể gây xích mích, buồn lòng ông bà. Đặc biệt trong việc dạy con nhỏ, việc nói về nội ngoại càng cần đến sự tinh tế và cân bằng, tránh con nhỏ có sự phân biệt sai lệch giữa nội và ngoại.

hình ảnh

Ảnh: parenting

Một câu chuyện nhỏ em đọc được đã để lại nhiều suy nghĩ, lời nói có lúc vô tình, người nghe lại để bụng, con nhỏ lại dễ hiểu sai ý, cuối cùng gia đình bất hòa. Chuyện là một chị trong lúc cuối tuần tụ họp với bạn bè thì bất giác la lên “em tức quá” khiến ai nấy giật mình.

Sau đó chị kể là chị có ông chồng rất bám mẹ, cái gì cũng mẹ mẹ suốt. Hôm trước mẹ đẻ của chị có lên chơi được vài hôm rồi về. Con gái thấy thế liền hỏi sao bà ngoại đến ở rồi về còn bà nội thì vẫn ở nhà mình không về.

Trong lúc chị còn chưa kịp mở miệng trả lời thì ông chồng chen vào: “Vì đây là nhà của bà nội, bà nội là chủ nhà còn bà ngoại chỉ là khách, nên bà ngoại phải về nhà riêng của bà ngoại”.

Việc chồng nói dài dòng không chỉ khiến con gái không hiểu mà còn khiến chị vợ hoang mang. Liệu rằng có vì câu nói của chồng mà từ đây con gái chỉ xem bà ngoại nó là khách, đến chơi rồi lại đi về, chẳng khác nào những vị khách bố mẹ quen biết.

hình ảnh

Ảnh: netease

Bà nội và bà ngoại đều là người thân, vì sao lại phân biệt khách chủ trước mặt trẻ con. Đồng ý rằng bà nội là chủ hộ, nhà là của bà nhưng có thật sự cần thiết phải xác định chủ quyền nhà cửa trước mặt đứa trẻ 5 tuổi?

Câu nói của ông bố không sai, nhưng cách nói nghe có vẻ khó chịu, khiến người vợ chạnh lòng, cảm thấy mẹ đẻ mình bị xem như khách, xa lạ, lạnh nhạt. Thay vì nói “bà nội là chủ nhà” sao không nói đơn giản thôi là “bà ngoại có nhà riêng của bà, bà nhớ ông rồi, bà về với ông” chẳng phải nghe dễ chịu hơn sao.

Suy nghĩ “trọng bên nội, nhẹ bên ngoại” ngoài kia còn đầy

Nhiều người đến nay vẫn giữ suy nghĩ phụ nữ gả đi rồi sẽ tập trung lo cho nhà chồng, ba mẹ chồng làm chủ gia đình. Còn nhà ngoại, cùng lắm là ghé qua chơi với con cháu ít hôm rồi lại phải về nhà mình, đúng kiểu làm khách mà thôi. Nhưng nội hay ngoại thì đều là cha mẹ, không nên có sự phân biệt nặng nhẹ, nội là ruột rà, ngoại là họ hàng, nghe như vậy rất khó chịu.

hình ảnh

Ảnh: nanmuxuan

Nếu trong đầu vẫn còn những quan niệm sai lầm mà phân biệt nội ngoại quá rõ ràng, thậm chí cư xử khác biệt, thể hiện thái độ bên trọng bên khinh rành rành trước mắt mọi người thì không chỉ dẫn đến tình cảm vợ chồng ngày càng xấu đi mà còn ảnh hưởng đến con, không thể giáo dục đúng đắn cho trẻ, điều này vô cùng nguy hại.

Bất kể là nhà ngoại hay nhà nội, ông bà hai bên đã vất vả nuôi dạy thì cả vợ lẫn chồng phải làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, không được đối xử khác biệt, đây chính là làm gương hiếu thảo cho con trẻ sau này.

Hiện nay tuy nhiều cặp vợ chồng đã ra ở riêng, nội ngoại đến chơi rồi về như nhau nhưng tư tưởng nội gần, ngoại xa vẫn nhen nhóm. Chính bố mẹ phải là người điều chỉnh suy nghĩ của mình, ăn nói lựa lời, cư xử hợp tình hợp lý với cả hai bên mới có thể khiến con trẻ thương đều hai bên nội ngoại.