Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh phổ biến do vi rút thuộc nhóm enterovirus gây ra, với triệu chứng đặc trưng là nổi mụn nước trên bàn tay, bàn chân và miệng.

Hôm qua em đến trường đón con thì thấy một bảng thông báo mới. Cứ ngỡ là nhắc nhở phụ huynh học sinh đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên như mọi khi. Nhưng không phải các mẹ ạ, là thông báo về việc bệnh tay chân miệng xuất hiện, nhà trường yêu cầu phụ huynh nếu con có biểu hiện bệnh thì nên đưa đi khám chứ không nên đưa con đến trường để lây cho các bé khác.

hình ảnh

Một trường hợp bệnh nhi tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi (Nguồn Báo Quảng Ngãi)

Tối về em tìm thông tin trên mạng thì thấy trên Tuổi Trẻ đăng là 3 tháng đầu năm nay đã có 4 trẻ mắc tay chân miệng t.ử vong tại Kiên Giang, An Giang và Long An. Số mắc đang tăng cao tại các tỉnh phía Nam. 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 17.500 ca mắc, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ghi nhận 8 ca mắc tay chân miệng ở độ III, IV phải nằm khoa hồi sức, can thiệp chuyên sâu.

Mà nghe bảo tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh vào mùa dịch, thông thường là tháng 4-5 hằng năm. Do đây là bệnh dễ lây nếu vệ sinh môi trường không đảm bảo, không thực hành rửa tay thường xuyên bằng xà phòng..., nếu không tích cực phòng chống sớm có nguy cơ dịch lan rộng và kéo dài. Để bảo đảm an toàn cho con, các mẹ nhớ theo dõi các dấu hiệu như bóng nước trên người con nhé. Việc cập nhật một số kiến thức cơ bản cũng rất quan trọng, mẹ có thể tham khảo dưới đây:

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không, nặng thế nào thì trẻ sẽ t.ử vong?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Con người là nguồn ủ bệnh, khi hệ miễn dịch yếu bệnh có thể phát ra ngoài. Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày.

Đa số trường hợp bệnh là nhẹ nhưng một số ít trẻ bị có thể rất nặng và nguy cơ t.ử vong do biến chứng viêm não, viêm cơ tim. Trẻ em dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch non yếu dễ mắc bệnh. Trẻ dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị biến chứng nặng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng. Do đó bố mẹ phải hết sức chú ý khi vào mùa tay chân miệng bùng phát.

hình ảnh

Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Các biến chứng tay chân miệng trẻ có thể gặp phải gồm biến chứng mất nước, bội nhiễm, biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp. Đặc biệt là các biến chứng thần kinh, đe dọa đến tính mạng trẻ hoặc gây tổn thương não không hồi phục. Các bác sĩ dự báo "cuộc chiến" với bệnh này có thể sắp bắt đầu khi tháng 4 là thời điểm bệnh tăng mạnh.

Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, sổ mũi và đau họng. Một hoặc hai ngày sau khi các triệu chứng này bắt đầu, các mụn nước bắt đầu xuất hiện trên môi, lưỡi và bên trong miệng, ngay sau đó là các mụn nước trên các vùng khác của cơ thể. Các khu vực bị ảnh hưởng phổ biến nhất là bàn tay và bàn chân, nhưng mụn nước cũng có thể xuất hiện trên chân, tay và ở vùng quấn tã. Những mụn nước này có thể gây đau đớn và trẻ em mắc bệnh tay chân miệng thường mệt mỏi, cáu kỉnh và bỏ ăn.

Các dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là sốt trên 38,5 độ C không hạ; tật mình; khó thở; trẻ ngủ gà gật, chậm chạp; tiểu ít; nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt…

Làm cách nào để biết con tôi có mắc bệnh tay chân miệng hay không?

hình ảnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu bé bị phát ban phồng rộp, hoặc xuất hiện các mụn nước thì nên đưa đến bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ chẩn đoán con có mắc tay chân miệng không dựa trên các triệu chứng kết hợp.

Điều trị tay chân miệng ở trẻ như thế nào?

Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu vì bệnh sẽ tự khỏi. Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh là chủ yếu. Nếu con bị sốt hoặc đau, bác sĩ sẽ cho trẻ uống paracetamol với liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ.

Nếu trẻ bị nổi mụn nước trong miệng, bác sĩ sẽ cung cấp gel giảm đau

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Vì vậy phụ huynh chú ý thực hiện phòng ngừa cho con bằng cách:

- Cho bé rửa tay hoặc sử dụng gel rửa tay có cồn

- Tránh cho trẻ dùng chung đồ chơi, dụng cụ ăn uống, khăn tắm hoặc bàn chải đánh răng

- Dạy con rửa tay, che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho, và vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng

- Ăn chín, uống chín

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, do đó mẹ nên thực hiện tốt việc phòng ngừa để bảo vệ con nhé.