Táo bón là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị táo bón lâu ngày, có thể dẫn đến nhiều hậu quả như: biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chướng bụng, khó tiêu... Chính vì thế, bố mẹ hãy trang bị thật nhiều kiến thức để chăm sóc hệ tiêu hóa non yếu của con một cách tốt nhất nhé!

1. Biểu hiện khi trẻ bị táo bón.

hình ảnh

Cách tốt nhất để biết bé có bị táo bón hay không chính là quan sát tình trạng phân của bé. Nếu bé đi đại tiện ra phân rắn, lổn nhổn như phân dê, phải rặn rất khó khăn có nghĩa là bé đã bị táo bón. Nếu bé không đi đại tiện 1-2 ngày, nhưng phân mềm, không phải rặn nhiều thì mẹ chưa cần lo lắng nhé!

Ngoài ra, tùy vào từng độ tuổi và chế độ dinh dưỡng mà mỗi bé sẽ có số lần đại tiện khác nhau. Vì thế, mẹ không nên đánh giá tình trạng táo bón của trẻ bằng cách dựa trên số lần đại tiện.

2. Nguyên nhân gây táo bón

  • Tổn thương thực thể ở đường tiêu hoá: Đó là các dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng… Khi mắc các bệnh này trẻ thường bị táo bón rất sớm từ khi mới sinh ra.
  • Sai lầm trong chế độ ăn uống: Do ít uống nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít bổ sung chất xơ… Vì thế, bố mẹ cần tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ, nếu bé quá kén rau xanh thì có thể bổ sung cho bé trái cây và nước trái cây.
  • Lý do tâm lý: Đây là lý do thường gặp ở những bé trong độ tuổi đến trường. Trẻ thường có xu hướng nhịn và ngại đi đại tiện do sợ bẩn, ham chơi, không luyện tập thói quen đi ngoài đúng giờ.

  3. Làm gì khi bé bị táo bón?

Với trẻ sơ sinh:

hình ảnh

Vì giai đoạn này, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Các mẹ biết không, sữa mẹ không những giàu kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, mà còn chứa nhiều thành phần tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bé bú sữa mẹ rất ít bị táo bón. Chính vì thế, các chuyên gia luôn khuyến cáo mẹ bầu nên cho con bú liên tục và hoàn toàn trong 2 năm đầu đời.

Riêng đối với những bé không có cơ hội được bú mẹ, mẹ có thể bổ sung cho con các loại sữa mát, có dưỡng chất bảo toàn tự nhiên, giúp bé hấp thu tốt, tránh táo bón. Ngoài ra, khi pha sữa mẹ cũng cần tránh pha sữa quá đặc và phải theo đúng tỷ lệ khuyến nghị được in trên sản phẩm.

Với trẻ đã ăn dặm

hình ảnh

Từ sáu tháng, trẻ đã bắt đầu ăn dặm từ 1-2 bữa/ngày. Để bé có hệ tiêu hóa khỏe, mẹ cần chú ý:

  • Đảm bảo bữa ăn cân đối giữa các nhóm thực phẩm: chất đạm, béo, tinh bột, xơ… Tích cực cho bé ăn thêm khoai lang, rau dền, mồng tơi và hoa quả như chuối chín, bưởi, cam, đu đủ… Ngoài ra, chọn bột ăn dặm dễ tiêu hóa cũng là cách giúp bé hấp thu dưỡng chất dễ dàng, hạn chế táo bón.
  • Cho bé uống nhiều nước: Mẹ lưu ý, bé dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước. Bé bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng cần uống 200 – 300 ml nước/ngày. Bé 1 – 3 tuổi cần uống 500 – 600 ml nước/ngày. Bé 3 – 5 tuổi cần uống 1000 ml nước/ngày.
  • Khuyến khích bé tham gia các hoạt động vận động tay chân, xoa bụng cho bé mỗi ngày để kích thích tăng nhu động ruột

Nếu mẹ đã thử mọi cách mà tình trạng táo bón của bé không cải thiện thì mẹ nên cho bé thăm khám bác sĩ và tìm hướng điều trị nhé. Chúc bé yêu của mẹ luôn khỏe mạnh!

Chia sẻ kinh nghiệm cho bé ăn dặm