Chúng ta vẫn thường được nghe những câu chuyện hư hư thực thực về bùa, ngải, nèm, chài, ma gà, ma xó... của những người dân tộc sống côi cút sau chốn rừng già.


Chúng ta, những người của thế giới hiện đại và khoa học không tin chuyện này lắm, nhưng nó vẫn tồn tại bền bỉ từ hàng ngàn năm nay trong đời sống tâm linh của đồng bào vùng cao. Bí mật đằng sau những câu chuyện nhiều phần huyễn hoặc này đến nay vẫn chưa được tìm hiểu một cách khoa học.


Thanh Sơn và Tân Sơn (Phú Thọ) từng là vùng đất của bộ lạc thời Vua Hùng, có những phép thuật kỳ lạ. Mấy ngàn năm trôi qua, những phép thuật cổ xưa vẫn còn tồn tại đâu đó, có cả thực tế lẫn truyền thuyết. 10 năm nay, tôi đã đặt chân đến hầu hết các bản làng của vùng đất núi cao mây mù này. Những câu chuyện kỳ lạ nhất, được nghe nhiều nhất là những chuyện hư hư thực thực về bùa mê ngải lú.


Trong số những chuyện ly kỳ về bùa ngải, tôi ấn tượng nhất về một thứ bùa yêu khủng khiếp có tên "tơm thăm". Bùa "tơm thăm" làm cho con người ta yêu nhau say đắm, sống bên nhau suốt đời và khi một người chết thì người kia cũng chết theo. Lời đồn bùa "tơm thăm" nhuốm màu huyền thoại phủ quanh câu chuyện về những cặp vợ chồng chết cùng nhau vì không kịp giải bùa.


Hỏi chuyện bùa "tơm thăm" của người Mường, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ), người có mấy chục năm trời sống cùng đồng bào Mường để nghiên cứu về thế giới bùa, ngải, nèm, chài, kiền giới thiệu cho tôi hàng chục thầy bùa nổi tiếng ở Thanh Sơn và Tân Sơn mà ông có thời gian nghiên cứu về họ.


Hư thực về những cái chết do "tơm thăm"


Theo chỉ dẫn của "nhà văn xứ Mường" Nguyễn Hữu Nhàn, tôi tìm vào xã Kim Thượng, xã vùng sâu, xa của huyện Tân Sơn, nơi có nhiều thầy bùa làm "tơm thăm" nhất. Cầm lá thư giới thiệu trên tay, tôi vào nhà ông Hà Văn Cảnh. Nhà ông Cảnh cách trung tâm xã một con suối và nửa ngọn núi. Giới thiệu là người quen của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, ông Cảnh đón tiếp rất nhiệt tình.


Ông Nhàn từng là người có nhiều năm trời trú ngụ ở nhà ông Cảnh để tìm hiểu văn hóa Mường, nên rất thân thiết và được ông Cảnh tin tưởng. Trước đây, ông Cảnh là Chủ tịch, rồi Bí thư xã Kim Thượng, nhưng ông đã nghỉ hưu từ năm 1994. Ông Cảnh khẳng định ông không biết làm bùa ngải gì cả. Người biết làm bùa ngả là cha ông, cụ Hà Văn Kết. Tuy nhiên, cụ Kết vừa mới chết xong, thọ 91 tuổi. Cụ Kết là cán bộ tiền kháng chiến, 50 năm tuổi Đảng, song cụ vẫn làm bùa rất giỏi. Theo ông Cảnh, cụ có thể làm bùa cho trai gái yêu nhau đến khi về cõi chết.


Ông Cảnh kể rằng, nhiều lúc cũng dò hỏi bố xem ý tứ có muốn truyền lại cách làm bùa cho con cháu không, thì đều nhận được cái lắc đầu. Ông Kết bảo, con cháu đều là đảng viên, là cán bộ thì không được làm những chuyện mê tín dị đoan. Chuyện ông làm bùa chài là do cha ông tổ tiên truyền lại và ông chỉ sử dụng để làm điều tốt. Ông sợ truyền lại, con cháu không giữ được cái bụng tốt, rồi lợi dụng làm việc xấu thì thất đức, nên ông không truyền nữa, chỉ chép lại các bài thần chú làm bùa vào cuốn sổ học sinh, khi nào chết thì để lại cho con cháu làm kỷ niệm.


Hồi đầu năm 2008, bố ông Cảnh, tức cụ Kết, đột nhiên lâm bệnh nằm liệt một chỗ, không nhận biết được điều gì nữa. Suốt một tháng trời cụ không ăn uống gì, cứ nằm thở hổn hển. Cơ thể tong teo như tàu lá héo, chỉ còn da bọc xương. Suốt một tháng ấy, cụ bà cứ quấn quýt bên chồng, không rời nửa bước.


Cụ bà cũng héo hon tiều tụy không kém. Bao nhiêu nước mắt của cụ bà đã chảy ra hết. Một ngày, khi dọn đồ đạc, ông Cảnh tìm được di chúc viết tay của cụ Kết. Những dòng chữ nắn nót ghi lại các bài bùa. Ngay đầu cuốn di chúc viết: "Ta đã làm tơm thăm để lấy vợ và làm tơm thăm để lấy chồng cho con gái. Khi nào ta sắp chết, các con hãy mời ngay thầy Mướn đến giải bùa để cứu vợ ta. Chuyện ta làm bùa cho con gái ta lấy được chồng phải giữ bí mật, vì làm như vậy là thất đức lắm. Các con cũng phải nhờ thầy gỡ bùa khi nào con gái ta hoặc chồng chết nó sắp chết...".


Ông Cảnh đọc xong dòng di chúc thì rụng rời chân tây, liền đi gặp ông Mướn ở bản Xuân. Nghe ông Cảnh kể chuyện, ông Mướn hiểu ngay sự việc. Chính vì ông Kết đã làm "tơm thăm" để lấy vợ, nên cứ ngắc ngoải không chết được. Còn vợ ông Kết thì héo hon bên chồng. Hai người cứ lưu luyến bên nhau chẳng chịu "âm dương đôi ngả". Ông Kết mà chết, thì không lâu sau, vợ ông cũng sẽ chết theo.


Không biết có tin được chuyện này hay không, nhưng theo lời ông Cảnh, sau khi thầy Mướn làm lễ giải bùa, ông Kết lập tức trút hơi thở cuối cùng với thần thái rất thanh thản. Còn bà vợ ông Kết, tức mẹ ông Cảnh thì cũng tiễn đưa chồng với tâm trạng không còn nặng nề nữa. Ông Cảnh kể vậy thì biết vậy, còn sự thực thế nào, có trời mới biết được. Nhưng chuyện về những cái chết do "tơm thăm" thì người dân ở đây kể nhiều lắm