Đối với tôi, lời xin lỗi rất dễ nói ra nhưng liệu có xoa dịu cho đối phương bớt tổn thương hay không lại là chuyện khác. Lần đầu làm mẹ, tôi có một tật xấu là rất dễ nổi nóng với con mà không hề hay biết chính mình đã mang đến cho con những “vết hằn” làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách con nhìn nhận vấn đề trong tương lai.

Con trẻ cũng có tư duy và suy nghĩ riêng của nó, các bậc cha mẹ cần lắng nghe con nói và đừng bao giờ áp đặt bất cứ điều gì cứng nhắc cho con, như thế sẽ làm phản tác dụng mà chúng ta mong muốn.

Cô bé Thạch Thảo (12 tuổi) xuất hiện trong chương trình “Điều con muốn nói” đã mang đến một câu chuyện thu hút được sự quan tâm của nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay.

Thạch Thảo đã đặt vào chiếc hộp bí mật một mẩu giấy với lời nhắn nhủ ngắn gọn tới ba mẹ mình: “Mẹ ơi, đừng gọi con là mày nữa!”.

hình ảnh

Thạch Thảo chia sẻ: “Mẹ tuy là người hiểu Thạch Thảo nhất trong nhà nhưng con mong mẹ bớt nóng nảy và dịu dàng với con hơn. Nhiều lần mẹ đánh con chỉ vì da mặt dễ bị dị ứng, nhưng con không ý thức được mà đưa tay lên mặt gãi. Và cả những lần mẹ gọi nhưng con không nghe thấy và bị mẹ cắt dây điện ở phòng vì con mải xem tivi. 

Sau mỗi cơn giận của mẹ, con chạy lên phòng nằm khóc. Có nhiều buổi ăn sáng, mẹ xưng “mày - tao” và la mắng con trước mặt các cô, dì trong nhà. Nhiều lần con giận mẹ và tủi thân vì mẹ luôn xưng hô nhẹ nhàng với anh trai còn với con thì không”. 

Âm thầm ngồi trong căn phòng bí mật, Chị Kim Xuyến (mẹ Thạch Thảo) lắng nghe con gái tâm sự. Chị Xuyến nhớ lại trong cơn giận không kiềm chế được đã gọi con gái là “mày”. Dù biết con tổn thương nhưng chị chưa sửa được mặc dù cô bé đã xin chị đừng gọi mình như vậy.

hình ảnhẢnh chụp màn hình từ Vietnamnet

Anh Ngọc Vinh (bố Thạch Thảo) tiết lộ trước kia mình cũng là một người nóng tính, nhưng sau này anh dần tiết chế, lắng nghe các con, và tập nói lời xin lỗi để trở nên trầm tính như hiện tại.

Anh Vinh tâm sự: “Người lớn chúng ta đi làm vất vả, lại tự tạo thêm áp lực cho chính mình nên thường trút giận lên con cái. Thạch Thảo là cô bé có cá tính, dám nói ra những điều chưa đúng của cha mẹ. Dù khó mở lời nhưng nếu người lớn nhìn vào ánh mắt buồn bã của con để nói xin lỗi, con cái mới dám gần gũi, chia sẻ mọi điều. Lần đầu tiên, tôi nói xin lỗi con đã rất bối rối”.

Sau khi lắng nghe câu chuyện của Thạch Thảo, Tiến sĩ Tô Nhi A đã có những nhận định về câu chuyện. Chị nói tính cách của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình, hoàn cảnh sống: “Thạch Thảo đang bước vào lứa tuổi nhạy cảm, hành xử của ba mẹ nếu không đúng mực sẽ gây tổn thương tâm lý cho trẻ nhỏ. Chúng ta phải để các con cảm thấy được yêu thương, an toàn trong chính gia đình của mình. Tôi buồn cho Thạch Thảo và thương mẹ vì thâm tâm mẹ muốn thay đổi sự nóng tính nhưng vẫn chưa làm được. Trở thành cha mẹ, chúng ta phải học mỗi ngày, đối thoại với con bằng tinh thần cầu thị”.

Xưng hô không chỉ đơn giản là cách nói chuyện, mà đằng sau đó là cả tình cảm, sự trìu mến của ba mẹ dành cho con. Nhiều cha mẹ khi xưng “mày - tao” với con không hẳn đã xấu hoàn toàn bởi cách họ nói chuyện như vậy nhưng vẫn đong đầy yêu thương. Nhưng với nhiều đứa trẻ việc tiếp nhận điều này từ cha mẹ làm bé cảm thấy buồn và tổn thương.

Vậy nên, các bố ạ, dù có bận rộn và áp lực công việc đến đâu cũng cần nói chuyện và dành thời gian cho con nhiều hơn để thấy con cần gì, muốn gì mà ứng xử tốt nhất.

Nguồn: Vietnamnet