Mỗi một chính sách, quy định mới ra đời đều có lý do của nó. Việc của mình là cần phải cập nhật thường xuyên để mà đừng gặp phải tình trạng đến lúc bị phạt mới nói em không biết. Như vậy chẳng ai tin, mình lại cảm thấy uất ức trong lòng nữa.

Cứ nghĩ vậy nên thành ra cứ cuối tháng, em lại tìm đọc những quy định mới, xem có cái nào tác động đến mình không, để biết mà còn chấp hành cho tốt, để không bị phạt nữa.

Sẵn đây, em chia sẻ đến các mẹ 8 quy định mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2020. Trong số đó bao gồm các chính sách tác động đến con em đang đến trường, cũng như việc mua hàng miễn thuế, bán hàng online, tin nhắn rác… Nói cụ thể từng điểm để mẹ rõ hơn nè:

#1. Điều chỉnh cách đánh giá học sinh tiểu học định kỳ

Việc đánh giá học sinh tiểu học vào các thời điểm giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học được thực hiện như sau dựa trên đánh giá thường xuyên:

* Đối với các nội dung môn học và hoạt động giáo dục:

- Hoàn thành tốt: Học sinh phải thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: Học sinh phải thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Cuối học kỳ I và cuối năm học, phải có bài kiểm tra định kỳ với các môn Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ. Còn với học sinh lớp 4 và 5, sẽ có thêm bài kiểm tra giữa kỳ I và II với 2 môn Toán và Tiếng Việt.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

* Đối với phẩm chất và năng lực:

- Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

- Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.

- Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Nội dung mới này áp dụng theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ ngày 20/10/2020.

#2. Cấm giáo viên tiểu học ép học sinh học thêm vì mục đích vật chất

Tuyệt đối cấm giáo viên ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất và bỏ giờ, bỏ buổi dạy hoặc tùy tiện cắt xén chương trình, nội dung giáo dục; không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể người khác.

Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường tiểu học có hiệu lực áp dụng từ ngày 20/10/2020 còn quy định thêm về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền với giáo viên tiểu học.

Giáo viên tiểu học gánh thêm trọng trách bao gồm tự đánh giá theo tiêu chuẩn nghề nghiệp, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trao đổi chia sẻ chuyên môn với đồng nghiệp; sáng tạo và linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học cho học sinh; tham gia lựa chọn sách giáo khoa theo quy định; đề nghị nhà trường trang bị xuất bản phẩm tham khảo cũng như các thiết bị dạy học theo quy định để sử dụng trong quá trình dạy học.

Giáo viên chủ nhiệm còn phải thêm nhiệm vụ chủ động nắm bắt thông tin từng học sinh, phối hợp với phụ huynh để giám sát học sinh, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng. Đi đôi với nghĩa vụ là quyền, giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày liên tục và được giảm giờ lên lớp hàng tuần cùng các quyền khác theo quy định.

Bên cạnh đó, Nhà trường cần phải ứng dụng công nghệ trong đánh giá học sinh tiểu học theo lộ trình cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Đồng thời xây dựng và phát triển văn hóa đọc, bao gồm tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn về nhà.

Nhà trường có trách nhiệm tạo điều kiện để học sinh có thể tiếp cận với sách và các xuất bản phẩm tham khảo khác. Bên cạnh đó, nếu có thể hãy luân chuyển các đầu sách giữa các trường với nhau.

Thư viện phải được trang trí thân thiện, đẹp mắt và phù hợp với lứa tuổi học sinh.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Luật Việt Nam và Công an Nghệ An. 

#3. Thay đổi cách tính điểm trung bình môn học kỳ với học sinh THCS

Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ với các hệ số sau:

Điểm trung bình môn học kỳ = / (Số điểm đánh giá thường xuyên + 5)

Quy định này được áp dụng theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi quy chế đánh giá học sinh THCS có hiệu lực kể từ ngày 11/10/2020.

#4. GV tiểu học chưa đáp ứng chuẩn đào tạo có thể được xem xét để dạy tiếp hoặc không

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Giáo dục Thời đại. 

Theo Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT về việc sử dụng giáo viên tiểu học chưa đáp ứng chuẩn nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 10/10/2020 thì trong vòng từ năm 2018 đến năm 2020, nếu giáo viên được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục được bố trí công việc giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Ngược lại, nếu ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không được bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp với cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu.

Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu khi đủ điều kiện theo Luật bảo hiểm xã hội quy định thì được nghỉ hưu và hưởng chế độ.

Ngoài ra, với giáo viên chưa đạt chuẩn tùy trường hợp cụ thể có thể áp dụng hình thức thôi việc hay tinh giản biên chế theo quy định hiện hành.

#5. Bán hàng online mẹ cần biết quy định xử phạt mới

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Về nguyên tắc việc mua bán hàng đều cần phải có hóa đơn mua bán hợp pháp, việc mua bán thiếu hóa đơn là tình trạng dễ thấy ở nơi các chị em bán hàng online.

Hành vi này có thể bị xét là hành vi kinh doanh hàng nhập lậu và tất nhiên sẽ áp dụng quy định xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.

Ngoài ra, Nghị định này cũng sẽ tăng mức xử phạt với hành vi buôn bán mỹ phẩm giả lên đến 140 triệu đồng.

#6. Thêm quy định xử lý tin nhắn rác, mẹ hết lo bị quấy nhiễu

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Người Lao Động. 

Này mình thấy ngay sau khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác được ban hành, chưa đợi đến ngày mai 01/10/2020 có hiệu lực, các nhà mạng đã áp dụng trước rồi. Vừa nghe các cuộc gọi lạ tới, có thông báo tới tin nhắn điện thoại mình liền, hỏi người dùng đây có phải là thuê bao quảng cáo không, người dùng chỉ cần nhấp Y tượng trưng cho Yes là Có, hay N tượng trưng cho No là Không.

Tuyệt đối không được phép gọi quảng cáo từ 17 giờ đến trước 08 giờ sáng ngày hôm sau. Hành vi gửi tin nhắn rác, gọi cuộc gọi quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo có thể sẽ bị phạt lên đến 100 triệu đồng.

#7. Niêm yết giá bán lẻ xăng dầu sai có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

Căn cứ Nghị định 99/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí có hiệu lực áp dụng từ ngày 11/10/2020 thì hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Năng lượng sạch Việt Nam.

Còn hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Đồng thời phải nộp lại số lợi bất hợp pháp đã thu được.

#8. Cung cấp thông tin sai sự thật để làm hộ chiếu có thể bị phạt đến 1 triệu đồng

Đây là quy định mới được đề cập tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới quốc gia có hiệu lực áp dụng từ ngày 10/10/2020.

Ngoài ra, Nghị định này còn nâng mức xử phạt với các hành vi, điển hình như dẫn dắt, tạo điều kiện cho người, phương tiện vào hoạt động trái phép trong khu vực biên giới đất liền, mức phạt cao nhất lên đến 3 triệu đồng; vận chuyển thi hài, hài cốt qua biên giới bị phạt đến 30 triệu đồng…

Mẹ xem cập nhật để áp dụng cho đúng nhé, tránh mất tiền oan vì không biết.

Tổng hợp