Phụ nữ vốn dĩ đã dễ bị khổ, dễ bị thua thiệt, mà làm dâu lại càng khó. Nhưng tại sao chính phụ nữ lại làm nhau khổ thêm nữa chỉ vì ở 2 chiến tuyến khác nhau: mẹ chồng – nàng dâu?

Muôn thuở, chuyện mẹ chồng nàng dâu luôn gây ra nhiều tranh cãi từ ngoài đời thực cho đến các diễn đàn, trang mạng xã hội. Đa số các chị em thời nay than thở mẹ chồng quá khó khăn, không thể sống chung được mặc dù họ đã cố gắng để vừa lòng đấng sinh thành của người đàn ông họ chia chăn xẻ gối.

Nếu mẹ chồng khôn ngoan, bà nên thương con dâu hơn là việc xét nét từng chút để làm con dâu phải sợ, phải ghét. Quan điểm của mình thế này:

Con dâu lấy con trai mình, rời xa mái nhà thân thuộc của cô ấy để đến chỗ xa lạ chẳng có ai làm “đồng minh” những lúc cô đơn, buồn tủi. Gặp được nhà chồng tốt và tôn trọng mình, cô gái nào chẳng cảm động mà trân quý những tình cảm ấy? Thế là họ nguyện lòng xem đây chính là gia đình thứ 2 và vun đắp, yêu thương ngôi nhà ấy.

Từ đó mà cô con dâu sẽ đối xử với mẹ chồng như mẹ ruột hoặc ít ra cũng gần như vậy, thương yêu chồng và tất cả bà con nhà chồng. Sau này bố mẹ chồng già yếu sẽ có người chăm lo, thủ thỉ. Quan trọng nữa là những đứa cháu, chắc chắn chúng sẽ bị ảnh hưởng tư tưởng từ mẹ rất nhiều. Cháu sẽ thương, kính trọng ông bà nội nếu được mẹ dạy như vậy, và ngược lại.

Mình có đứa bạn, đi lấy chồng mà vớ phải anh chàng quá thương và nghe lời mẹ, mà bà mẹ thì ôi thôi, nói đến nản thật sự. Từ ngày đầu tiên về làm dâu, nó đã phải nghe những lời chê bai, dè bỉu của bà, rồi lại nghe gián tiếp từ lời kể của hàng xóm. Nó đâm ra vừa sợ vừa ghét bà, thế là vài tháng sau đã khăn gói quả mướp ra ở trọ. Tính ra mẹ chồng không dễ thương, mà người chồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dung hòa mối quan hệ này thì lại vô dụng quá.

Thế đấy, các bà hiền hậu, vui vui một chút cho con cháu còn lui về thăm nom hoặc sống chung. Chứ không thương con dâu, là chẳng khôn ngoan chút nào!