Gì chứ nghe bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu là lo lắm nè. Bao nhiêu thứ giấy tờ, rồi con đi học nữa…bị ảnh hưởng nhiều lắm chứ chẳng đùa, nhưng nếu mẹ biết rồi thì cứ thực thi theo pháp luật thôi.

Theo quy định mới của Luật cư trú năm 2020, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021, dưới đây là 9 trường hợp mẹ sẽ bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu:

#1. Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết.

Trường hợp này ngay khi người thân ở lại làm thủ tục đăng ký khai tử thì cán bộ hộ tịch ở địa phương sẽ tiến hành xóa tên người đã mất trong Sổ hộ khẩu.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

#2. Ra nước ngoài định cư.

#3. Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú theo quy định.

Cụ thể là trong trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện luật định thì thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đăng ký phải ra Quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú. Lúc này, người bị ra Quyết định hủy bỏ đăng ký sẽ bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu.

#4. Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

Tình trạng người ở một nơi, hộ khẩu ở một nơi vẫn cứ đang diễn ra. Đặc biệt là nhiều người để hộ khẩu ở một nơi nhưng thực chất họ lại không thường trú ở đó. Có thể hiểu lý do vì sao, đó là để thuận tiện cho con cái đi học, rồi người lớn đi làm… Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra tạo ra lượng đăng ký cư trú ‘ảo’ khiến cho cơ quan chức năng khó quản lý được nơi cư trú của công dân để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Vì thế, quy định mới này sẽ giúp cải thiện được tình trạng cư trú ‘ảo’. Việc của mẹ là kiểm tra xem mình nơi mình sinh sống, làm việc khác với nơi đăng ký thường trú đã thực hiện việc đăng ký tạm trú chưa?

Nếu chưa thì phải tranh thủ làm ngay đi nhé, trong trường hợp kiểm tra thông tin, nếu vắng mặt liên tục từ 12 tháng trở lên ở nơi đăng ký thường trú mà cũng không đăng ký tạm trú ở chỗ khác sẽ bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu đó ạ.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Người Đưa Tin. 

Mình thấy việc đăng ký tạm trú rất thuận tiện, vừa để cho con đi học gần, lại đỡ tốn được các chi phí điện nước vì được tính theo định mức sử dụng của mỗi người, lại không đối diện với chuyện có thể bị phạt tiền do không tuân thủ đúng quy định đăng ký tạm trú theo quy định.

Vậy nên cứ chấp hành đúng mẹ nha, mình có lợi hơn mà.

#5. Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

#6. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này.

#7. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Ví dụ thực tế để mẹ dễ hiểu nha.

Anh Nguyễn Văn M. có căn nhà tại Q. 8, TP.HCM và đã đăng ký thường trú ở đây. Tuy nhiên vì dịch bệnh kéo dài, chuyện làm ăn gặp nhiều khó khăn nên anh M. quyết định bán nhà cho chị Lê Thị B., và hoàn tất các thủ tục sang tên giấy tờ.

Từ lúc bán nhà đến nay, đã hơn 1 năm nhưng anh M. vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ mới. Trong trường hợp này, nếu giữa anh M. và chị B. thỏa thuận được việc cho thuê, cho mượn hay ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại căn nhà ở Q. 8, TP.HCM thì anh M. vẫn được để tên trong Sổ hộ khẩu ở đây.

Ngược lại, nếu chị B. không đồng ý, anh M. sẽ bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu đăng ký thường trú tại căn nhà ở Q. 8.

Nên nhớ, mọi thỏa thuận cần được lập bằng văn bản và có công chứng rõ ràng để đảm bảo tính pháp lý.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

#8. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Mình lấy ví dụ thực tế như thế này.

Chị Nguyễn Thị A. thuê nhà của vợ chồng ông Trần H. với thời hạn 03 năm do chị A. có hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại một công ty gần nhà ông H. Vì thế chị có thể đăng ký thường trú tại nhà ông H. và với điều kiện vợ chồng ông đồng ý. Hết thời hạn thuê, nhưng vợ chồng ông H. đổi ý không cho thuê nữa, thì chị A. cũng bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu đăng ký thường trú tại nhà vợ chồng ông H.

#9. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Đã biết được hết 9 trường hợp bị xóa tên trong Sổ hộ khẩu, mẹ về rà soát lại mình có thuộc trường hợp nào không? Nếu có thì sớm giải quyết đi nhe.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Quảng Ngãi TV và Người Lao Động. 

À, có người sẽ thắc mắc, đã bảo sẽ bỏ Sổ hộ khẩu rồi mà sao vẫn cứ nói xóa tên trong Sổ hộ khẩu là thế nào?

Thực chất việc bỏ Sổ hộ khẩu cũng chỉ là thay đổi cách thức quản lý giúp người dân thuận tiện hơn khi giao dịch với cơ quan Nhà nước cũng như xác minh nơi cư trú khi đi học, làm việc… chứ về nguyên tắc vẫn phải đăng ký thường trú, tạm trú đó các mẹ à.