Có nên tha thứ cho người đàn ông ngoại tình?

Đó có lẽ là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất từ các chị em phụ nữ. Sở dĩ tôi đặt từ phản bội vào ngoặc kép là bởi vì đối với tôi, đó là một từ rất khó để định nghĩa một cách chính xác bản chất của nó, mặc dù chỉ là hai từ với bảy chữ cái ngắn ngủi, nhưng mức độ hủy diệt và sát thương của nó đối với trái tim của một người phụ nữ thậm chí còn hơn cả một quả bom nguyên tử.

Theo cá nhân tôi nhìn nhận, trên đời này có hai loại phản bội: Phản bội chủ động và phản bội thụ động. Phản bội chủ động chính là loại phản bội phổ biến nhất là khi người đàn ông rắp tâm thay lòng đổi dạ, dối trá một cách có chủ ý, có tính toán sắp đặt, làm ra những điều bất chấp cảm giác của người phụ nữ bên cạnh mình. Phản bội thụ động ít phổ biển hơn, vẫn được xem là một sự phản bội bởi tay cũng đã nhúng chàm nhưng tâm họ không cố tình làm điều đó. Tôi kể một câu chuyện dưới đây cho các bạn dễ hình dung hơn về sự phản bội thụ động.

Tôi có một ông anh làm trong ngành xây dựng kiêm xuất nhập khẩu, cơ bản toàn những ngành khó xơi và cũng thường xuyên phải khách khứa thì công việc mới trôi chảy, hợp đồng mới êm xuôi. Nhiều lần chị vợ kể với tôi là cầm tiền đưa cho chồng đi tiếp khách, biết là sau đó khó tránh khỏi những chuyện A-Z, trong tim nhói lắm nhưng phải nhắm mắt, vì cơ nghiệp. Anh chồng thì cũng thuộc tuýp người biết điều, yêu thương vợ, rất quan tâm đến cảm xúc của vợ nên đi đâu làm gì cũng gọi điện, nhắn tin cho vợ để vợ đỡ bất an. Bạn bè nhiều người chê ông ấy sợ vợ, không có bản lĩnh, đàn ông là phải thế này the no, xơ múi bên ngoài xíu đỉnh rồi chùi sạch mép để về với vợ con thì cũng chẳng có gì quá đáng. Nhưng ông anh tôi tuyệt đối có chính kiến, làm gì cũng muốn có giới hạn, nhiều khi sếp muốn A-Z thì ông ấy chiều sếp nhưng bản thân không đụng. Một hôm đẹp trời, bị chính lão sếp bẫy, kích bác không được quay sang dùng mưu hèn kế ban, cài hẳn một em vào chuốc cho ông ấy say khướt, chuyện gì đen thì cũng đến.

Chắc mọi người đang thắc mắc và đoán là chắc ông ấy giấu vợ?

Không hề. Ông ấy nửa đêm 2:00 tỉnh dậy, đá bay em hầu rượu xuống giường như phim chưởng (Thực hư thế nào không rõ vì tôi không có núp trong tủ để chứng kiến, biết đầu lão ấy chém thể cho thêm phần hấp dẫn thôi). Vội vội vàng vàng mặc quần áo ra xe đi về, vừa đi vừa gọi điện cho vợ bảo: “Vợ chưa ngủ à? Vợ đợi anh nhé, anh đang về, anh có chuyện quan trọng muốn nói với vợ!” Chị vợ cũng hoảng lắm, thật ra chị cũng quen với chuyện chồng đi về khuya vì khách khứa rồi, nghĩ chắc mất hợp đồng hay như nào đó nên chồng mới căng thẳng thể, chị xuống khỏi giường đi ra bếp pha sẵn cho chồng cốc trà gừng và làm sẵn cái khăn nóng cho anh lau mặt khi về.

Vừa vào nhà, ông ấy quỳ luôn dưới chân vợ. Khỏi phải nói chị ấy hoảng thế nào. Chị bảo với tôi, lúc đấy trong khoảnh khắc 1/100000 giây, tim chị ngừng đập và dau nhói, đàn bà sống nhờ truc giác, chỉ cần nhìn chồng thôi thì linh tính cũng đã mách bảo được chuyện gì sắp giáng xuống tổ ấm của họ rồi, chẳng cần nói nhiều bằng lời.

