Giờ hiện đại quá, đi đâu cũng thấy trẻ con cầm iPad, điện thoại hay các loại máy tính bảng khác để xem hoạt hình, chơi game. Nhiều cha mẹ cứ nghĩ đó là an toàn, nhưng mà không biết đằng sau đó tiềm ẩn những nguy hiểm có thể rình rập bất kỳ lúc nào.

>>> Xót bé 12t rơi xuống hồ qua đời khi chơi cùng bạn: Nhốt con ở nhà thì tội, cho chạy chơi thì lo

Mà cũng không trách được các bậc làm cha, làm mẹ thời nay. Khi mà mọi người cứ phải chạy theo cái guồng xoáy công việc nên họ không có đủ thời gian lẫn không gian, nhất là với các trẻ ở thành phố, để cho con cái vui chơi. Thay vì để con chạy rong ngoài đường xe cộ nguy hiểm, thôi thì sắm cho nó một cái ipad, điện thoại, tivi gì đấy, mở đủ thứ các thể loại để trẻ coi. Nhưng mà trẻ con nó như tờ giấy trắng vậy á các mẹ, mình viết lên nó thế nào, nó sẽ thành thế ấy.

hình ảnh


Ảnh: Trong thập niên qua, ở Trung Quốc xảy ra nhiều vụ cha mẹ kiện các nhà làm phim hoạt hình vì cho rằng con cái họ bắt chước nội dung xấu trong phim. Nguồn: Weibo.

Hôm qua mình đọc trang Zing News kể về sự việc xảy ra hồi tháng 7/2018, một bé gái 8 tuổi ở Trung Quốc tên là Xiaoting rơi từ tầng 6 xuống đất sau khi trèo qua cửa sổ phòng tắm bằng dây thừng. Chấn thương nặng khiến em qua đời vài ngày sau đó. Cha cô bé cho biết bé đã bắt chước cảnh leo núi mà em từng xem trong phim hoạt hình Bonnie Bears. Gia đình em sau đó đã đâm đơn kiện đơn vị sản xuất bộ phim hoạt hình, đòi bồi thường 600.000 Nhân dân tệ, tức hơn 2,1 tỷ Việt Nam Đồng.

Mãi đến tháng 5/2019, gần 1 năm sau khi sự việc xảy ra, Tòa án mới ra phán quyết người cha phải chịu trách nhiệm lớn về cái chết của cô bé vì đã để con gái ở lại cho người vợ bị thiểu năng trông coi trước khi tai nạn xảy ra.

Theo phim hoạt hình Bonnie Bears thì dù đã hiển thị trên màn hình cảnh báo người xem không bắt chước nhân vật, nhưng vụ việc xảy ra, đoạn phim này vẫn bị đánh giá là gây nguy hiểm. Vì thế mà họ phải chịu 10% trách nhiệm.

Ngay sau đó, cả ê kíp sản xuất bộ phim này kháng cáo, nhưng Tòa vẫn cứ giữ nguyên phán quyết ban đầu sau phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 08/01/2021 vừa qua.

hình ảnh


Ảnh trái: Nguyên nhân cái chết của bé gái Xiaoting (8 tuổi) được cho là bắt chước một hành động mạo hiểm trong phim hoạt hình dành cho trẻ em Boonie Bears. Nguồn: Weibo. Ảnh phải: Người quan tâm đến phim hoạt hình Trung Quốc cho rằng các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để giải thích cho con trẻ về nội dung trên TV, thay vì đổ lỗi cho các nhà sản xuất. Nguồn: Ctgn. 

Mặc dù không đồng thuận với phán quyết của Tòa, phim hoạt hình Bonnie Bears vẫn dàn xếp với cha mẹ cô bé để bù đắp một số tiền, được biệt giữa họ thỏa thuận không tiết lộ số tiền này.

Thời gian qua, một số phim hoạt hình của Trung Quốc đã bị xóa, sửa chữa nội dung hoặc đơn vị sản xuất sắp xếp bồi thường sau những vụ tranh tụng pháp lý của các bậc làm cha, làm mẹ.

Như hồi năm 2013, nhà sản xuất phim hoạt hình Pleasant Goat and Big Big Wolf đã phải bồi thường 40.000 Nhân dân tệ, tương đương 142 triệu Việt Nam Đồng sau sự việc đứa trẻ 10 tuổi trói 2 trẻ nhỏ tuổi hơn vào cây và châm lửa đốt. Hành động của đứa trẻ này bắt chước phân đoạn chó sói cố ăn thịt những con dê trong phim hoạt hình.

Hay như hiện tại, các phim hoạt hình nước này cũng không còn dám chiếu các cảnh nhân vật sử dụng ô để bay xuống từ trên cao sau khi có vụ việc trẻ em bắt chước.

Từ những vụ việc xảy ra, dấy lên nhiều tranh cãi về trách nhiệm của cha mẹ khi giám sát con xem các chương trình truyền hình.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. 

Có người còn ý kiến, các bậc cha mẹ tốt hơn hết nên đặt điện thoại xuống, gạt bớt công việc để dành thời gian cho con cái, dạy chúng những thứ hay ho, bổ ích trên đời.

Song, cũng có người cho rằng, phim hoạt hình hấp dẫn vì chúng sáng tạo, nếu có quá nhiều cảnh báo hoặc bám sát 100% thực tế sẽ làm mất đi sức hấp dẫn của chúng. Thay vào đó, cha mẹ nên giải thích để con hiểu giữa phim và đời thực.

Mình đồng ý với quan điểm này, vì thật ra, ngày còn trẻ, mình cùng những anh chị và các bạn hàng xóm vẫn cứ canh đến giờ phim hoạt hình chiếu để mà háo hức coi. Trẻ con nào mà không khoái xem phim hoạt hình vì có nhiều cảnh vui tươi, sinh động, lại mang tính giải trí cao. Tuy nhiên, không thể vì thế mà cha mẹ phó thác hết cho cái tivi, hay điện thoại, máy tính bảng. Thay vì thế, cha mẹ nên kiểm tra nội dung trước khi cho con xem hoặc cùng con xem, và giải thích rồi nói cho con hiểu. Nếu cha mẹ bằng tình yêu thương của mình, dành đủ thời gian cho con thì mình tin chắc rằng sẽ không có những vụ việc như thế này xảy ra đâu.

Những vụ như thế này, chỉ có thể giải quyết thông qua các phiên tòa dân sự để đòi bồi thường thiệt hại thôi, nhưng dù có bù đắp thế nào cũng không thể làm đứa trẻ sống lại hay trở về như trước, nên cha mẹ cứ phải lưu ý nha.