Trẻ sơ sinh thường hay vặn mình, ngủ không yên giấc là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ mất ngủ, quấy khóc quá nhiều và kéo dài mà không được khắc phục sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.




Chị Thùy Vân (Quận 1, tp. Hồ Chí Minh) kể: “Bé Shin nhà chị từ lúc sinh ra đến giờ gần 6 tháng tuổi rồi nhưng vẫn thường xuyên quấy khóc đêm. Ban ngày bé ngủ cũng không ngủ sâu giấc. Chỉ cần một tiếng động nhỏ là bé giật mình tỉnh giấc ngay. Đêm nào cũng vậy, cứ tầm 11h đêm là bé lại mơ màng vặn mình rồi quấy khóc dỗ thế nào cũng không nín. Chính vì bé hay quấy khóc nên cân nặng cũng không tăng, 2 tháng mà được có 4kg. Mẹ vừa mất ngủ vừa lo cho con nên giờ xuống sắc, mắt thâm quầng, ai nhìn cũng quở".


Nỗi lo của chị Vân cũng là nỗi lo chung của phần lớn các bà mẹ chăm con nhỏ. Trẻ sơ sinh có thói quen ngủ ngày cày đêm. Đã vậy một số trẻ giấc ngủ đêm cũng không trọn vẹn, thường vặn mình, khóc quấy. Theo các chuyên gia giải đáp trẻ sơ sinh vặn mình, ngủ không ngon giấc và quấy khóc có thể xuất phát từ hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý bệnh lý bẩm sinh nào đó, mà mẹ cần phải theo dõi và quan sát bé nhiều hơn.


Nguyên nhân



Trẻ sơ sinh vặn mình, ngủ không yên giấc là do khi ở trong bụng mẹ chật chội trẻ được ôm trọn và âm thanh không ồn ào như ở ngoài. Sau khi được sinh ra ngoài tuy môi trường rộng rãi thoải mái nhưng tần suất âm thanh lớn nên trẻ giật mình là chuyện khó tránh khỏi. Hiện tượng này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh trong khoảng 2-3 tháng tuổi, tuy nhiên cũng có trẻ xuất hiện từ sớm khoảng 10-15 ngày sau sinh.


Thông thường trẻ sơ sinh vặn mình thường đi kèm với dấu hiệu đỏ mặt và chỉ hai ba phút sau bé sẽ tự hết. Tuy nhiên nếu trong trường hợp trẻ vặn mình đỏ mặt kèm theo các dấu hiệu như: khó ngủ và ngủ quá ít, đổ nhiều mồ hôi, bị thức giấc giữa đêm, tóc rụng hình vành khăn, nôn ói và chậm tăng cân…thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý sau đây:


Thiếu hụt canxi



Đối với những trẻ sinh non hoặc dinh dưỡng kém thì hiện tượng giật mình, vặn vẹo quấy khóc khi ngủ kèm theo triệu chứng ọc sữa, co giật… thường xuyên thì có thể bé bị thiếu canxi. Để khắc phục tình trạng này mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị vì nếu để trẻ bị thiếu canxi kéo dài có thể khiến trẻ bị chậm phát triển hơn so với lứa tuổi , còi cọc…thậm chí dẫn đến tím tái, ngừng thở và tử vong.


Trẻ bị tổn thương thần kinh



Hiện tượng giật mình, vặn vẹo, khó ngủ ở trẻ sơ sinh có thể là do các vấn đề về thần kinh như rối loạn thần kinh bẩm sinh, dây thần kinh của bé bị tổn thương...


Trẻ bị bệnh vàng da



Nếu thấy trẻ thường xuyên vặn vẹo người, kèm theo co giật, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ vì đấy có thể là do lượng bilirubin trong cơ thể được sản xuất quá nhiều và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh vàng da cho trẻ, khiến não bị tổn thương và gây ra co giật.


Trẻ bị còi xương



Những trẻ còi xương thường ngủ không ngon giấc, hay trằn trọc lăn lộn, giật mình, tóc rụng, đầu bị bẹp, chậm biết lẫy, bò, đi, chậm mọc răng, thóp mềm và chậm liền…


Chứng ngưng thở tắc nghẽn:



Nếu trẻ sơ sinh thường xuyên giật mình, vặn vẹo trong khi ngủ kèm theo khó thở thì mẹ cần lưu ý theo dõi và đưa bé đến bệnh viện vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị chứng ngưng thở tắc nghẽn mãn tính, cực kỳ nguy hiểm.


Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh vặn mình, khó ngủ sinh lý



Nếu hiện tượng giật mình, vặn mình của trẻ xuất phát từ nguyên nhân sinh lý bình thường thì các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm trẻ sẽ tự hết, tuy nhiên để giúp hạn chế tình trạng mất ngủ của trẻ các mẹ có thể tham khảo những cách sau:



Thường xuyên kiểm tra tã, bỉm để thay kịp thời cho bé, đảm bảo bé luôn được khô thoáng, thoải mái và ngủ ngon giấc.


Chú ý chọn căn phòng yên tĩnh mát mẻ có ảnh sáng dịu nhẹ


Tích cực cho trẻ tắm nắng để cơ thể trẻ hấp thu vitamin D tự nhiên. Thời gian phù hợp để trẻ tắm nắng là trước 9h sáng hoặc sau 5h chiều, đối với những ngày có thời tiết lạnh thì có thể tắm trước 5h chiều.


Đối với những trẻ giật mình, vặn mình do thiếu canxi thì mẹ nên tích cực cho bé bú sữa mẹ để bổ sung lượng canxi có trong sữa.