Có vay thì có trả, đó là lẽ thường ai cũng hiểu.

>>> Nhóm đòi nợ vẫn đến nhà tạt sơn uy hiếp dù "con nợ" đã qua đời: Chị gái sát nhà phải hứng

Nhưng vay ít, mà phải trả gấp bội, vượt quá mức cho phép thì cần xem lại, đó có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Không ít vụ án xảy ra, khi chính chủ nợ là kẻ phạm tội, vừa mất tiền, lại thêm đi tù vì có hành động hành hung con nợ để đòi tiền.

Chuyện xảy ra hồi cuối năm ngoái, nhưng đến hôm nay, phía Viện kiểm sát Nhân dân mới hoàn tất cáo trạng truy tố nên mới có dịp chia sẻ với các mẹ.

Theo tin từ trang Vietnamnet, ngày 23/11/2019, anh Đặng Văn Bách, sinh năm 1987, quê ở Thái Bình đi từ Hà Nội và TP.HCM chơi và nhờ Trần Văn Khôi, sinh năm 1978, ở TP.HCM (một người bạn có quan hệ quen biết xã hội) lấy giúp trang cá độ bóng đá có hạn mức 225 triệu.

hình ảnhẢnh chụp trang Vietnamnet. 

Anh Bách đã đánh bạc, thu hết tiền trong tài khoản, lại không có tiền trả cho Khôi. Đến ngày 25/11/2019, anh Bách quay về Hà Nội, xin Khôi khất nợ và hứa sẽ trả tiền trên vào tháng 01/2020, nhưng Khôi không đồng ý và đe dọa sẽ tìm bằng được anh Bách để đòi nợ.

Đến ngày 17/12/2019, Khôi gọi điện cho mấy người bạn thân rủ ra Hà Nội để cùng đòi nợ. 2 ngày sau, Khôi đã cùng Trần Văn Thặng, sinh năm 1989, ở Nam Định; Trương Công Khanh, sinh năm 1982, quê ở Lâm Đồng và Nguyễn Hùng Anh, sinh năm 1995, ở Hà Nội tìm gặp anh Bách trước cửa nhà số 246 đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Trong lúc anh Bách đang ngồi uống nước ở vỉa hè đối diện thì bất ngờ Khôi cung đồng bọn đến lôi lên ô tô. Dù anh Bách vùng vẫy, chống cự nhưng Khôi túm tóc kéo đi, còn Khanh lấy viên gạch đập vào lưng. Nhóm này đấm, đánh, lôi kéo và bắt anh Bách lên ô tô do Hùng Anh lái chở về thành phố Nam Định.

Trên đường đi, nhóm này liên tục đánh anh Bách, vừa đánh Khôi vừa bảo anh là con nợ, phải trả cho Khôi 1 tỷ đồng. Thắc mắc vì sao trả nhiều nên hỏi lại thì anh nhận câu trả lời là bị phạt.

Nhóm này còn yêu cầu anh Bách phải gọi điện về cho vợ và bố đẻ để thu xếp 1 tỷ đồng trả nợ. Sau đó, Hùng Anh chở anh Bách vào công viên hồ truyền thống ở phường Lộc Vượng, Nam Định. Tại đây, Khôi và đồng bọn ép anh phải viết giấy mượn nợ 1 tỷ đồng và giấy mượn xe ô tô để làm bằng chứng yêu cầu người thân anh Bách phải trả.

Đến khoáng 15 giờ 45 phút ngày 19/12/2019, vợ anh Bách đến Công an phường Mỹ Đình trình báo việc chồng mình bị bắt cóc. Cho đến 22 giờ cùng ngày, khi Khôi và đồng bọn đưa anh đến ăn ở nhà hàng tại Nam Định thì bị Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện, bắt giữ.

hình ảnh


Ảnh trái: Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. Ảnh phải: Nhóm của Khôi tại cơ quan điều tra. Nguồn: VnExpress. 

Được biết, anh Bách do đi khỏi nơi cư trú, không xác minh được nơi ở lẫn nơi làm việc, nên Công an xác minh và triệu tập nhiều lần không được, vì thế không làm rõ được yêu cầu về dân sự.

Còn phần hình sự, Viện kiểm sát đã hoàn tất cáo trạng truy tố 4 tên kia về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ Điều 169 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chỉ nhắm đến 4 kẻ bắt cóc anh Bách nhằm chiếm đoạt tài sản, có lẽ mọi người quên rằng, khi chính hành vi của anh Bách trước khi vụ án này xảy ra, cũng có thể bị khép vào tội đánh bạc. Tuy nhiên cần phải xem hành vi này là phạm tội lần đầu hay đã phạm nhiều lần. Đây là cơ sở để phạt hành chính, hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội thì hành vi đánh bạc có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 20 triệu đồng. Trường hợp đã bị phạt hành chính mà vẫn còn tái phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 321 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức án phạt có thể là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, có thể còn phải áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Mặc dù vậy, có thể hành vi vi phạm này của anh Bách được xem xét xử lý ở một vụ án khác.

Cho người khác vay mượn tiền, điều nên nhớ là cần phải có giấy hoặc hợp đồng cụ thể, để nó làm chứng cứ đòi lại tiền (nếu có) sau này, trong đó, cần nêu rõ cả phương thức và thời gian trả lại. Bên nào vi phạm nghĩa vụ thì có quyền nhờ Tòa án can thiệp. Không thể vì chuyện người ta chậm trả nợ mà có hành động bạo lực, thậm chí bắt cóc tống tiền để đòi lại nợ, trường hợp đấy có thể mất tiền đã cho vay mượn, lại thêm rủi ro pháp lý vì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tổng hợp