Một khuôn mặt căng sáng, bóng mịn và trắng hồng là điều mà bất kỳ phụ nữ nào cũng mong muốn. Thực tế, không nhiều người may mắn đến vậy, sinh ra đã đẹp mà không cần nhọc công chăm sóc.

Mụn là nỗi kinh hoàng của người gặp phải. Cho dù mụn đã được chữa khỏi, vết thâm vẫn ở lại, dù ít hay nhiều. Và điều này khiến bạn càng thêm rầu rĩ.

Bài viết này giúp bạn nhận biết rõ bản chất và cơ chế hình thành của vết thâm, để từ đó có phương thức xử lý phù hợp. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

Vết thâm là gì?

Vết thâm là sự xuất hiện sắc tố đen (melanin) tại một vùng đã bị tổn thương hoặc vùng viêm trước đó.

Thông thường, sau một tổn thương quá mức sẽ hình thành vết thâm màu đỏ trước, sau đó nó phai dần và chuyển hẳn thành một vết màu nâu/đen.

Xử lý vết thâm màu đỏ

Các vết thâm màu đỏ thường là giai đoạn sớm của quá trình hình thành vết thâm, khi phản ứng viêm chưa kết thúc hoàn toàn hoặc vừa mới kết thúc, huyết sắc tố (có màu đỏ) chưa được đào thải và tổ chức da ở vùng tổn thương chưa được khôi phục đầy đủ.

hình ảnh

Vì vậy, cần tác động nhẹ nhàng theo hướng kích thích quá trình hồi phục của tổn thương và kết thúc hoàn toàn phản ứng viêm trước đó, đồng thời kìm hãm quá trình sản sinh sắc tố quá mức sau viêm, bằng các liệu pháp chăm sóc da tại nhà như sau:

– Bôi dịch chiết tế bào gốc hoặc PRP (Platelet Rich Plasma – Huyết tương giàu tiểu cầu) sẽ giúp tổn thương mau lành, ngăn ngừa sẹo, kích thích tăng sinh collagen, elastin và tăng trưởng biểu bì để tái cấu trúc da vùng tổn thương, kích thích tăng sinh hệ mạch.

Tuy nhiên cần lưu ý đối với da dầu hay da đang bị mụn, việc gia tăng càng nhiều tế bào biểu bì mới, đẩy nhanh sự đào thải các tế bào cũ, dễ gây tắc nghẽn và có nguy cơ nổi mụn nhiều hơn.

Để hạn chế gây tắc nghẽn, bạn chỉ bôi trên vùng da bị tổn thương và bỏ qua vùng da lành.

– Sử dụng kem bôi có chứa vitamin K và/hoặc chiết xuất Arnica giúp thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương hệ mạch và đào thải huyết sắc tố để loại trừ các vết thâm đỏ nhanh chóng hơn.

– Sử dụng các sản phẩm làm trắng không chứa các loại acid hữu cơ (vốn gây bong da) để ức chế quá trình sản sinh sắc tố sau viêm.

– Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và bôi kem chống nắng thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tăng sắc tố sau viêm.

– Tẩy da chết nhẹ nhàng 2 lần / tuần vào buổi tối hoặc đắp sữa chua không đường khoảng 1-2 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 10 – 15 phút sau đó rửa sạch. Việc tẩy da chết nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn và tái tạo da nhanh chóng hơn, đồng thời ngăn ngừa việc tích lũy sắc tố melanin sau viêm.

Xử lý vết thâm màu đen

Các vết thâm đen thường xuất hiện khi phản ứng viêm đã kết thúc hoàn toàn, vùng da tổn thương đã tương đối lành lặn. Phản ứng sản sinh sắc tố thông thường sẽ dừng lại nếu như chúng ta không kích hoạt phản ứng viêm mới.

hình ảnh

Vì vậy, định hướng điều trị đối với các vết thâm màu đen là bóc tách nhẹ nhàng để lấy đi các sắc tố melanin đang có sẵn trên da.

Bóc tách cần đủ mạnh để lấy được càng nhiều sắc tố melanin hiện có càng tốt, nhưng đồng thời cũng phải đủ nhẹ nhàng để không vô tình làm kích hoạt một phản ứng viêm mới và lại hình thành một quá trình tăng sắc tố mới.

Xử lý tại nhà có thể kể đến như: tẩy da chết thường xuyên (2-3 lần/ tuần), sử dụng các loại sản phẩm làm trắng có chứa acid bong da hoặc không (có chứa acid đối với da dày khỏe, ít tiếp xúc ánh nắng; sử dụng loại không chứa acid đối với da mỏng, yếu hoặc tiếp xúc nhiều với nắng), chống nắng kỹ và thường xuyên, ngay cả khi trong nhà.

Tóm lại, các vết thâm nếu được xác định và điều trị đúng thì có thể dễ dàng cải thiện.

Theo duocsitien.vn