Các F0 ngoài việc ăn nhiều để tăng cường miễn dịch và nghỉ ngơi, giữ tâm lý thật tốt, thì còn phải tập thở mới dễ dàng vượt qua bệnh tật mọi người ạ.

Bộ Y tế cũng vừa hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng cho người bị nhiễm nCoV sau xuất viện, trong đó việc tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, nhưng nhiều người còn chưa hiểu vì sao cần phải làm vậy.

Để giúp người bệnh yên tâm tập luyện, Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã lên báo giải thích rõ ràng rồi, ai chưa hiểu thì vào đọc nha.

hình ảnh

Tập thở giúp người bệnh nhanh phục hồi hơn. Ảnh: Internet 

Vì sao bệnh nhân nCoV cần phải tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày?

Lý giải về việc này, Bác sĩ Phương Anh cho biết, virus SARS-CoV-2 tấn công chính vào phổi. Chính vì vậy mà việc tăng sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể ngay từ đầu rất quan trọng.

“Tập luyện và dinh dưỡng hợp lý ngay từ đầu sẽ giúp chúng ta có sức đề kháng tốt, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất giúp giảm tối đa tình trạng chuyển nặng”, Bác sĩ Phương Anh nhấn mạnh.

Vị bác sĩ chuyên khoa phổi cũng cho biết, việc can thiệp phục hồi chức năng sớm là cần thiết đối với bệnh nhân nCoV để tránh tiến triển nặng và giảm nguy cơ tàn tật ở giai đoạn phục hồi của bệnh.

Việc phục hồi chức năng đã được chứng minh giúp cải thiện nhận thức của người bệnh, giảm thời gian thở máy, giảm nguy cơ biến chứng, giảm thời gian nằm viện, cải thiện chức năng hô hấp, giảm tỷ lệ qua đời”, bác sĩ Phương Anh giải thích.

Bác sĩ Phương Anh cũng cho biết, với người bệnh không triệu chứng, thể nhẹ thì mục tiêu phục hồi chức năng nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất, giúp giảm tối đa chuyển nặng, tăng cường khả năng vận động chi và các cơ tham gia hô hấp, cải thiện chức năng hô hấp (tăng lượng không khí ra vào phổi).

Theo BS Phương Anh, bài tập thở này rất tốt cho hệ hô hấp của các F0. Bởi virus tấn công chính vào phổi vì thế việc chú trọng phục hồi chức năng hô hấp là rất quan trọng, không chỉ ở giai đoạn mắc bệnh và cả giai đoạn “hậu nCoV”

Do vậy, bác sĩ khuyên dù sốt, mệt, bệnh nhân cũng nên duy trì các bài tập thở này, ít nhất 15 phút mỗi ngày. Và nếu không may người bệnh có diễn biến sang thể nặng và trung bình thì các bài tập này cũng giúp ích rất nhiều cho người bệnh.

Các bài thở và phục hồi chức năng phổi cho bệnh nhân nCoV bao gồm:

Tập các kiểu thở là chính (tập thở chúm môi, tập thở cơ hoành), tập dưỡng sinh, các kỹ thuật tập vận động là cần thiết nhưng cần tăng dần cường độ và thời gian tùy khả năng của mỗi người.

Nếu người nhiễm nCoV có tiết nhiều đờm thì bổ sung các kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho hữu hiệu.

“Lúc này người bệnh đã biết được phương pháp thở và duy trì thường xuyên các bài tập đó sẽ giúp tăng cường thông khí vào phổi. Khi không may gặp tình trạng khó thở, người bệnh biết cách kiểm soát để giảm tình trạng khó thở và nếu có chuyển sang giai đoạn nặng thì người bệnh sẽ không nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp vì cơ hô hấp đã được tập luyện”, bác sĩ Phương Anh nhấn mạnh.

Bác sĩ Võ Viết Sáu, nguyên Chủ nhiệm quân y Lữ đoàn 141 (Nghệ An), cũng hướng dẫn một số bài tập đơn giản, có tác dụng tốt cho cơ quan hô hấp, đặc biệt là phổi như sau:

Bài tập hít thở sâu

Khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, phổi sẽ hít thở từ 12 - 15 nhịp mỗi phút. Để rèn luyện phổi, chúng ta nên tập cách hít thở sâu và có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Cách này rất đơn giản như sau: Chỉ cần thư giãn cơ mặt, từ từ hít không khí vào buồng phổi sâu nhất có thể, rồi thở ra qua miệng. Việc hít thở sâu giúp mở rộng khoang ngực, cho phép oxy được phân phối khắp nơi trong cơ thể và loại bỏ carbon dioxide (CO2) ra ngoài.

