Cách đây 13 năm Con theo chồng, hôm ấy trời đổ mưa, mọi thứ đều không thuận lợi. Con tự tay ngồi gấp những cánh hạc giấy đựng trầu cau để trên bàn khách vì cái rạp cưới quá nghèo nàn, thiếu màu sắc. Biết nhà mình nghèo nên con không đòi hỏi gì bố mẹ. Mẹ hỏi gì con cũng bảo không cần. Thậm chí bộ quần áo mới để mặc khi về nhà chồng con cũng không có. Con tự tay cắt chữ lồng, ghép với đôi bồ câu trắng, rồi nhờ thằng em họ bắc ghế cầm cái mâm nhôm dí ở phía sau để đính lên phông cưới. Vậy là cũng có một hội trường cưới với đầy đủ sân khấu, khu khánh tiết.... và cũng có "vài ba đứa lên lắc lư" theo điệu nhạc xập xình, họ hàng, làng xóm đến rất đông vì nhà mi mình ở quê ai cũng yêu quý ông bà và bố mẹ. Bạn bè của con, con chỉ mời khoảng chục người thân thiết nhất.


Rồi nhà trai cũng đến ồn ào ngoài ngõ, trời vẫn mưa, tóc bố bạc trắng như cước, mẹ buồn, mẹ mắng con rất nhiều suốt cả đêm hôm trước. Con biết mẹ mắng con vì một nỗi xót xa trong sâu thẳm, vì chẳng có gì cho con. Nhưng ngày ấy con ngu dại lắm, con chẳng động viên mẹ được câu nào cho ra dáng.


Con lễ trước bàn thờ ông bà rồi đi giữa bao người từ nhà ra ngõ. Con ngoái lại nhìn mái nhà lụp xụp với cảm xúc khó tả, và vì con nghe thấy tiếng bố quát gần như khóc. Bố bảo các anh chị em họ: "chúng mày đi với em nhanh lên"


Mẹ thì đứng đấy với bà ngoại, Con thấy mọi người vỗ tay, reo hò theo tiếng mấy quả pháo trang kim bắn bộp bộp, anh quay phim, chụp ảnh luôn miệng bảo con cười lên. Con ngoái lại nhìn bố mẹ, anh bảo: đi luôn đi, chỉ nhìn về phía trước, cô dâu ko được ngoái lại, người ta kiêng đấy nhá"


Con chẳng quan tâm đến điều kiêng kỵ đó, chỉ biết trong lòng con còn đang nặng trĩu những nỗi niềm của một đứa con chưa hiếu thảo.


Cửa xe hoa đóng lại, con thấy mẹ hớt hải chạy ra. Mẹ gõ cửa xe và dúi vào tay con 1 chỉ vàng. Mẹ bảo: "bố mẹ không có gì nhiều, chỉ có chút cho hai vợ chồng làm kỷ niệm" con nhớ rất rõ năm ấy một chỉ vàng bán được sáu trăm ngàn. Rất giá trị vì phong bì mừng cưới chỉ hai mươi đến ba mươi nghìn cũng đủ để họ hàng cô bác xóm giềng giúp bố mẹ làm cỗ cưới cho con.


Con đã nắm chặt chiếc nhẫn của mẹ trong lòng bàn tay cùng với một điều nguyện hứa. Nhưng chỉ qua ngày hôm sau con đã biết thân phận mình rồi sẽ ra sao, người con chọn làm chống mình đã không như con tin tưởng, chỉ ngày hôm sau thôi đã buông lời sỉ nhục những người đã sinh thành và nuôi lớn con trong nhọc nhằn, vất vả. Để con được thành người CÓ HỌC với cái bằng Thạc sỹ bằng chính tâm sức của mình, của bố mẹ và anh chị em đùm bọc. Ngay trong ngày trở về nhà mẹ làm lễ “lại mặt” con đã phải nghe vô số lời lăng mạ chỉ vì một chữ nghèo. Những lời nói ấy phát ra từ chàng rể lúc nào cũng tỏ ra phong độ, lịch lãm, thư sinh của bố mẹ. Trên triền đê cuối con đường về nhà mẹ con đau lòng nghĩ rằng “hay là mình vứt bỏ”. Nhưng rồi những sức nặng của sự lo lắng về dư luận, lo bố mẹ và gia đình sẽ buồn, con gạt nước mắt mà đi tiếp.


