Không chỉ trẻ sơ sinh mà ngay cả những em học sinh cấp một cũng thường quấy khóc, làm nũng khiến phụ huynh khó xử. Trong những hoàn cảnh như vậy nếu cha mẹ không biết cách cư xử khéo léo sẽ khiến tình trạng căng thẳng hơn, trẻ được đà làm tới và sẽ tiếp tục nhõng nhẽo buộc cha mẹ phải đáp ứng theo yêu cầu của con. Vậy cha mẹ phải làm gì khi con quấy khóc? Bài viết sau đây sẽ đưa ra một số gợi ý hay cho bạn.

1. Không chiều theo ý trẻ

Trẻ thường khóc vì nhiều lý do tuy nhiên ở độ tuổi đã đi học thì nguyên nhân chính thường là do muốn được người lớn chiều chuộng, làm theo ý mình. Đây là hình thức “ăn vạ” thường xuyên gặp ở các bé độ tuổi mới đến trường. Những lúc như thế này đòi hỏi cha mẹ phải có cách giải quyết mềm mỏng nhưng dứt khoát, thẳng thắn để con hiểu được những hành động của mình là sai trái và không được khuyến khích.

Tỏ thái độ mềm mỏng nhưng dứt khoát, thẳng thắn để con hiểu những hành động sai trái của mình

Nhiều phụ huynh một mặt thương con, mặt khác thấy phiền phức nên đáp ứng yêu cầu của bé, tuy nhiên như vậy sẽ khiến các em nghĩ rằng những đòi hỏi của mình là hoàn toàn chính đáng và các bé sẽ tiếp tục trong những lần sau. Thậm chí không chỉ trong gia đình mà ra ngoài xã hội, trẻ cũng tiếp tục sử dụng cách đó để có được những gì mình mong muốn. Nhưng thực tế khi không có cha mẹ bên cạnh, việc trẻ muốn gì cũng được là không thể và điều này khiến các em trở nên khó chịu sinh ra những tính cách xấu.

2. Đưa con đến một nơi yên tĩnh để nói chuyện

Lúc bé khóc, việc nói chuyện dường như là không tưởng bởi trẻ không thể để ý đến những lời nói của cha mẹ, ngược lại cha mẹ cũng không đủ bình tĩnh để nói chuyện với con. Nhiều em còn lợi dụng hoàn cảnh nhà có khách để quấy khóc, đẩy cha mẹ vào hoàn cảnh khó. Trong hoàn cảnh này, cha mẹ cũng thấy bất tiện, ngại ngùng tuy nhiên không vì thế mà dễ dàng chiều theo ý con. Hãy bình tĩnh đưa con lên phòng riêng hoặc một nơi khác để nói chuyện.

Việc dùng đòn roi sẽ không lại kết quả như ý muốn mà còn gây tổn thương cho trẻ

Cha mẹ có thể nói chuyện với con bằng thái độ nghiêm khắc để cảnh cáo trẻ rằng con đã lớn và không được cư xử như vậy. Động viên, khuyên nhủ con và phân tích cho trẻ hiểu hành động sai trái của mình tuy nhiên vẫn giữ thái độ cứng rắn để con biết đâu là giới hạn của sự đòi hỏi. Đặc biệt không nên sử dụng bạo lực vì như vậy sẽ gây tổn thương cho bé. Thậm chí nhiều em bướng bỉnh không sợ đòn roi mà còn cương quyết với thái độ của mình hơn.

3. Dứt khoát trong mọi tình huống

Nếu con quấy khóc mà cha mẹ cứ chiều theo ý con để các em đạt được mục đích thì các em sẽ lặp lại hành vi này trong những lần sau, vì vậy hãy dứt khoát trong mọi hoàn cảnh, trường hợp. Bạn đừng nghĩ một lần chiều theo ý con cho trẻ bớt quẫy khóc rồi lần sau cương quyết không như vậy nữa. Điều đó có vẻ rất khó để làm được và thay vì chiều bé hãy tỏ thái độ dứt khoát để con chấm dứt những hành động này.

Dứt khoát trong mọi tình huống sẽ giúp con nhận ra hành động sai trái của mình

Nếu trong trường hợp bất đắc dĩ như đang ở một hoàn cảnh không tiện cho việc giáo dục con ngay trước mặt mọi người thì có thể đáp ứng theo ý trẻ nhưng lúc về nhà hãy nói chuyện thẳng thắn, phê bình trẻ và đề nghị con không được lặp lại hành động đó. Việc nói chuyện thẳng thắn như vậy cũng giúp trẻ hiểu mình đang làm sai khiến cha mẹ buồn. Từ đó, các em có ý thức và trách nhiệm trước những việc mình làm.

Việc trẻ quẫy khóc khiến phụ huynh cảm thấy khó xử, tuy nhiên không vì thế mà chiều theo ý con để trẻ được đáp ứng những nhu cầu của mình. Thay vào đó cha mẹ hãy cứng rắn, dứt khoát để các em hiểu được không phải những cái mình muốn đều được đáp ứng và mọi người phải chiều theo ý mình. Để làm tốt điều này, cha mẹ hãy tỏ thái độ nghiêm khắc khi cần thiết.