Lừa ai không đi lừa, lại ngay trúng người nghèo khó đang cần sự giúp đỡ thì quả là bất nhân.

>>> Thủy Tiên từ thiện xuất phát từ cái tâm là hoàn toàn đúng đắn, không có quy định nào cấm

Thiên tai chưa đi qua, người dân cả nước một lòng hướng về miền Trung, tự sâu trong lòng mỗi người luôn cảm thấy thương cho bà con đồng bào nơi đây, muốn giúp đỡ họ bằng chính số tiền ít ỏi của mình.

Ấy vậy mà đâu đó vẫn xuất hiện những con người xấu xí, nào là lợi dụng những thứ bà con đang cần để đẩy giá bán lên cao, chưa hết, còn giả mạo tài khoản quyên góp từ thiện hay cả như hành vi ăn chặn đồng tiền từ thiện… Tất thảy những hành vi đó đều bị dân tình gọi là vô lương tâm, mất tình người, thêm nữa đó là hành vi vi phạm pháp luật, đáng phải trừng trị.

Mới hôm qua, báo chí đưa tin một góa phụ của nạn nhân Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng, tưởng đâu số tiền từ thiện đấy sẽ giúp đỡ gia đình họ trong những lúc khốn khó, nào ngờ chỉ sau 1 cú điện thoại thôi, bay sạch hết tiền trong tài khoản.

Nguồn tin từ trang Zing News cho biết, chiều hôm ngày 20/10/2020, một người lạ gọi điện nói muốn chuyển 6 triệu để động viên gia đình của nạn nhân Rào Trăng 3 sau biến cố. Người này viện lý do tiền chuyển từ tài khoản quốc tế nên gửi tin nhắn chứa liên kết đến điện thoại đến góa phụ, vợ của nạn nhân Rào Trăng 3, bảo nhập thông tin chỉ dẫn sẽ nhận được tiền.

hình ảnhẢnh chụp trang Zing News. 

Vừa nhập xong số tài khoản lẫn mật khẩu dịch vụ ngân hàng, góa phụ này phát hiện mình bay mất 100 triệu đồng. Một điều tra viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng thuộc Công an thành phố Hà Nội nhận định đây là hình thức lừa đảo phổ biến, thường xuất hiện trên không gian mạng.

Thủ đoạn của bọn này đơn giản lắm, để kể các mẹ nghe rút kinh nghiệm, chúng sẽ gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc thư điện tử của nạn nhân.

Nội dung chứa liên kết giả mạo trang web hay giao diện ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Rồi chúng dụ nạn nhân truy cập đường link, điền thông tin để đăng nhập, sau khi có được thông tin này, kẻ gian kiểm soát được tài khoản và thực hiện chuyển tiền, rút tiền về tài khoản của chúng. Đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đứng trước nguy cơ nhiều bà con, đồng bào miền Trung gặp phải những kẻ lừa đảo này, Chuyên gia tội phạm học thuộc Bộ Công an nhấn mạnh, người dùng Internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về thủ đoạn lừa đảo đang diễn tra.

Chuyên gia này khuyến cáo, tuyệt đối người dân không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử gồm tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP, hoặc truy cập vào đường link lạ được gửi trong tin nhắn điện thoại, email.

Khi đọc tin nhắn, người dân cần đọc kỹ để xác định đó có phải là tin nhắn từ ngân hàng, tổ chức tài chính, đặc biệt tin nhắn có chứa link, nhớ rằng, không vội vã trả lời hay truy cập đường dẫn trong tin nhắn được gửi đến.

hình ảnh


Ảnh trái: Góa phụ và đứa con nhỏ bên di ảnh người chồng đã tử vong trong trận sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3. Nguồn: Dân Trí. Ảnh phải: Thông báo số dư trong tài khoản của chị Thảo bị thâm hụt 100 triệu. Nguồn: Nhân vật cung cấp. 

Nên thiết lập lịch định kỳ thay đổi mật khẩu đăng nhập các ứng dụng ngân hàng để tăng bảo mật thông tin cá nhân. Trường hợp phát hiện nghi vấn thì cần báo ngay đến hotline của ngân hàng để được hướng dẫn, ngăn chặn kịp thời.

Lưu ý quan trọng, khi nghe bất kỳ cuộc gọi nào từ người lạ, nếu hỏi về thông tin cá nhân hay các tài khoản ngân hàng, tuyệt đối không tiết lộ, lúc này nếu có nghi vấn lừa đảo, người dân cần báo với Công an.

Về hành vi lừa đảo 100 triệu của góa phụ nạn nhân Rào Trăng 3, kẻ thực hiện hành vi chắc chắn sẽ bị xử lý khi Công an thực hiện đủ các bước trình tự, thủ tục luật định. Căn cứ Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, sẽ bị phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

hình ảnh


Ảnh: Góa phụ tá hỏa khi phát hiện mình bị lừa mất 100.000.000 đồng tiền ủng hộ của các mạnh thường quân. Nguồn: Dân Trí. 

Yếu tố lợi dụng thiên tai để lừa đảo có thể xem là một trong những tình tiết để tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người phạm tội có thể còn phải nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Kẻ nào phạm tội thì sẽ bị trừng trị, chỉ có điều người nghèo, hay cứ gặp nhiều tai ương thì vẫn còn đó, làm sao để họ sớm khôi phục lại cuộc sống bình thường như trước được đây?

Tổng hợp