Mụn bọc có điều trị khỏi được không?

Có, mụn bọc điều trị khỏi được. Nhiều người bệnh cải thiện tình trạng mụn bọc sau vài tháng chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, mụn bọc là tình trạng mãn tính và có thể để lại sẹo thâm. Vì vậy, ngay cả khi làn da người bệnh được chữa khỏi thì cũng cần chăm sóc da để giảm thiểu các vết thâm mụn.

Yếu tố làm tăng khả năng nổi mụn bọc

Một số yếu tố rủi ro làm tăng khả năng nổi mụn bọc bao gồm:

  • Ăn uống nhiều thực phẩm sữa, đường và chất béo.
  • Da quá nhiều dầu hoặc dùng sai kem dưỡng ẩm.
  • Tự ý nặn hoặc cạy mụn không đúng cách.

Hướng dẫn cách trị mụn bọc hiệu quả không để lại sẹo thâm

1. Cách trị mụn bọc ở tại nhà

1.1 Làm sạch vùng da bị mụn bọc

Người bệnh cần rửa mặt ngày 2 lần bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ nhằm loại bỏ chất nhờn trên mặt và bụi bẩn gây mụn bọc. Lưu ý, khi rửa mặt không rửa quá nhiều lần trong ngày hoặc dùng nước quá nóng dễ gây kích ứng cho da.

1.2 Chườm đá lạnh lên khu vực mụn bọc

Chườm đá lạnh lên chỗ có mụn bọc giúp giảm sưng. Người bệnh cần dùng khăn mỏng quấn quanh viên đá lạnh, đặt lên mụn bọc khoảng 10 phút và lặp lại nhiều lần.

2. Điều trị mụn bọc với thuốc bôi

Cách trị mụn bọc với thuốc bôi gồm:

  • Axit azelaic là axit tự nhiên được sản xuất bởi một loại men. Thuốc có đặc tính kháng khuẩn. Kem đặc trị này điều trị mụn bọc từ nhẹ đến trung bình. Kem hoặc gel axit azelaic 20% thường được sử dụng 2 lần/ngày. Với phụ nữ mang thai và cho con bú, dùng axit azelaic theo toa (Azelex, Finacea). Các tác dụng phụ bao gồm đỏ hoặc kích ứng da nhẹ. (2)
  • Benzoyl peroxide (BPO) có tác dụng diệt khuẩn với hoạt tính chống lại C. acnes trên da và trong nang lông. BPO có tính oxi hóa mạnh giúp giảm 90% C. acnes trong 7 ngày. Đến nay, không có vi khuẩn nào kháng lại BPO. Việc bổ sung BPO vào chế độ điều trị giúp tăng hiệu quả và làm giảm sự kháng thuốc của vi khuẩn.
  • Niacinamide (một dạng vitamin B3) có tác dụng kháng viêm, dưỡng ẩm và làm dịu da.

Bã nhờn khiến lỗ chân lông bít tắc, gây nổi mụn bọc.

  • Retinoid là dạng hóa học của vitamin A như tretinoin và adapalene. Chất này giúp tăng sản xuất collagen, giảm nếp nhăn, kích thích sản xuất các mạch máu mới trong da, làm mờ đồi mồi và mang lại một làn da mịn màng. Người bệnh bôi thuốc vào buổi tối. Với trường hợp lần đầu dùng, người bệnh nên thoa 3 lần/tuần. Lưu ý, khi bôi retinoids thì da của bạn sẽ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, do đó cần chống nắng kỹ. Hơn nữa, thuốc còn có tác dụng phụ có thể gây khô da và mẩn đỏ.
  • Axit salicylic giúp ngăn nang lông bít tắc bằng cách làm tăng quá trình biệt hóa của lớp sừng. Thuốc có các dạng gel, kem, lotion hoặc dung dịch bôi ngoài da. Người bệnh cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc như gây kích ứng da.
  • Kem kháng sinh như clindamycin, erythromycin và dapsone là loại thuốc giúp tiêu diệt và ngăn vi khuẩn phát triển trên da. Người bệnh có thể dùng kết hợp retinol thoa vào buổi tối và thuốc bôi vào buổi sáng.

3. Bằng kháng sinh đường uống

Với mụn bọc ở mức trung bình đến nặng, người bệnh cần đến khám và điều trị sớm để được bác sĩ chỉ định kháng sinh đường uống nhằm ức chế và ngăn vi khuẩn phát triển trên da. Thuốc kháng sinh minocycline, doxycycline hoặc macrolid (erythromycin, azithromycin) dạng uống dùng điều trị mụn bọc. Kháng sinh đường uống chỉ nên được sử dụng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

4. Isotretinoin dạng uống

Isotretinoin dạng uống là một dẫn xuất của vitamin A giúp điều trị mụn bọc ở mức độ vừa và nặng. Ngoài ra, thuốc còn dùng cho trường hợp điều trị bằng các phương pháp khác không hiệu quả. Isotretinoin dạng uống cũng có tác dụng phụ tiềm ẩn khác như: khô mắt, khô môi, rối loạn lipid máu, tăng men gan, trầm cảm…. Người bệnh dùng thuốc isotretinoin dạng uống cần gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi các tác dụng phụ.

