Vốn dĩ sinh ra, phụ nữ đã chịu thiệt thòi, nhất là về sức khỏe, nên mới được cho là phái yếu, chưa kể sinh nở, nuôi con, chăm con thì sức khỏe ngày một hao dần.

Vì thế mà không phải ai cũng đủ khỏe mạnh để duy trì công việc trong suốt quãng thời gian dài, có lúc yếu mệt, muốn nghỉ việc một thời gian, vậy thì mẹ cần nắm những chế độ dành cho trường hợp mình nghỉ việc vì lý do sức khỏe.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels. 

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động thì trợ cấp thôi việc được chi trả trong các trường hợp sau:

- Hết hạn hợp đồng lao động;

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Do 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do hoặc bị tử hình, bị cấm làm việc theo bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật;

- Người lao động chết hoặc bị Tòa tuyên bố mất tích, đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa tuyên mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết, còn với trường hợp là tổ chức thì bị chấm dứt hoạt động;

- Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định.

Trong đó, đối với người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng báo trước thời hạn theo đúng luật, với các trường hợp sau đây thì không cần báo trước.

Cụ thể như không được bố trí công việc cũng như địa điểm và điều kiện làm việc đúng như thỏa thuận; không được trả đủ lương hay trả lương không đúng hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập, có cử chỉ, lời nói nhục mạ. xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe hay bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định; đủ tuổi nghỉ hưu theo luật định hoặc công ty không cung cấp thông tin trung thực dẫn đến ảnh hưởng việc ký kết hợp đồng lao động.

Còn với người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo tiêu chí đánh giá dựa trên Quy chế được công bố với toàn thể người lao động; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục với trường hợp đã ký hợp đồng không xác định thời hạn; hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục với trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn hoặc quá nửa thời gian làm việc với trường hợp đã ký hợp đồng dưới 12 tháng mà chưa thể hồi phục; do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh; người lao động không có mặt ở nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn hợp đồng; người lao động đủ tuổi nghỉ hưu; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên và người lao động không trung thực trong việc cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels. 

Như vậy, nếu mẹ nghỉ việc vì lý do sức khỏe, trong trường hợp kéo dài quá thời gian quy định, công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với mẹ, đồng thời thuộc trường hợp được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Với trường hợp vì lý do sức khỏe, nhưng không quá thời hạn quy định như đã trên, mẹ vẫn được quyền nghỉ việc, và trường hợp này phải thỏa thuận với người sử dụng lao động, có thời hạn báo trước hay không, tùy thuộc vào sự đồng ý của người sử dụng lao động. Và việc nghỉ việc trong trường hợp do 2 bên thỏa thuận vẫn thuộc nhóm được trả trợ cấp thôi việc.

Về nguyên tắc, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương. À mẹ phải đọc hết phần mình diễn giải phía sau nhe, vì nó quan trọng quyết định mẹ có được nhận hay không?

* Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động – Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) – Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Trong đó:

- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định Luật BHXH; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định và thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet và Pixabay. 

- Thời gian người lao động đã tham gia BHTN bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia BHTN và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia BHTN theo quy định nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHTN cho người lao động theo quy định.

Lưu ý nếu có năm lẻ thì cứ ít hơn 06 tháng được tính là 1/2 năm, còn trên 6 tháng thì tính bằng 01 năm làm việc.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Như vậy, tính theo công thức trên, với thực trạng hiện tại, ở các công ty làm đúng theo quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN thì khoảng thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp thôi việc có thể sẽ bằng 0, và như vậy, không có khoản trợ cấp thôi việc.

Quy định về trợ cấp thôi việc cho người lao động nhằm bù đắp cho các trường hợp người sử dụng lao động không đóng, đóng không đủ, không trọn thời gian làm việc cho người lao động.

Mặc dù vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này, mẹ có thể làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện và nhận BHXH một lần trong trường hợp sức khỏe quá yếu, không thể tiếp tục làm việc trong tương lai gần được nữa.