Và chỉ sau 2 tuần con đã phải chiếc nhẫn của mẹ cho để lo cuộc sống, bán chiếc nhẫn rồi, trong lòng bàn tay con chỉ còn lại lời nguyện hứa. Con đã hứa thầm với bố mẹ một điều nhỏ bé để bù lại phần nào những nhọc nhằn bố mẹ trải qua để nuôi con ăn học để lớn lên trong yêu quý đùm bọc và có nghề nghiệp để được làm người.


Bố mẹ đã mất mát nhiều rồi.


Vậy mà chỉ hơn 3 năm sau ngày con lấy chồng, bố bỏ đi xa mãi. Bố bị tai nạn trong lúc đón cháu nội tan trường. Bố mất mà không được ở trong nhà, làng xóm, họ hàng, bạn bè đồng đội thương xót, đưa tiễn bố. Năm ấy bố tròn 53 tuổi. Chính chàng rể lịch lãm, thư sinh của bố đã tắm rửa và khâm niệm cho bố ngay trên đường đê. Vậy mà thật chớ trêu, cũng chính anh ta luôn lấy cái chết của bố ra mà rủa sả, từng lời như dao đâm vào trái tim con. “Bố mày ăn ở thất đức nên mới chết đường, chết chợ không dạy được mày” mỗi lần con xin cho cháu về thăm bà ngoại, anh ta bảo “ mày đừng có đưa con tao về cái ổ chó đấy” ….


Nếu con là người vợ không ra gì, đua đòi ăn chơi, bỏ bê gia đình đã đành. Đằng này con không láo hỗn với ai, cả đời con chỉ biết lo cho gia đình, chồng con. 13 năm nay con vẫn gọi mẹ chồng bằng MẸ, cô dì chú bác, họ hàng anh chị bên chồng chưa ai trách con được điều gì.


Giờ con chỉ còn có mẹ. Con vẫn chưa thực hiện được điều con nguyện hứa. Khi bố mất, hai tay con đã là hai đứa cháu ngoại của bố mẹ, một đứa lên 2 một đứa mới chào đời.


Hơn 13 năm nay, cuộc đời con chỉ có niềm đau và nước mắt, chỉ có tổn thương và nhọc nhằn. Những đêm dài con không thể ngủ vì lẫn trong tiếng thở đều đều của con thơ là tiếng chửi thề như khấn vong của người con gọi là chồng. Chửi chán thì đuổi đi, không cãi cũng chửi, cãi thì đánh. Con ko oán trách ai vì con hiểu 2 gia đình đều đã vì thương con mà cố gắng. Con chỉ tự trách mình chưa đúng, con quá yếu hèn nên không thể cảm hóa nổi một con người BẤT HỌC.


Giờ con đã ly hôn được rồi mẹ ạ, con đã dắt theo 2 cháu ngoại của mẹ đi thuê nhà để ở, bỏ lại sau lưng tất cả những đắng cay, tủi nhục để làm lại cuộc đời từ 2 bàn tay trắng.


Con tin vào những điều níu con ở lại với cõi đời này, giúp con ko gục ngã đó là tình yêu. Tình yêu con dành cho 2 đứa cháu ngoại của bố mẹ. Con đã đổi cái nhẫn vàng của bố mẹ để có được hai vật báu ấy. Chẳng phải là xứng đáng lắm hay sao.


Bố nhỉ? Mẹ ơi!


Con viết ra đây ko phải để cuộc sống này thêm bi lụy sầu thảm mà con viết ra đây để thêm nghị lực sống và yêu thương những người ruột thịt. Hơn thế nữa, con vẫn có công việc tốt để làm, để nuôi dạy 2 con, để có tình yêu thwowngn của bạn bè đồng nghiệp và gia đình ruột thịt.


Sống để lúc nào cũng đủ sức nâng bố mẹ lên nơi cao nhất, tôn quý nhất trong lòng con. Và đương nhiên, kẻ nào dám đụng đến nơi tôn quý nhất ấy kẻ đó sẽ có tội với đời. Con không phán xét và không cần kết tội anh ta.


Đối với con, vị tha là điều tốt đẹp nhất nên làm để lòng mình an nhiên, thanh thoả.


Nhưng TẤT TẬT TẦN TÂN con ĐỀU CÓ THỂ THA THỨ ngoại trừ sự PHẢN BỘI THẤT TÍN và BẤT HIẾU.


Trên bước đường đời, con luôn ngoái nhìn về nhà mẹ, để thấy mình còn có nơi bình yên nhất để trở về sau những phút nắng mưa gió bão.


Con sẽ mua lại được chỉ vàng của mẹ để nắm chặt trong lòng bàn tay con mãi mãi không rời.



webtretho



webtretho