Mình mới về quê và đến nhà cô bạn chơi tình cờ chứng kiến trường hợp này nên vội chia sẻ lên đây để các mẹ biết mà tránh kẻo hại con nha.



Bạn mình sinh con 3 tháng rồi và bây giờ mình mới đến thăm được. Phải nói mình sốc vô cùng khi nhìn thấy chân bé con các mẹ ạ, sưng và bầm tím. Chắc có lẽ vì đau hay sao mà con bé cứ khóc và đòi bế liên tục không thôi.



Hỏi con bé sao vậy bạn mới sụt sịt kể chẳng là lúc sinh con bé ra đã thấy chân con bé cong cong nhưng nghĩ là do nằm trong bụng mẹ nên vậy vài bữa sẽ hết. Sau một thời gian quan sát thấy chân bé vẫn vậy, bà nội mới bảo bé bị chân vòng kiềng rồi nếu không tranh thủ nắn sớm cho thẳng thì con bé sẽ mang đôi chân vòng kiềng suốt đời. Lo con gái xấu thế là cô bạn nghe lời bà nội ra sức nắn, kết quả thẳng đâu không thấy chỉ thấy mẹ suýt rước họa cho con. Mang bé đi khám bị bác sĩ mắng quá trời!



Nói đến chân vòng kiềng hẳn mẹ nào cũng biết, nhưng để hiểu tận tường về nó chắc không mấy người rõ nên mới có chuyện như cô bạn của mình. Vì cũng có chút kiến thức về chân vòng kiềng do bé đầu nhà mình từng bị, nên mình chia sẻ thêm để các mẹ hiểu rõ hơn nhé.



Chân vòng kiềng là gì?



Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, khoa ngoại bệnh viện nhi: Chân vòng kiềng hay chân chữ O là tình trạng gối vẹo trong làm trẻ khi đứng hai gối không sát được vào nhau. Chân vòng kiềng hay gối vẹo trong thường bị cả hai gối và cả xương đùi lẫn xương chày đều cong.



Vì sao trẻ hay bị chân vòng kiềng?



Trên thực tế, trẻ sơ sinh bình thường sinh ra hai chân bé đã bị cong do ảnh hưởng bởi tư thế bào thai. Thường những trường hợp trẻ bị chân cong là do sinh lý và không cần điều trị, chân trẻ sẽ tự điều chỉnh dần để trở về hình dáng bình thường khi trẻ được 3 tuổi. Tuy vậy cha mẹ cũng cần theo dõi con đến 5 -6 tuổi để chắc rằng con hoàn toàn bình thường, hoặc nếu phát hiện triệu chứng bất thường có thể can thiệp điều trị kịp thời con.



Trường hợp chân vòng kiềng là dị tật bẩm sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hoặc mất vẻ thẩm mỹ, bố mẹ có thể nhờ y học can thiệp khi bé đủ 3 tuổi.




Tập đi cho con quá sớm sẽ ảnh hưởng tới hệ xương của trẻ đấy mẹ ạ!




Hậu quả khi tự ý nắn chân cho con thế nào?



Mẹ cần biết rằng việc tự ý nắn bóp chân vòng kiềng cho bé không có tác dụng cải tạo cấu trúc xương ngược lại sẽ chỉ khiến con bị viêm cơ, bầm tím, thậm chí còn làm bé bị trật xương nếu nắn kéo mạnh tay và không đúng cách. Chưa kể, nếu không phát hiện kịp thời hậu quả của việc nắn kéo, chân bé thậm chí có thể khiến bé bị dị tật về sau.



Thế nên nếu nghi ngờ con bị chân vòng kiềng các mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp điều trị thích hợp nhé!



Bí quyết giúp con có đôi chân khỏe đẹp



Để giúp con có đôi chân khỏe đẹp mẹ cần lưu ý những điều sau:



- Cho bé bú và tắm nắng thường xuyên để bổ sung vitamin D đủ, như thế sẽ giúp cơ thể bé tự điều chỉnh theo thời gian. Thậm chí nếu cần mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin D cho con.


- Tránh tập đi cho con quá sớm kẻo ảnh hưởng đến cấu trúc xương chân của trẻ.


- Tập các bài tập cơ bắp cho trẻ để chân trẻ thêm khỏe và săn chắc. Tránh các tư thế đứng, ngồi ảnh hưởng tới chân trẻ như tư thế W, không đi chân hai hàng…