Mình có người bạn, dù tháng nào đi làm cũng phải trích tiền ra để đóng bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng mà thực tế ít khi dùng lắm. Bạn nói thôi để nhường phần cho ai thật sự cần, ví như những người mắc bệnh nặng, là ung thư chẳng hạn. Nói thế chứ mấy ai được như bạn mình đâu, nhiều người đóng BHYT xong là ‘muốn tận dụng’ cho hết.

>>> Đang nằm viện điều trị thì thẻ BHYT hết hạn, mẹ yên tâm vẫn được chi trả quyền lợi đầy đủ

Nhưng mà bản thân sử dụng thì cũng chả trách gì, chỉ trách những người có ý định lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT thôi.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Báo Thanh Niên sáng nay mới đưa tin, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa gửi Công văn đến các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn TP.HCM để cảnh báo về trường hợp bệnh nhân có số lượt KCB BHYT nhiều lần và tình hình chuyển dữ liệu trong tháng 01 và 02/2021.

Theo đó, có bệnh nhân tên N.T.K, mã thẻ BHYT theo hộ gia đình đăng ký KCB tại Bệnh viện Triều An. Nhưng trong thời gian từ ngày 01/01/2021 đến ngày 08/3/2021, người đàn ông này đã đi khám BHYT 80 lần ở 18 bệnh viện với tổng số tiền BHYT thanh toán cho bệnh nhân này là hơn 60 triệu đồng?!

Những bệnh viện người này đến khám rải khắp nơi như: Bệnh viện Quận 1, Phú Nhuận, Nguyễn Trãi, Thống Nhất, Chợ Rẫy, Thủ Đức, Nhà Bè, Củ Chi… Nhiều nhất là Bệnh viện quận Gò Vấp 17 lần, Bệnh viện Quận 7 là 11 lần và Thủ Đức là 10 lần.

Quào, thật là một con số không tưởng các mẹ nhỉ?

Đứng trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở KCB phải chuyển dữ liệu tiếp nhận BHYT đúng thời gian quy định bao gồm cả trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú nhằm giúp kiểm soát và tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời phải tuân thủ việc tra cứu dữ liệu lịch sử KCB để cập nhật hệ thống giám định ngay khi tiếp nhận thông tin thẻ BHYT của người bệnh đến KCB nhằm kịp phát hiện trường hợp trục lợi quỹ BHYT.

Mới đây, báo chí cũng đã đưa tin Bảo hiểm Xã hội TP. HCM đã chuyển hồ sơ của bệnh nhân K. này đến cơ quan công an để điều tra. Mặc dù BHYT không hạn chế số lần khám bệnh của bạn nhân, nhưng nếu nhận thấy tần suất khám bệnh tăng đột biến, bất thường, tương tự như trường hợp này, cơ quan BH sẽ cảnh báo và xử lý nghiêm.

Theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi trục lợi BHYT bằng cách cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác để KCB sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng và buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng Nam và Thanh Niên. 

Trường hợp gian lận BHYT gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 215 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với án phạt là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 10 năm. Ngoài ra, có thể sẽ áp dụng hình phạt bổ sung là nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chưa kể là phải bồi thường số tiền trục lợi từ quỹ BHYT theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Đấy, cái giá phải trả cho việc trục lợi là thế đó. Vậy nên có thẻ BHYT thì cứ hãy dùng đúng với quyền lợi của mình nhé, tránh cho người khác mượn hoặc ngược lại, không được gì mà có khi lại rước họa vào thân. 

Ngày nay, đi KCB BHYT rất tiện lợi, sau khi mẹ đi viện về, tin nhắn điện thoại sẽ được gửi tới để mẹ biết mình vừa thanh toán bao nhiêu và được quỹ BHYT chi trả bao nhiêu. Thêm nữa, BHYT hiện tại có ứng dụng VssID để mẹ vừa theo dõi lịch sử KCB BHYT của mình, vừa có thể yêu cầu gia hạn, cấp đổi hay cấp lại thẻ BHYT. Quá tiện rồi còn gì phải không các mẹ?