Nên thường xuyên thực hiện hít thở sâu trước khi ngủ vào ban đêm và sau khi thực dậy vào buổi sáng. Cách này sẽ giúp thư giãn cơ thể và tâm trí.

Uốn người và hít thở để tống hết không khí trong phổi ra ngoài

Để làm điều này cần thực hiện một động tác. Người tập sẽ đứng thẳng, thả lỏng đầu gối, rồi từ từ uốn cong bụng, gập người xuống và thở hết không khi ra ngoài.

Sau đó, vừa ngẩng đầu dậy trở lại vị trí đứng thẳng lưng như cũ vừa hít vào. Giơ hai tay thẳng lên trời để buồng phổi có thể mở rộng. Thời gian hít vào và giữ không khí trong phổi kéo dài khoảng 20 giây. Làm liên tục 4 lần như vậy.

Ngồi đúng tư thế và thở

Theo nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện tư thế ngồi méo mó, ưỡn ẹo lưng sẽ khiến buồng phổi không mở rộng đúng mức khi thở, từ đó dẫn đến hơi thở nông và làm giảm lượng ô xy trong máu.

Lúc này cần phải điều chỉnh lại tư thế cho đúng như sau: Lưng phải thẳng, 2 bàn chân đặt lên nền nhà, chân hơi duỗi ra, đầu gối phải thấp hơn hông.

hình ảnh

Các F0 đang tập thể dục. Ảnh: NLĐ

Các bài tập phục hồi chức năng cho F0 sau xuất viện theo Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

- Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi. Chúm môi từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng.

- Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thờ bụng phình lên. Thở ra chúm môi lại, đồng thời bụng hóp lại.

- Tập ho hữu hiệu: Người bệnh thở chúm môi khoảng 5-10 lần giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa, tròn miệng hà hơi 5-10 lần.

Tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm từ phế quản ra khí quản, sau đó ho: Hít một hơi thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 2 lần, 1 lần nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.

 - Tập thở chu kì chủ động: Hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây, sau đó hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 đến 3 giây và thở ra nhẹ nhàng. Lặp lại 3-4 lần rồi hít thật sâu, nín thở 2 đến 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1-2 lần.

- Tập thở chu kì chủ động: Hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây, sau đó hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 đến 3 giây và thở ra nhẹ nhàng. Lặp lại 3-4 lần rồi hít thật sâu, nín thở 2 đến 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1-2 lần.

- Tập vận động:  Tập vận động chủ động, vận động tự do tứ chi, động tác đứng lên ngồi xuống, chạy tại chỗ, đi lại nhiều vòng, ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút trở lên.

Ngoài ra, người bệnh nên tập thêm các bài tập như tập thở với các dụng cụ hỗ trợ: Bóng, spiroball; các kĩ thuật tập giãn cơ, tập với tạ (có thể thay băng chai nước); chống đẩy; băng chun; leo cầu thang (ghế); tập cơ từ đầu đùi; tập cơ căng chân.

Một số lưu ý cho người bệnh khi tập luyện

Bác sĩ Phương Anh cũng nhắc nhở, trong quá trình tập luyện người bệnh luôn phải luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người xung quanh, tránh tiếp xúc trực tiếp trong quá trình tập.

Về môi trường tập luyện: Nên tập luyện trong môi trường thoáng mát, không quá nóng hay quá lạnh. Nên mở cửa sổ để phòng được thông thoáng.

Ngoài ra, người bệnh có thể cải thiện oxy phổi bằng cách nằm ở tư thế nằm sấp, điều này sẽ giúp cải thiện nhịp thở và tăng độ bão hòa oxy.

Về dinh dưỡng: Người bệnh cần chú ý ăn đủ chất và chịu khó ăn càng nhiều càng tốt dù không muốn ăn, cần uống nước đủ và nên uống nước ấm. Đồng thời người bệnh cũng luôn giữ tinh thần lạc quan thoải mái, không suy nghĩ quá nhiều về bệnh.

Trên đây là giải thích của bác sĩ trên 1 tờ báo về lý do bệnh nhân nCoV cần phải tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, mong rằng với lý giải này sẽ giúp các F0 đang điều trị và được xuất viện về nhà yên tâm tập luyện để nhanh hồi phục sức khỏe.

Nguồn: Tổng hợp