Vỗ long đờm là một trong những phương pháp điều trị viêm nhiễm đường hô hấp hiệu quả nhất. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm hô hấp ở trẻ thường là do virus cúm mùa, virus hô hấp hợp bào RSV, vi khuẩn phế cầu… Khi mắc bệnh, bệnh nhi do còn nhỏ nên không biết khạc đờm và hỉ mũi, dẫn đến đờm ứ đọng nhiều khiến trẻ khó thở, tạo môi trường cho vi trùng sinh sôi nảy nở, khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

5 loại hoa quả mùa thu giúp bé tăng cường miễn dịch, ít ốm vặt và ngăn ngừa bệnh hô hấp

hình ảnh

Vỗ long đờm là phương pháp vật lý nhằm giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp, đào thải, bài trừ đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp, nhờ đó mà bệnh nhi dễ thở hơn.

Đặc biệt thời tiết đang vào vào mùa lạnh, hầu như trẻ nào cũng bị viêm đường hô hấp. Việc cha mẹ nắm được kỹ thuật vỗ long đờm sẽ có lợi rất nhiều trong việc giúp trẻ loại bỏ đờm nhớt ứ đọng, từ đó mà trẻ nhanh hết bệnh.

Một số lưu ý khi muốn áp dụng vỗ long đờm

- Thời điểm vỗ long đờm cho trẻ tốt nhất là buổi sáng sớm khi trẻ ngủ dậy (sau một đêm dài lượng đờm ứ đọng nhiều) hoặc sau phun khí dung. Tránh thực hiện khi trẻ vừa ăn xong vì có thể khiến bé nôn.

- Không thực hiện phương pháp này nếu bé chỉ ho khan.

- Không vỗ long đờm với trẻ mắc bệnh tim mạch, tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi, dị tật đường thở, chấn thương ngực, ung thư phổi...

 - Đây chỉ là phương pháp giúp tống đờm nhớt, hỗ trợ quá trình chữa bệnh nhanh khỏi chứ hoàn toàn không diệt được mầm bệnh.

Các tư thế vỗ long đờm: Trẻ nằm nghiêng một bên, trẻ ngồi cúi đầu về phía trước, mẹ bế vác trẻ, mẹ úp người bé lên lòng bàn tay. Đây là các tư thế khiến dẫn lưu đờm tốt hơn.

hình ảnh

Xác định vị trí vỗ: Vỗ từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Các mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.

Kỹ thuật vỗ long đờm:

- Tư thế tay: Tay khum lại tạo thành một khoảng trống thì khi vỗ trẻ sẽ không đau (nhưng nếu để bàn tay thẳng vỗ thì trẻ sẽ đau).

- Dùng lực cổ tay vỗ cho trẻ tạo thành tiếng "bộp, bộp", cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái. Nhưng tránh dùng lực cánh tay để vỗ cho trẻ vì sẽ làm trẻ đau.

- Mỗi lần vỗ tầm 10-15 phút. Sau khi vỗ có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm. Mẹ nhớ để ý đờm có màu gì (trắng loãng, xanh hay vàng đặc) để báo cho bác sĩ.

Một số việc khác mẹ có thể làm tại nhà để giúp bé mau khỏi bệnh

- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ 4-5 lần/ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn hoặc ngủ để trẻ ngủ ngon hơn và ăn dễ hơn (mẹ nhớ vệ sinh tay trước khi nhỏ mũi cho bé nhé).

- Chỉ nên dùng khăn giấy sạch sử dụng một lần để hỉ, lau mũi cho trẻ; tránh dùng khăn vải mùng nhiều lần vì tăng nguy cơ lây nhiễm nặng hơn.

- Cho trẻ uống nhiều nước để đờm loãng ra.

- Chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu và không biếng ăn.

- Khi ngủ, cho trẻ nằm nghiêng, kê gối cao hơn thông thường.

- Không dùng miệng hút mũi cho trẻ vì trong khoang miệng của mẹ có nhiều vi khuẩn gây bệnh, chỉ nên dùng trong trường hợp khẩn cấp.

- Khi bị viêm hô hấp, trẻ thường ho hoặc ói, đây là phản xạ tự nhiên để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở. Khi đó, mẹ nên hỗ trợ trẻ xuất đờm bằng cách vỗ long đờm. Tránh tự ý cho trẻ uống các loại thuốc ức chế cơn ho vì thuốc sẽ khiến đờm đặc quánh lại, độ dính cao và khó tống xuất ra ngoài.

- Chỉ cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.