5. Liệu pháp laser

Một số cách điều trị mụn bọc hiệu quả bằng liệu pháp laser bao gồm:

  • Laser hồng ngoại: ánh sáng với bước sóng 700nm – 1000nm thâm nhập sâu vào lớp hạ bì, nhắm vào tuyến bã nhờn để làm giảm sự tiết bã nhờn. Ngoài ra, phương pháp laser này còn được dùng để trẻ hóa da mặt và giảm các tổn thương do mụn bọc gây ra.
  • Laser KTP: tia laser với bước sóng 535nm được sử dụng trong điều trị mụn bọc sưng đỏ và giãn mao mạch.
  • IPL: hệ thống ánh sáng xung cường độ cao được sử dụng trong một số trường hợp bệnh về da liễu như tổn thương mạch máu, mụn trứng cá, bệnh sắc tố. IPL tác động bằng cách quang hoạt porphyrin được tiết ra bởi vi khuẩn C. acnes gây mụn trứng cá. Các gốc oxy tự do do quá trình quang hóa này làm giảm sản xuất bã nhờn từ tuyến bã.

6. Peel da (Tái tạo da bằng hóa chất)

Peel da là phương pháp tẩy tế bào chết trên da thông qua thông qua việc sử dụng các chất hóa học để hỗ trợ điều trị mụn bọc bằng cách làm khô cồi mụn, đẩy mụn lên bề mặt và giúp loại bỏ mụn dễ dàng hơn, giúp làn da giảm nhờn và hạn chế được sẹo và thâm sau mụn.

Peel da là dùng chất hóa học để tẩy tế bào chết trên da, điều trị mụn bọc, hạn chế được sẹo và thâm sau mụn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần gặp bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu sau:

  • Mụn bọc xuất hiện liên tục, không cải thiện.
  • Phụ nữ bị mụn bọc hoặc có kinh nguyệt không đều.
  • Đột ngột nổi mụn bọc và tình trạng mụn nghiêm trọng, thậm chí sốt, sưng tấy,…

Đây là những dấu hiệu mụn bọc trở nên nghiêm trọng cần đi gặp bác sĩ da liễu để được khám và điều trị kịp thời. Tại chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ sẽ khám, soi da,… và điều trị chuyên sâu bằng việc kê thuốc uống kết hợp thuốc bôi. Ngoài ra, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc da phù hợp. Ở người trưởng thành, nổi mụn bọc nhiều đột ngột có thể báo hiệu bệnh tiềm ẩn. Vì vậy, người bệnh cần đi khám sớm để điều trị mụn.

Chẩn đoán tình trạng mụn bọc như thế nào?

Bác sĩ chẩn đoán tình trạng mụn bọc chỉ bằng cách khám trực tiếp, quan sát và kiểm tra tình trạng kích ứng trên da. Ngoài ra, bác sĩ còn xem xét thêm tuổi tác, thói quen sinh hoạt và hoàn cảnh sống của người bệnh để chẩn đoán tình trạng mụn. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định soi da và kiểm tra các xét nghiệm máu trước khi cho người bệnh dùng một số loại thuốc.

Cần lưu ý điều gì khi điều trị mụn bọc?

Sau khi điều trị mụn bọc, người bệnh cần thực hiện một số phương pháp ngăn mụn bọc bao gồm:

  • Hạn chế chạm tay lên mặt.
  • Không tự ý cạy, nặn mụn.
  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, mỹ phẩm không chứa gốc dầu, gốc nước và gây nổi mụn.
  • Dùng sữa rửa mặt và dưỡng ẩm đều đặn 2 buổi/ngày, cụ thể vào mỗi sáng và tối.
  • Khi rửa mặt hãy rửa nhẹ nhàng, tránh chà mạnh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm có đường và sữa.
  • Thường xuyên tập thể dục,ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Không hút thuốc lá, không uống bia rượu.

Bác sĩ chẩn đoán tình trạng mụn bọc chỉ bằng cách khám trực tiếp, quan sát và kiểm tra tình trạng kích ứng trên da.

Hướng dẫn chăm sóc da sau khi điều trị mụn bọc

Sau khi chữa mụn bọc, người bệnh cần chăm sóc da để mụn không tái phát trở lại, bao gồm:

  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ dạng gel vào buổi sáng và tối.
  • Tắm sau khi tập thể dục.
  • Thoa kem chống nắng, kem dưỡng ẩm mỗi ngày.
  • Nếu trang điểm, hãy dùng những sản phẩm không chứa dầu và gây mụn.
  • Sau khi trang điểm cần nhớ tẩy trang và rửa sạch mặt.

Các câu hỏi liên quan

1. Mụn bọc có lây lan không?

Không, mụn bọc không lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác và từ người này sang người khác. Nhưng tại vị trí mụn bọc bùng phát viêm có thể gây mụn ở khu vực xung quanh.

2. Có nên tự điều trị mụn bọc tại nhà?

Có thể điều trị mụn bọc tại nhà nếu tình trạng mụn ít, nhẹ. Các phương pháp điều trị mụn cần ít nhất 4 tuần mới phát huy tác dụng. Tuy nhiên, điều trị mụn bọc tại nhà về mặt lâm sàng không được chứng minh hiệu quả.

Theo bác sĩ da liễu nếu các sản phẩm người bệnh đã thử nhưng không mang lại hiệu quả, mụn bọc có thể để lại sẹo hoặc gây sạm da. Vì vậy, người bệnh tốt nhất nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và điều trị mụn bọc kịp thời, hạn chế để lại sẹo thâm.

3. Trị mụn bọc chi phí bao nhiêu?

Điều trị mụn bọc là quá trình lâu dài và được kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Hơn nữa, phác đồ điều trị mụn bọc tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của mụn bọc. Vì vậy, chi phí trị mụn bọc sẽ tùy thuộc vào tình trạng da mụn của từng người bệnh.