SKĐS – Ba tháng giữa thai kỳ được tính từ tuần thứ 13 đến 27. Giai đoạn này cơ thể người mẹ đã có nhiều cải thiện về các triệu chứng thai nghén, tuy nhiên có những điều bà bầu cần lưu ý.

1. Điều gì xảy ra trong ba tháng giữa thai kỳ?

Trong ba tháng giữa thai kỳ, thai nhi phát triển lớn hơn và mạnh mẽ hơn và nhiều phụ nữ bắt đầu có biểu hiện bụng lớn hơn.

Hầu hết phụ nữ nhận thấy rằng tam cá nguyệt thứ hai dễ dàng hơn nhiều so với tam cá nguyệt thứ nhất. Hiểu được thai kỳ theo từng tuần có thể giúp thai phụ chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho những thay đổi lớn sắp tới.

Một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần, thời kỳ mang thai được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 3 tháng, tam cá nguyệt thứ nhất, thứ hai và thứ ba.

Trong ba tháng giữa của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai), các triệu chứng mà thai phụ có thể gặp phải trong ba tháng đầu tiên bắt đầu cải thiện. Nhiều thai phụ cho biết cảm giác buồn nôn và mệt mỏi bắt đầu giảm bớt và họ coi tam cá nguyệt thứ hai là giai đoạn dễ dàng và thú vị nhất của thai kỳ.

Những thay đổi lớn trong ba tháng thứ hai của thai kỳ - Ảnh 1.

Thai nhi có nhiều thay đổi lớn trong ba tháng giữa của thai kỳ.

Những thay đổi và triệu chứng sau có thể xảy ra như tử cung mở rộng, bắt đầu thấy bụng to hơn, chóng mặt hoặc choáng váng do hạ huyết áp, cảm thấy thai nhi di chuyển, nhức mỏi cơ thể, tăng khẩu vị, vết rạn da trên bụng, vú, đùi hoặc mông, thay đổi da, như sạm da quanh núm vú hoặc các mảng da sẫm màu hơn, ngứa, sưng mắt cá chân hoặc bàn tay.

Trong ba tháng giữa của thai kỳ, thai phụ cần đi khám ngay hoặc liên hệ với bác sĩ khi thấy bất kỳ triệu chứng nào như đau bụng, ho, sốt, khó thở, buồn nôn, nôn, vàng da (vàng lòng trắng của mắt), sưng tấy, tăng cân nhanh chóng, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, tiểu ít, cử động của thai nhi yếu…

Với thai nhi, giai đoạn này các cơ quan trở nên phát triển đầy đủ dần. Thai nhi phát triển mạnh về hình thể, não bộ, có thể bắt đầu nghe và nuốt, hình thành thói quen mút tay. Mặc dù lúc này chức năng nghe của thai nhi chưa hoàn chỉnh nhưng thực tế là em bé đã bắt đầu làm quen với âm thanh xung quanh, nhất là giọng nói của mẹ…

Trong tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi sẽ bắt đầu di chuyển, phát triển các chu kỳ ngủ và thức giấc mà phụ nữ mang thai sẽ bắt đầu cảm nhận thấy.

2. Khi nào nên đi khám trong ba tháng giữa thai kỳ?

Thai phụ nên đi khám bác sĩ khoảng 2 – 4 tuần một lần trong ba tháng giữa của thai kỳ. Các xét nghiệm mà bác sĩ có thể thực hiện trong quá trình thăm khám bao gồm đo huyết áp, kiểm tra cân nặng, siêu âm, kiểm tra bệnh đái tháo đường bằng xét nghiệm máu, dị tật bẩm sinh và các xét nghiệm sàng lọc di truyền khác, chọc dò ối…

Giai đoạn này, thai phụ có thể lên kế hoạch sinh như chuẩn bị những thứ cần thiết cho kỳ sinh nở để giúp cho tam cá nguyệt thứ ba bớt căng thẳng hơn. Thai phụ có thể tham gia các lớp giáo dục trước khi sinh được tổ chức tại một số bệnh viện hoặc phòng khám. Có thể tham gia các lớp học về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc và cách sơ cứu trẻ sơ sinh…

Những thay đổi lớn trong ba tháng thứ hai của thai kỳ - Ảnh 2.

Các bài tập Kegel ở ba tháng giữa của thai kỳ giúp quá trình mang thai và sinh nở trở nên dễ dàng.

3. Những lưu ý trong ba tháng giữa thai kỳ

– Thai phụ cần phải chú ý những điều cần làm và cần tránh trong thai kỳ để chủ động chăm sóc bản thân và thai nhi đang phát triển.

– Thai phụ tiếp tục uống vitamin, tập luyện đều đặn, rèn luyện cơ sàn chậu bằng các bài tập Kegel đúng cách.

– Duy trì một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, đa dạng protein ít chất béo và chất xơ, uống nhiều nước, ăn đủ calo (nhiều hơn bình thường khoảng 300 calo).

– Giữ vệ sinh răng miệng, vệ sinh răng miệng kém có liên quan đến nguy cơ sinh non.

– Trong thời gian ba tháng giữa thai kỳ, phai phụ cần tránh tập thể dục quá sức có thể ảnh hưởng cho dạ dày, không uống rượu, uống không quá một tách cà phê hoặc trà mỗi ngày, không hút thuốc hay sử dụng chất gây nghiện, không nên ăn gỏi cá hoặc hải sản hun khói, các loại cá to có hàm lượng thủy ngân cao, rau mầm sống.

– Không uống sữa chưa tiệt trùng, không ăn thịt nguội hoặc xúc xích. Tránh tiếp xúc với phân mèo, có thể mang ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis…

Đối với bà mẹ mang thai, nhu cầu năng lượng phải tăng lên 350 kcalo/ngày vào tháng thứ 3 trở đi và tăng lên 500kcalo/ngày vào 3 tháng cuối và thời kỳ nuôi con bú. Như vậy, mỗi ngày cần từ 2600 – 2800 kcalo/ngày (bình thường phụ nữ cần 2200 – 2300 kcalo/ngày).

Bác sĩ Tuấn Anh