Trẻ hay khóc quấy, “ngủ ngày cày đêm” là tình trạng quen thuộc khiến nhiều chị em lo lắng, cuộc sống của mẹ dễ bị xáo trộn và thêm căng thẳng. Để khắc phục tối đa vấn đề này, mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và những biện pháp đúng đắn giúp trẻ hạn chế khóc đêm ngay dưới đây.

1. Nguyên nhân khiến trẻ hay khóc đêm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hay khóc đêm ở trẻ, tuy nhiên, 2 nguyên nhân lớn thường gặp nhất đó chính là bé bị khó chịu hoặc khóc đêm vì bị bệnh. Với một số trẻ, việc khóc đêm có thể phát xuất từ những lý do như:

  • Tã bẩn quá lâu không được thay
  • Nhiệt độ trong phòng quá nóng hoặc quá lạnh
  • Trẻ bị giật mình do tiếng ồn hoặc ánh sáng mạnh
  • Bé cảm thấy khát hoặc đói bụng, hệ tiêu hóa chưa thực sự khỏe mạnh
  • Ban ngày bé ngủ quá nhiều
hình ảnh

Vì thế, việc đầu tiên mẹ nên làm khi thấy bé khóc đêm là kiểm tra ngay những vấn đề này, nếu mọi thứ đều bình thường mà bé vẫn khóc đêm không dứt, mẹ nên cân nhắc ngay đến việc trẻ có thể mắc các bệnh như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa không khỏe mạnh dễ khiến bé bị đầy bụng, nôn trớ, khó chịu,… vào ban đêm. Nếu bé khóc dữ dội đi kèm những dấu hiệu như hai chân xoắn lại với nhau, khóc lớn không dứt thì rất có thể con đang “khó ngủ” vì rối loạn tiêu hóa.
  • Bé bị lồng ruột: Khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột kế cận, đó gọi là tình trạng lồng ruột. Những dấu hiệu trẻ có thể bị lồng ruột là bé khóc thét đi kèm triệu chứng nôn mửa, bỏ bú, đại tiện ra phân máu lẫn nhầy hoặc toàn máu tươi, bụng căng cứng.
  • Bé bị nghẹt mũi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là khi bị cảm thường xuất hiện nhiều vảy trong mũi. Chúng gây ra sự cản trở khiến trẻ luôn thấy khó thở, nghẹt mũi khiến trẻ phải thở bằng miệng và cảm thấy khó chịu dẫn đến tình trạng khóc đêm.
  • Sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh về hô hấp khiến trẻ thường bị khó chịu, buồn bực hay khóc quấy.
  1. Những biện pháp giúp trẻ ngủ ngon, hạn chế khóc đêm

Để trẻ hết khóc đêm và ngủ ngon, sâu giấc hơn, việc đầu tiên mẹ cần làm là xác định chính xác nguyên nhân khiến con mất ngủ và tìm cách khắc phục. Nếu mẹ nghi ngờ trẻ khóc đêm do bệnh, hãy lập tức đưa con đến bệnh viện để có hướng điều trị và xử lý kịp thời. Ngoài ra, mẹ cũng có thể áp dụng những biện pháp sau để hạn chế tình trạng khóc đêm ở trẻ nhỏ:

  • Đảm bảo con đã no bụng trước khi đi ngủ: Đói hay khát rất dễ khiến trẻ khóc quấy vào ban đêm, vì thế, trước khi đi ngủ khoảng nửa tiếng, mẹ có thể cho bé bú một chút sữa để đảm bảo bụng con không bị “rỗng”.
  • Tạo cho con một không gian ngủ hoàn hảo: Các tác nhân từ môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của bé. Mẹ nên tạo cho con một không gian ngủ hoàn hảo với nhiệt độ thích hợp, không cho bé mặc quá nhiều lớp áo, giữ phòng yên ắng, khô thoáng sạch sẽ và không để ánh sáng mạnh.
hình ảnh
  • Hạn chế thời gian ngủ ngày của con: Rất nhiều bé “ngủ ngày cày đêm”, khóc quấy khi đi ngủ vì nguyên nhân ban ngày đã ngủ quá thời gian cần thiết. Ban ngày mẹ không nên cho con ngủ quá lâu, khoảng 1 – 2 tiếng đã có thể gọi bé dậy để bú hoặc chơi và không để con ngủ một giấc quá 2 tiếng.
  • Rèn cho bé thói quen ngủ: Mẹ nên tập cho con nhận biết sáng – tối bằng cách rèn cho con thói quen đi ngủ và dậy đúng giờ, buổi sáng mẹ sẽ chơi đùa, trò chuyện với con nhiều hơn, buổi tối hạn chế cho bé vận động quá nhiều.
  • Áp dụng các động tác massage trước khi ngủ, vỗ về, ôm ấp khi trẻ khóc để con cảm thấy dễ chịu hơn

Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con trẻ, để bé khỏe mạnh lớn nhanh, mẹ hãy lưu ý nhiều hơn đến vấn đề chăm chút giấc ngủ cho con mẹ nhé!