Trẻ bị táo bón thường hay khóc quấy khó chịu, tiêu hóa kém, kém hấp thu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng. Chính vì những lý do này nên chỉ cần thấy con 5-7 ngày mới đi tiêu, nhiều bà mẹ đã cuống cuồng lo lắng và tự ý dùng nhiều biện pháp kích thích không đúng cách khiến tình trạng của bé ngày càng nặng hơn.

Sai lầm của mẹ khiến trẻ bị táo bón nặng hơn

Táo bón là tình trạng có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và trẻ nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu không có cách xử lý và điều trị đúng đắn, tình trạng khó đi tiêu của trẻ sẽ ngày càng nặng thêm. Dưới đây là một số nhầm lẫn tai hại về táo bón có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé mẹ nên nhớ kỹ:

  • Nhầm lẫn đi tiêu sinh lý và táo bón: Trẻ ở độ tuổi 2-6 tháng nhiều ngày mới đi tiêu một lần, nhưng phân thành khuôn mềm, không cứng như phân dê thì không phải là táo bón, đây là tình trạng vô cùng bình thường. Lý do là vì trẻ trong giai đoạn này chỉ ăn sữa, uống vào bao nhiêu sẽ đi tiểu hết bấy nhiêu. Các chất dinh dưỡng còn lại được hấp thu hết vào cơ thể nên lượng phân còn trong ruột rất ít để đi tiêu thường xuyên. Một số mẹ thấy con sơ sinh 5-7 ngày mới đi tiêu một lần đã ngay lập tức cho rằng con đang bị táo bón và liên tục dùng các biện pháp kích thích như bơm hậu môn, điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của bé.
hình ảnh
  • Cho trẻ uống quá nhiều nước: Có rất nhiều bà mẹ quan niệm rằng, trẻ táo bón phải uống nước nhiều nên cứ cho con uống vô tội vạ. Trong khi theo Ths-BS Đào Thị Yến Phi - Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu uống nhiều nước khả năng táo bón ở trẻ em sẽ cao hơn do giảm lượng chất xơ hòa tan trong lòng ruột, giảm khối lượng phân làm xẹp lòng ruột qua đó sẽ làm giảm luôn nhu động ruột, kết quả là trẻ uống nhiều nước thường đi tiểu nhiều hơn là đi tiêu. Thay vì cho con uống nước, cha mẹ nên cho bé ăn nhiều các món ăn giàu chất xơ như khoai củ thô, trái cây nhiều xơ hay rau có độ nhớt, sử dụng sữa có thêm chất xơ hòa tan…để cải thiện tình hình.
  • Tự ý dùng các biện pháp kích thích: Việc tự ý sử dụng các biện pháp kích thích như bơm hậu môn, “thọt” hậu môn cho bé theo các phương pháp dân gian (dùng mật ong, đọt mồng tơi,…) có thể làm ảnh hưởng đến phản xạ đi tiêu tự nhiên của cơ thể bé. Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng tự đi tiêu của con sẽ giảm đáng kể và đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
  • Trẻ 2 tuổi trở lên là đối tượng dễ bị táo bón vì thói quen không ăn nhiều rau, ít vận động và bắt đầu xuất hiện những biểu hiện căng thẳng, nhịn đi vệ sinh nếu con mải chơi hoặc không cảm thấy thoải mái. Nhiều mẹ không chú ý đến biểu hiện của con khi đi vệ sinh, không phát hiện con đang cố ý nín nhịn khiến tình trạng táo bón của bé càng thêm nặng.

Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện?

Khi trẻ có dấu hiệu bị táo bón hoặc lâu ngày không đi tiêu, tốt nhất các mẹ nên:

  •  Xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ
  •  Cho bé ăn trái cây, rau quả cả bã (nếu bé đã đủ tuổi có thể ăn được)
  •  Với thực phẩm bổ sung như sữa, nên cọn sữa giàu sắt, chất xơ, tập thói quen đi tiêu đúng giờ mỗi ngày để con có được các phản xạ tự nhiên.
hình ảnh

Trong trường hợp đã áp dụng những cách này mà tình trạng của trẻ vẫn không cải thiện, mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện hoặc những trung tâm Y tế nếu phát hiện con có những dấu hiệu sau:

  • Bé bị đau bụng dữ dội
  • Bé đi tiêu phân có lẫn máu
  • Bé cảm thấy bị đau khi đi tiêu
  • Bé đã từng nhiều lần bị táo bón
  • Bé nhỏ hơn 6 tháng đi tiêu ra phân cứng thay vì mềm hoặc sệt, không đi tiêu sau hơn 24 giờ so với bình thường (ví dụ bình thường bé đi tiêu 2 ngày/lần, nhưng đã 3 ngày vẫn chưa đi tiêu)

Hãy lắng nghe và chú ý đến từng biểu hiện của con để cải thiện sức khỏe trẻ một cách tốt nhất mẹ nhé!