Có con gái nhiều nỗi lo lắm các mẹ ạ, khi mà ngày ngày coi báo không thấy các vụ đau lòng liên quan đến bé gái. Vì thế, mình phải nắm rõ luật để còn bảo vệ con nữa.

Xem riết đâm ra ám ảnh, nhiều người nói có con gái lo lắng nhiều, nhưng mà đối tượng bị xâm hại không phải chỉ riêng bé gái đâu, bé trai cũng có thể là nạn nhân đó các mẹ.

Cuối năm 2020, Bộ Y tế ban hành Quy trình giám định pháp y đối với trẻ bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại và có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2021.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Theo đó, ngay khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ phân công cán bộ chuyên môn và làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu, sau đó tiếp xúc với trẻ bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại cùng gia đình và người giám hộ. Kế đến là khám tổng quát, khám bộ phận sinh dục, khám hậu môn và trực tràng cũng như miệng và hầu họng, đồng thời khám các bộ phận khác trên cơ thể. Tiếp theo là nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm và bàn giao, tổng hợp đánh giá kết quả.

Quy trình này kéo dài 03 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ và tiếp nhận giám định. Nếu phải hội chẩn hoặc làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì kéo dài 09 ngày, trừ trường hợp có phát sinh tình tiết mới.

Đấy là quy trình của cơ quan chức năng, còn về phần mình, nếu thấy con bị hoặc nghi ngờ con bị xâm hại, mẹ cần phải làm gì để được giải quyết theo thủ tục trên?

Được biết, quy trình giám định đối với trẻ bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại là một trong những bước quan trọng để chứng minh trẻ bị hại. Từ đó, mới có thể kết luận hành vi, căn cứ quy định của Bộ luật hình sự hiện hành để xử tội.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: An ninh Thủ đô. 

Tuy nhiên, khi gặp tình huống con mình bị như vậy, không phải ai cũng biết cách để xử lý.

Thông thường, đứng trước những vụ việc như thế này, trẻ thường có tâm lý hoảng loạn sợ hãi. Mẹ không vì thế mà kể cho nhiều người, thay vào đó cần bình tĩnh để xác định mức độ và hành vi.

Trường hợp đó là hành vi sờ vào vùng nhạy cảm thì trấn an con, đồng thời theo dõi người mà con kể hoặc báo với công an để tiến hành theo dõi.

Đối với trường hợp con bị 'xâm hại' thì mẹ càng cần phải bình tĩnh hơn, và báo cho công an cấp huyện. Tại đây họ sẽ yêu cầu mẹ viết bản tường trình để thuật lại vụ việc. Mẹ có trách nhiệm ghi đầy đủ, chi tiết và cam kết thông tin đã nêu đúng sự thật. Rồi sau đó mẹ đưa con tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, nắm được tình hình của con hiện tại như thế nào. Khi trở về, mẹ đề nghị cơ quan Công an cho con mình đi giám định, việc này cần phải được thực hiện bằng văn bản yêu cầu giám định.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Lập pháp và Infonet. 

Căn cứ Luật Giám định tư pháp sửa đổi năm 2020 thì mẹ có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân) trưng cầu giám định. Nếu họ không chấp nhận yêu cầu thì trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu phải thông báo cho mẹ biết. Hết thời hạn trên hoặc kể từ ngày nhận thông báo từ chối, mẹ có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Khi đã làm việc xong với cơ quan chức năng, phần còn lại do họ đảm nhiệm. Song song đó, mẹ nên nhờ người thân xung quanh âm thầm quan tâm, giúp đỡ để trẻ sớm ổn định tâm lý cũng như hòa nhập cuộc sống. Đặc biệt nhất là không nên hỏi về những chuyện đã qua với trẻ, tránh quan tâm quá mức sẽ làm trẻ cảm thấy mình bị phân biệt và trở nên mặc cảm.

Trước đây, căn cứ Thông tư 34/2014/TT-BTC, lệ phí giám định trong trường hợp bị xâm hại là 665.000 đồng/trường hợp. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, không theo mức này mà chuyển sang áp dụng theo cơ chế giá, trong đó tùy theo từng trường hợp mà xác định giá khác nhau, được tính toán bao gồm chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định; chi phí khấu hao máy móc, phương tiện và thiết bị; chi phí vật tư tiêu hao; chi phí sử dụng dịch vụ…

Khi con mình gặp những trường hợp như thế này, tốt nhất mẹ phải giải quyết triệt để tới cùng để đòi lại công bằng cho con. Thực ra, nhiều người e ngại ảnh hưởng đến con sau này nên im lặng chấp nhận, chính vì lẽ đó mới dung túng cho những kẻ xấu ngày càng lộng hành.