Chuyện xảy ra cũng không phải mới đây nhưng nỗi ấm ức trong tôi vẫn luôn thường trực, bởi cứ mỗi khi nghĩ đến thói sĩ diện hão của chồng là không khỏi bức xúc. 

Vợ chồng tôi sinh sống trên thành phố, mức thu nhập của cả hai khoảng 25 triệu đồng/tháng. Vì có 2 con đang tuổi lớn nên chi phí sinh hoạt hàng tháng không quá dư giả mà chỉ tạm đủ ăn.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đó cũng là lí do mà đã 6 năm sau khi kết hôn, chúng tôi vẫn phải đi ở nhà trọ. Mấy năm nay, nhờ nhịn ăn nhịn tiêu, tôi tiết kiệm được hơn 600 triệu, dự định sau này vay mượn thêm để mua chung cư lấy chỗ chui ra chui vào.

Vậy mà, giấc mơ có chốn đi về nho nhỏ của tôi đã tan thành mây khói, tất cả cũng vì căn biệt phủ dưới quê chồng. Gia đình chồng tôi có 2 anh em, 1 trai – 1 gái. Bố mẹ chồng tôi ở quê làm ruộng nên cũng chẳng giàu có gì. Nhưng thói đời là vậy, không giàu có dư giả lại thích sĩ diện. Căn nhà ông bà đang ở nay cũng lụp xụp, bản thân tôi là phận làm con cũng thấy hợp lý khi đứng ra sửa sang cho bố mẹ.

Tuy nhiên thay vì sửa lại, chồng tôi lại muốn xây mới hoàn toàn. Cô em gái đã đi lấy chồng coi như bỏ qua, ông bà không có lương hưu, không có tiền tích lũy nên đương nhiên chỉ có nhà tôi lo.

Bố mẹ chồng cũng không muốn bày vẽ quá nhưng anh khăng khăng cho rằng:

“Đã mất công xây phải xây cái nhà cho tử tế. Nhà mình bao năm chưa có gì để mở mặt với xóm làng, nhân cơ hội này cũng để bọn con báo hiếu bố mẹ chứ’.

Nhìn đi nhìn lại, nhà bố mẹ chồng tôi bé và cũ nhất làng thật, xung quanh các gia đình đều khang trang. Nhưng nhà người ta có con đi xuất khẩu lao động, ăn nên làm ra mới có của để xây nhà to trong khi chồng tôi kinh tế eo hẹp mà cứ mạnh miệng đòi làm.

Tôi ngăn cản thì chồng nói vợ là ích kỷ, “đàn bà nghĩ ngắn”, không biết vun vén cho nhà chồng.

“Anh là con cả, cái nhà đấy rồi cũng thuộc về vợ chồng mình chứ ai. Sau này khi về hưu mình chuyển về quê sống chứ ông bà mất có mang theo được đâu”, chồng hết lời phân tích.

Chồng càng nói càng ra vẻ hào hứng lắm nhưng tôi lại chẳng ham gì tài sản nhà anh. Bởi suy cho cùng, muốn xây được cái biệt phủ như lời chồng nói cũng phải tốn hơn tỷ bạc. Tôi cũng nói thẳng với chồng là nhà làm gì có tiền, anh nghe xong hất tay:

“Chuyện tiền bạc để đàn ông lo, không mượn đến dâu nhúng tay vào”.

Xây nhà diện tích hơn 100m2, chồng tôi thuê luôn kiến trúc sư để thiết kế cho ra tấm ra món theo lời anh. Suốt 1 năm chồng phải đi đi lại lại giữa thành phố và quê nên công việc cũng ảnh hưởng không ít. Căn nhà xây kéo dài vì dính dịch bệnh không được tụ tập nên bị đội giá gần 2 tỷ. Có nhà đẹp mà nội thất tuềnh toành cũng không xứng, chồng tôi lại mua sắm thêm mấy trăm triệu nào sập gụ, bàn ghế gỗ hương to sụ.

Trị giá ngôi nhà lúc này đã lên tới gần 2, 5 tỷ. Toàn bộ tiền tiết kiệm của nhà tôi bị đổ hết vào đó, số còn lại thì vay mượn họ hàng bạn bè tứ xứ mỗi nơi 1 ít. Ngôi nhà xây xong đẹp và sang trọng nổi bật cả một vùng. Bố mẹ chồng tôi hân hoan dọn vào nhà mới, chồng cũng mừng ra mặt vì đã báo hiếu và làm ông bà nở mày nở mặt phút cuối đời.

Vậy nhưng niềm vui nhanh chóng qua đi, các con lại về thành phố làm ăn. Bố mẹ chồng tôi một mình sống trong căn nhà xa hoa không thể sử dụng hết diện tích. Ông bà chỉ nấu ăn và nghỉ ngơi ở tầng 1, hiếm lắm mới lên tầng 2 và tầng 3. Mẹ chồng tôi già yếu, ngại leo cầu thang, mỗi lần phải dọn dẹp, bà kêu trời đất vì mệt. Nhà ở quê thì bỏ phí không dùng đến trong khi các con ở phố phải đi thuê trọ.

Tiền nợ xây nhà không biết phải đến khi nào vợ chồng tôi mới còng lưng trả nợ xong được nữa. Nhiều lần tôi nói nhưng chồng sửng cồ lên cho rằng ‘đàn bà chỉ biết bàn lùi’. Anh vẫn rất hãnh diện với lý do cả đời mới làm bố mẹ “rạng mặt” được một lần.

Nhìn chồng như thế, tôi chỉ biết quay mặt vào tường mà khóc thầm trong đêm. Chỉ vì cái thói sĩ diện hão  mà chồng để mặc vợ con đói khát chẳng lo, sắp tới con cái đi học lấy tiền đâu mà đóng khi nợ ngập đầu đây.

Không biết người khác nghĩ thế nào chứ tôi thấy: Vay tiền để xây nhà là tiền chết, không thể sinh lời. Thà chồng tôi xây nhà cho các cụ tầm 6 - 7 trăm triệu trong khoản tiết kiệm còn hơn. Sau này, 2 vợ chồng có về cũng chẳng ở hết được thì xây to làm gì. Mà mấy chục năm sau căn nhà đó cũng đã xuống cấp, lỗi thời, thời buổi này 5 năm là đã thấy khác chứ nói gì mấy chục năm. Tôi thấy việc này quá sai lầm!

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet