Giờ đi đâu em cũng nghe một thuyết thao thao bất tuyệt kiểu như giảng đạo rằng là “Đàn bà chỉ cần có tiền có con là đủ, còn đàn ông có hay không cần thiết”. Rồi cứ thế bao nhiêu chị về nhà xem bố các con mình không ra gì, nhất là khi thời thế thay đổi, trong gia đình người phụ nữ lắm khi kiếm tiền nhiều hơn đàn ông.



webtretho


Nguồn: boredpanda, pinterest



Nhưng trước khi muốn đặt cái tôi của mình lên trên hết, có bao giờ các mẹ tự hỏi trong hành trình trưởng thành và phát triển của các con thì bố ở vị trí gì chưa? Xin thưa, bố đóng một vai trò vô giá và không ai, hay bất cứ gì có thể thay thế được. Thế nên đã làm mẹ thì chớ nên thao thao bất tuyệt mỗi câu “chỉ cần tiền và con, còn chồng muốn ra sao thì mặc”.



May mắn là nhiều bà mẹ cũng nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của bố. Tuy nhiên vẫn còn một nút thắt ấy là làm cách nào để đưa bố vào cuộc vì không phải ông bố nào cũng xem chuyện giáo dục và nuôi dưỡng con là chuyện của mình. Nhiều bà mẹ thậm chí còn dám khẳng định có đến 90% các ông bố luôn vắng mặt trong quá trình giáo dục con cái. Khi con còn nhỏ, hầu hết mọi việc chăm sóc, dạy dỗ con đều một tay mẹ và người cha không tham gia nhiều vào việc nuôi dạy con. Đợi khi đứa trẻ lớn hơn, định hình nhân cách thì cha có muốn can dự cũng đã muộn.



Vì vậy, theo nhiều chuyên gia giáo dục thì việc dẫn dụ bố cùng vào cuộc, cũng mẹ chăm con sẽ cần đến một vài phương pháp.



Phương pháp đầu tiên: Phụ nữ trong gia đình phải mạnh dạn buông tay



Phải công nhận rằng phụ nữ thời nay rất giỏi phải không các mẹ. Các mẹ nhà mình có thể vừa đảm đương việc ngoài xã hội, vừa quán xuyến rất nhiều chuyện gia đình, bao gồm: nấu nướng, giặt giũ, chăm con, dạy con học… Vậy có bao giờ mẹ tự hỏi trong gia đình mẹ ôm show hết thế rồi thì bố còn nỗ lực để làm gì. Chính vì vậy, ngay từ phương pháp đầu tiên trong chuyện lôi bố vào hành trình giáo dục con, các chuyên gia luôn khuyên các bà mẹ hãy tập buông tay.



Một khi người phụ nữ trong gia đình buông tay, các ông bố sẽ phải cố gắng đảm nhận bớt công việc và san sẻ trách nhiệm chăm sóc con. Là người khôn khéo, mẹ cũng đừng hở ra là mắng mỏ, trách móc mà phải luôn triệt để tinh thần động viên, khích lệ. Nếu bố chưa khéo làm việc vụng về, đón con trễ giờ hoặc nhầm vớ của con trai với con gái thì mẹ cũng đừng nhăn nhó, cằn nhằn. Hãy nhớ đàn ông không chi tiết giỏi như phụ nữ. Nếu không phải là việc gây hậu quả lớn thì tốt nhất mẹ hãy quên đi sai lầm của bố và chỉ tập trung làm cách nào để bố thạo việc hơn. Khi được đối xử trong ôn hòa, được người vợ của mình vui vẻ san sẻ, bố sẽ nhiệt tình để cải thiện tình hình hơn. Khi bố tận hưởng được niềm vui từ việc chăm sóc, trò chuyện với con thì sau đó mẹ sẽ không phải làm gì cả, chỉ cần nhìn bố chủ động xắn tay vào công việc chăm sóc con mà thôi. Người đàn bà khôn ngoan là người hiểu ý chồng.



