Nghiện

Nghiện là sự phụ thuộc bệnh lý nhưng không nhất thiết là phải nghiện rượu, ma túy hay thuốc lá mà cũng có thể là nghiện chơi bời, mua sắm, công việc hay thể thao…

Trẻ vị thành niên thường có nguy cơ mắc nghiện với quan niệm “tất cả hoặc không có gì” hoặc “tất cả và ngay lập tức”. Hành vi nghiện có thể đồng thời tạo ra sự thích thú và làm giảm đi sự khó chịu, không thoải mái. Tuy nhiên nó thực hiện điều này theo cách làm mất khả năng kiểm soát mặc dù nhận biết được hậu quả tiêu cực của hành vi. Hơn nữa đây là hành vi có giá trị trong mắt trẻ và trong mắt một số bạn bè bởi sự gan dạ, dũng cảm vi phạm pháp luật.

Những hành vi nghiện có thể là những hành vi nguy cơ đáng lo ngại nhất ở lứa tuổi này: nó có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cấu trúc tâm lý sau này ở tuổi trưởng thành.

Chán ăn

Nhiều trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ thường lo lắng về cân nặng của bản thân. Đối với một số trẻ từ những chế độ ăn kiêng giảm cân có thể trở thành nỗi ám ảnh thực sự về cân nặng và dẫn tới chứng chán ăn. Chán ăn là sự từ chối ăn uống mà không bị mất đi sự ngon miệng. Mỗi trường hợp chán ăn là một trường hợp khác nhau tùy theo tiền sử của mỗi cá nhân nhưng người ta nhận thấy những điểm chung : xung đột với mẹ, xung đột gắn với bản sắc giới tính tự nhiên, chối từ cơ thể phụ nữ. Sự chán ăn sẽ giúp trẻ che dấu sự thay đổi về hình dáng cơ thể ở lứa tuổi này.

Trẻ VTN có thể mắc rối loạn chán ăn sau một sự kiện sang chấn, lạm dụng tình dục, thất tình, xung đột trong gia đình.

Thèm ăn

Trẻ thèm ăn một cách thái quá. Những cơn thèm ăn thường xảy ra khi trẻ ở một mình. Trẻ có thể ăn rất nhiều thức ăn trong một thời gian rất ngắn và để tránh tăng cân, sau đó trẻ có thể dung thuốc xổ hoặc nôn ra những thứ đã ăn. Thèm ăn cũng là một cách mà trẻ ứng phó với khủng hoảng lứa tuổi này.

Những hành vi ăn uống bất thường mang tính bệnh lý thường xuất hiện sớm, từ khoảng 12 tuổi. Nó là một rối loạn ở lứa tuổi dậy thì và thường đi kèm với chứng trầm cảm. Trẻ có thể có những khó khăn kết hợp : mặc cảm tội lỗi, xung động hung tính, né tránh xã hội, cô đơn, thu mình, dễ cáu giận. Cũng như trong trường hợp rối loạn chán ăn, rối loạn thèm ăn liên quan tới sự tự đánh giá bản thân thấp và hình ảnh cơ thể lý tưởng không thể đạt tới.

Vì sao cần tư vấn tâm lý?

Đối với các bậc cha mẹ thật không dễ dàng với ý nghĩ tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Nhà tâm lý không phải là nhà giáo dục và cũng không thể thay thế vai trò của cha mẹ. Vai trò của nhà tâm lý là giúp trẻ tìm hiểu ý nghĩa và nguyên nhân triệu chứng, xác định những khó khăn và giải pháp.

Một số biểu hiện cần lưu ý ở trẻ :

-   Giảm khả năng chú ý, kết quả học tập giảm sút.

-   Lo lắng, lo âu, mất ngủ.

-   Các hành vi nguy cơ, sử dụng chất gây nghiện.

-   Có hành vi hung tính hoặc kích động.

-   Các rối loạn ăn uống.

Trẻ VTN có thể thay đổi thái độ, hành vi, khí sắc trong khoảng thời gian rất ngắn : đó là biểu hiện của sự “khủng hoảng” lứa tuổi thanh thiếu niên và cha mẹ đôi khi cảm thấy mệt mỏi với những thay đổi này. Vì thế điều quan trọng là cần xác định xem những rối loạn này có lặp đi lặp lại và kéo dài không hay đó chỉ là một sự kiện biệt lập.

Cha mẹ có thể đề xuất với trẻ việc tới tư vấn tâm lý và giải thích rằng nhà tâm lý làm việc với nguyên tắc giữ bí mật nghề nghiệp, là người có thể giúp trẻ hiểu những gì xảy ra và giúp trẻ kiểm soát tình huống.