Trên đây là một ví dụ sống động của sự phản bội thụ động để mọi người dễ hình dung. Quay trở lại câu hỏi: Có nên tha thứ cho đàn ông “phản bội” hay không? Trên thực tế, tình yêu và hôn nhân là cả một quá trình dài, trước khi quyết định đi hay ở với một người, chúng ta hãy bình tĩnh và sáng suốt ngồi đánh giá lại toàn bộ quá trình chung sống, người đàn ông đó đối với chúng ta như thế nào? Có tốt không? Có chu toàn không? Bờ vai đó có luôn vững chắc không? Cánh tay đó có luôn che chở gia đình nhỏ bé này hay không? Nếu tất cả câu trả lời đều là có thì chúng ta lại quay lại hỏi bản thân chúng ta rằng: Trái tim này có còn thổn thức, tình yêu dành cho người đàn ông đó còn sâu sắc nữa hay không? Nếu không còn nhau nữa thì cuộc sống của cả hai sẽ thể nào? Tôi tệ đi hay tốt đẹp hơn? Và quan trọng hơn hết chính là bản chất của sự "phản bội" đó là gì? Chủ động hay thụ động? Phạm tội có tổ chức không? Có khả năng tái phạm nguy hiểm không?

Sau khi thẩm định xong toàn bộ quá trình chung sống đã đi qua, nếu cầu trả lời là mọi thứ đều ổn, bờ vai đó là vung chắc, sẵn sàng gánh hết bão dông để có con được yên ấm, biết cải tạo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại thỏa đáng Thì hãy một lần tha thứ, cho về với gia đình và quản lý giáo dục tại địa phương bởi sai lầm của họ chỉ như một chấm đen trên chiếc bảng trắng. Nhưng nếu đó vốn là một người đàn ông toi, ich kỷ, không bao bọc được vợ con lại đổ đốn, chấm dứt luôn không cần nghĩ, tuyên án tử miễn ân xá.

Ngoài ra, còn một khía cạnh nữa không phải là sự dằn vặt hay tha thứ, mà là sự buông bỏ, là cho nhau cơ hội đi một con đường mới yên ấm hơn, đó là khi cả hai hoặc một trong hai đã thật sự nguội lạnh tình cảm dành cho nhau. Khi đó sự tha thứ là vô nghĩa, bước tiếp cũng chi là những tháng ngày nhạt thếch, vô cảm. Đừng giữ người muốn đi, đừng níu kéo trái tim đã không còn thuộc về mình, đừng ủ ẩm trong vô vọng một cuộc hôn nhân đã chết lạnh và cũng đừng miệt thị hay giày vò lẫn nhau khi nhận ra những thứ phũ phàng. Phụ nữ là những người dễ tha thứ nhưng lại khó quên. Trong cuộc đời của một người phụ nữ trưởng thành, có hai cơn đau khiển cuộc đời họ sang một trang mới: Một là cơn đau sinh nở, hai là đau nỗi đau khi bị phản bội. Vì vậy cuộc sống hậu tha thứ lại là một thử thách khác khắc nghiệt hơn cho cả hai người. Thử thách đó cần rất nhiều: Tình yêu - Sự bao dung Lòng kiên nhẫn. Ông anh tôi sau lần đó cũng vất vả lắm, vì niềm tin như mảnh giấy, đã vò nát thì không thể vuốt phẳng, miếng ngọc đã rạn thì sẽ không thể gắn liền lại mà không có tì vết như ban đầu được. Phụ nữ qua những cơn đau như vậy họ thường bị ám ảnh, bất cứ sự việc hay tình huống nào cũng khiến họ liên tưởng, thật ra như vậy chính họ cũng vật vã đau khổ, bản thân họ không muốn như vậy nhưng các tế bào cảm giác đó cứ quay ngược trở lại tấn công họ. Lúc này người chồng cần tinh tế, nhẫn nhịn, thủ thi, giải thích hợp tình hợp lý để nỗi bất an qua nhanh. Ông anh tôi thì giải thích mãi cũng chán nên sau ông ấy dùng chiêu hết sức “thẳng tay", đó là mỗi lần chị nhà lên cơn, ông ấy phi vào ôm chặt, hôn hít các kiểu. Đẩy á? Á à, đẩy á? Cứ ôm! Dần dần chống cự chỉ còn là hình thức. Nói chung cái giống đàn bà, vừa thù dai nhưng lại mắc cái tính hảo ngọt. Chịu. Chốt lại là, các đức ông chồng tốt nhất đừng nên làm đau người phụ nữ của mình, hãy để trong cuộc đời họ chi trải qua một cơn đau duy nhất, đó là đau đẻ.

Chia sẻ từ bạn: https://hoovada.com/article/co-nen-tha-thu-cho-nguoi-cho-ban-cap-sung

Đến từ cộng đồng: https://hoovada.com/