18 MẸO HAY GIÚP BÉ NGỦ NGON



Bạn có biết, bé ngủ ít, đặc biệt là trước 41 tháng tuổi có khả năng gặp chứng tăng động giảm chú ý, giảm khả năng nhận thức về kém phát triển thần kinh? Các bé ngủ không ngon giấc ban đêm cũng có lượng calo thấp, khiến bé thức dậy mệt mỏi, cáu kỉnh, không vui vẻ, hạnh phúc, không thích thú học hỏi, khám phá, chậm phát triển chiều cao, thậm chí gây ra tình trạng thừa cân, béo phì?



Đó là lý do, các chuyên gia giấc ngủ kết luận rằng, với trẻ em giấc ngủ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nghiên cứu tại Đại học Emory, Mỹ, cho hay, giấc ngủ tốt ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng vượt bậc của bé. Sự tăng trưởng không chỉ xảy ra trong lúc ngủ, nó còn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi giấc ngủ. Theo các nhà nghiên cứu, bé ngủ sâu và lâu không chỉ tăng chiều cao (khoảng 1/2mm chiều dài trong vài tháng đầu tiên), hệ miễn dịch khỏe mà còn tăng cân tốt, thông minh hơn.


Vậy làm sao để bé ngủ ngon, phát triển tốt và dễ dàng lập được những “kỷ lục đầu đời: (biết cười, biết lật, chộp, nắm, bò, ngồi, đứng, đi, nói...)? 18 bí quyết đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn:


o Chơi trò chơi hoạt động vào ban ngày, nhưng khi tối đến, bạn nên cho con chơi trò chơi yên tĩnh, nhẹ nhàng. Chơi trò chơi động khiến bé quá vui, quá kích động, khó đi vào giấc ngủ.



o Đảm bảo không gian phòng ngủ yên tĩnh bằng cách bỏ điện thoại ra khỏi phòng ngủ, tắt báo thức từ đồng hồ, Ipad.



o Sử dụng rèm tối màu để che ánh sáng, bé có thể ngủ thêm được một giờ nữa khi ánh mặt trời đã nhô cao, chiếu vào phòng ngủ.



o Âm thanh đơn điệu, lặp đi lặp lại có thể dễ dàng đưa bé vào giấc ngủ. Bạn có thể hát ru chậm rãi, nhỏ nhẹ, hoặc ghi âm tiếng ru, bài hát ru, tiếng nước chảy để cho bé nghe khi ru con ngủ.



o Xây dựng thói quen trước khi ngủ ngay từ khi bé còn nhỏ như tắm, đọc sách cho con nghe, mở nhạc êm dịu... Thói quen này giúp bé nhận ra dấu hiệu đã đến giờ đi ngủ.



o Cho bé vào giường ngủ khi bé vẫn còn tỉnh táo. Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng, cứ lên giường là chuẩn bị đi ngủ.



o Đặt bé ngủ ngửa giúp bé thở tốt, phòng ngừa nguy cơ đột tử trẻ sơ sinh.



o Cho bé ngủ trong cũi và đặt trong phòng của bạn, không nên cho bé ngủ chung giường và bạn luôn ôm ấp bé. Điều này tạo thói quen ngủ độc lập, bé vẫn ngủ ngon ngay cả khi thiếu hơi bố mẹ.



o Đi lại, mở cửa nhẹ nhàng để tránh gây tiếng động mạnh khi bé ngủ. Nếu giường, bàn, ghế, cửa phát ra tiếng kêu cót két, bạn nên sửa chữa ngay.



o Biết chính xác khi con có dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ: ngáp, mắt lờ đờ, mệt mỏi, ít cười, nói, chơi, nhìn chăm chăm vào một sự vật, kém tập trung, quấy khóc... Thay vì cho bé thấm mệt, bạn nên cho con ngủ ngay khi có dấu hiệu này.



o Mát-xa cho bé 15 phút trước khi ngủ cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi trong vòng một tháng có thể giúp trẻ ngủ thiếp dễ dàng hơn, nghiên cứu từ Đại học Miami, cho biết.



o Cắt bỏ chất caffeine nếu bạn đang cho con bú. Chất này có thể tạo truyền qua sữa mẹ, khiến bé uống cà-phê gián tiếp và trở nên bồn chồn, khó ngủ.



o Dạy bé cách phân biệt ngày và đêm. Ban ngày, bạn mở hết cửa cho ánh sáng vào nhà và chơi các trò chơi động. Ban đêm, khi ngủ bạn nên tắt hết các loại đèn, tạo không gian tối om. Bé sẽ hiểu khi tắt đèn là đã đến giờ đi ngủ. Nếu bé bú đêm, bạn cần giữ không gian yên tĩnh và ánh sáng mờ.



o Nếu bé ngủ cũi và hay thức giấc, bạn thử để một chiếc khăn có mùi của mình dưới gối của con. Bé sẽ cảm thấy yên tâm, cảm thấy như có mẹ ở bên mặc dù ngủ một mình.



o Có một chiếc đồng hồ treo tường trong phòng ngủ của bạn. Điều này nhắc nhở bạn cho con ngủ đúng giờ, không vì mải xem ti-vi, lướt Facebook mà quên giờ ngủ của con. Giờ đi ngủ tốt nhất của con nên trong khoảng 7 đến 8 giờ tối.



o Đừng nhìn thẳng vào mắt con khi bé đang lờ đờ buồn ngủ. Ánh mắt của mẹ có thể vô tình khuyến khích con muốn nói chuyện, chơi và bỏ quan giấc ngủ. Để ánh mắt của bạn trên bụng và xoa nhẹ nhàng cho bé kèm theo lời nói êm ấm, nhẹ nhàng.



o Nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng là mát mẻ và thoải mái, không nóng quá hay lạnh quá. Bạn nên để nhiệt độ 26 độ C là phù hợp và nên duy trì nhiệt độ này khoảng 1 giờ trước giờ ngủ của bé.



o Tránh tối đa việc thay tã đêm cho bé. Để tránh việc này, bạn nên chọn cho con loại tã có khả năng thấm hút cao, bề mặt khô thoáng, không bị trào ngược, đảm bảo bé khô thoáng suốt cả đêm dài. Không có gì đánh thức bé dễ hơn là việc bật đèn thay tã, hay tã ẩm ướt, nặng nước tiểu. Tã bẩn, ướt là một trong hai nguyên nhân phổ biến nhất, sau đói đánh thức bé dậy trong đêm.