Phương pháp thứ hai: Khuyến khích con hỏi và xin bố nhiều hơn mẹ



Để ý mà xem, các mẹ sẽ thấy con đi học về hoặc cần lấy món đồ nào đó hay cần làm gì đó thì câu đầu tiên và người đầu tiên bé hỏi đến luôn luôn là mẹ. Đứa trẻ có xu hướng tìm mẹ nhiều hơn bố vì đơn giản đó là thói quen của nó. Và ai là người tập thói quen này cho trẻ? Ồ, hóa ra cũng lại là mẹ. Nhiều bà mẹ cảm thấy quá tải, rơi vào tình trạng căng thẳng vì luôn luôn là họ đứng ra giải quyết tất cả mọi việc trong gia đình mà không phải là bố. Trong khi đó, mẹ cũng phải đi làm đầu tắt mặt tối như bố. Và thế là sinh ra bực tức, cáu gắt, quát mắng.



Trên thực tế, ngoài việc tập cho các ông bố chủ động tham gia vào việc nuôi dạy thì người mẹ phải chủ động khuyến khích các con mình tìm đến bố. Nghĩa là tập cho con thói quen đi tìm bố thay vì tìm mẹ. Ví dụ, khi con có bài tập Vật lý khó và nó lại vượt quá khả năng của mẹ thì hãy nói với con “Bố sẽ giúp con được đấy. Sao con không thử tìm bố nhỉ?”. Hoặc khi đang chơi một trò chơi tìm kho báu, mẹ hãy thử gợi ý cho con “Các con có biết ai là người cừ nhất trong trò chơi tìm kho báu này không. Là bố đấy. Bố luôn là người thắng cuộc trong trò này”. Sau khi gợi ý, mẹ có thể vờ lờ đi và để cho trẻ tự phán đoán. Đứa trẻ với gợi ý sáng rõ như vậy sẽ lập tức biết tìm đến ai để học vài bí quyết. Bằng cách này, mẹ cũng cho bố thấy vai trò xịn sò của mình trong mắt các con và sẽ nhiệt tình trở thành người hướng dẫn nếu các con muốn. Khi con càng có nhiều thời gian chơi với bố, con càng tăng được mức độ tương tác giữa cha và con. Cha sẽ hiểu hơn về con, thích được chăm sóc và dạy dỗ con nhiều hơn. Cũng vậy, con sẽ học hỏi được ở cha mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm và càng yêu bố nhiều hơn. Nhờ đó, vai trò tác động đến tâm tư, tình cảm của cha với các con sẽ ngày càng rõ rệt và lắm khi trong cuộc sống, trẻ sẽ tìm đến bố giải bày, tâm sự nhiều hơn là mẹ.



Phương pháp thứ ba: Hãy tôn vinh người cha trong mắt con mình



Nếu bố đã cố gắng dành thời gian chơi với con thì mẹ cũng hãy biết khôn khéo tỏ thái độ một chút nhé. Mẹ có thể khen ngợi sự nỗ lực và thậm chí là sự hy sinh thời giờ của bố. Lời khen cũng cần phải chân thành để những đứa trẻ thật sự cảm nhận được tình cảm của bố dành cho mình cũng như những tài năng mà bố thể hiện khi ở cạnh các con, chẳng hạn chơi trò chơi cừ hoặc làm gia sư mát tay. Đồng thời, mẹ cũng nên dạy con cách khen ngợi bố để bố biết rằng những nỗ lực của mình là không hoài phí. Sự khen ngợi của cả mẹ lẫn con sẽ giúp bố dễ dàng hơn trong việc cộng tác cùng mẹ nuôi dạy các con nên người. Nói cách khác, lời khen chân thành được nói ra sẽ cho bố có nhiều động lực hơn để ở cạnh các con thay vì 100% đều là mẹ.



Trên thực tế, hầu hết các bố đều không ép mẹ phải làm, mẹ phải làm tất tần tật mà chỉ là chúng ta chưa biết cách để các ông bố chủ động bước vào cuộc. Việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái không chỉ là vai trò của mẹ hoặc của mẹ mà là cả hai cùng bắt tay nhau hợp tác như cách bố mẹ bước vào cuộc hôn nhân và sinh trái ngọt cho tình yêu của mình vậy. Vì vậy đừng bao giờ đổ trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con cho một ai đó khi mình đang là cha, là mẹ của gia đình.