Khi các bé đang học mẫu giáo, mặc dù ở trường, bé cũng được các cô giáo hướng dẫn “thể dục” cho ngón tay bằng việc cầm kéo, chơi với đất nặn v.v…Nhưng mình nghĩ, ở lứa tuổi này, việc phát triển tư duy và ngôn ngữ cho bé là một việc rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển trí tuệ của bé, mà sự phát triển của đôi tay có liên quan mật thiết đến sự phát triển tư duy ấy. Vì vậy, mình đã cho bé thể dục ngón tay khi chơi, dạy bé học hằng ngày hay làm bất cứ việc gì liên quan đến đôi tay bé. Và mình chia sẻ một số các trò chơi mà mình hay cho bé thể dục các ngón tay để mẹ tham khảo.


Ở nhà, đôi khi ông bà nội của bé hay nhờ bé lấy hộ tờ giấy ăn, mình liền hướng dẫn bé gấp làm tư tờ giấy ăn lại (giấy ăn hình vuông), sau khi đưa cho ông bà xong, mình bảo bé gấp tờ giấy ăn ấy làm tư như mình vừa hướng dẫn, sau đó mình lại hướng dẫn bé dùng hai ngón tay để xé thành đường cong ở phần mép ngoài cuả giấy, khỉ giở cả tờ giấy ra bé Bông nhà mình thấy rất vui khi đã có được hình bông hoa rất đẹp đó các mẹ ạ. Nhờ việc làm này, các ngón tay của bé được vận động một cách khéo léo để bé có thể sáng tạo thành nhiều hình thú vị hơn.


Có khi, mình cho bé thể dục các ngón tay bằng cách treo một quả bóng lên trước mặt bé và dùng từng ngón tay kết hợp với ngón tay cái búng vào quả bóng đó. Bé nhà mình rất thích búng ngón tay kiểu như thế này..


Bởi vì bé đang học mẫu giáo lớn, nên hằng ngày cô giáo đã cho các bé tập tô chữ.Đồng thời cô giáo cũng yêu cầu phụ huynh cho bé tập tô chữ hàng ngày để bé quen với việc cầm bút. Mỗi khi học xong, mình lại cho bé “thể dục” các ngón tay bằng cách đặt bút chì (bút chì có góc cạnh) ngang vào giữa hai lòng bàn tay rồi lăn qua lăn lại vào từ đầu ra đầu các ngón tay rồi lại vào gần sát cổ tay. Trò chơi này bé rất dễ làm, lại thấy rất hay vì các ngón tay được làm uyển chuyển theo từng góc cạnh của chiếc bút chì.


Và trò chơi mà bé nhà mình cực thích là chơi cùng đất nặn. Mẹ có thể cho bé nặn quả bóng hình tròn, rồi dùng ngón tay ấn dẹt lại thành chiếc bánh ngọt. Sau đó cho bé nặn dài thành hình dây dài, và ba dây dài như vậy là mình dạy bé tết thành hình đuôi sam đó các mẹ ạ. Khi bé đã biết tết hình sam từ đất nặn, bé có thể dễ dàng “thể dục” các ngón tay trên mái tóc của mẹ thành đuôi sam rất ngộ nghĩnh. Từ đó, bé có thể tự nhận xét để điều chỉnh các ngón tay sao cho khéo. Nó sẽ kích thích mạnh đến sự phát triển tư duy và sự sáng tạo của bé.


Mỗi khi mình mỏi tay, mình cũng có thể nhờ bé nắm lấy tay mẹ, rồi bé dùng đôi bàn tay nhỏ của bé lần lượt gập từng ngón tay của mẹ cong lại rồi lại duỗi thẳng ra.Việc làm này vừa có tạo cơ hội để hai mẹ con mình cùng “thể dục” ngón tay, vừa cho bé thể hiện sức mạnh của mình trước sự tán dương của mẹ, và đặc biệt hơn là tạo cho hai mẹ con mình có những giây phút bên nhau cùng với những trò chơi bằng ngón tay mà không hề nhàm chán.


Trên đây là một số chia sẻ mà mình thường cùng bé Bông áp dụng để “thể dục” cho ngón tay của bé hằng ngày. Các mẹ hãy tham khảo để cùng bé yêu có những phút giây thư giãn, quan trọng hơn là tạo cơ hội để cho tư duy và ngôn ngữ phát triển. Bởi sự phát triển đôi tay là “sợi dây vô hình” liên quan mật thiết đến sự phát triển trí não của bé đó các mẹ ạ! Chúc các mẹ có những phút giây hạnh phúc bên các bé yêu!