*Tuần lễ siêu cáu gắt: 6 tuần - 8 tuần


Giai đoạn tuần trăng mật với em bé thiên thần làm nhiều bố mẹ thở phào: Nuôi con dễ ợt “thế này năm sau lại làm đứa nữa”, sinh hoạt của bé tưởng chừng như lí tưởng, đơn giản và rất êm đềm.


Thế nhưng, giai đoạn này kéo dài chẳng được bao lâu thì cú sốc sinh hoạt lại ùn ùn kéo đến không một lời hẹn trước. Sau 2-3 tuần con chỉ ăn và ngủ ngoan cả ngày: mọi thứ đều thật dễ dàng bỗng dưng một ngày con thay đổi: con như chuyển sang một con người hoàn toàn khác: con cáu gắt. Gào khóc. Không thể ngủ được.


Bú mẹ cũng không giải quyết được sự gắt hờn của con. Đêm con dậy liên tục, và không làm cách nào cho con ngủ lại được. Cả gia đình mệt nhoài. Con có thể bú liên tục (ở mốc 6 tuần), hoặc không chịu bú (8 tuần). Nhiều Bác sĩ nhi khoa và các nhà tâm lý trẻ sơ sinh gọi thời kỳ này là “Đỉnh điểm của sự nổi giận”_ Weissbluth.


Cha mẹ lúc này có thể hoảng loạn: Hay con bị làm sao? Hay mình làm gì sai?


Bình tĩnh các bạn ơi, điều này là HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG. Đây là sự phát triển tự nhiên mà hầu hết các bé đều sẽ trải qua, với cường độ khác nhau nhưng hoàn toàn không thể tránh khỏi. Đó là một phần tất yếu trong sự lớn lên của bé!


Thường các em bé trở nên cáu kỉnh hơn từ tuần thứ 3, nhiều em bé thì bắt đầu từ tuần thứ 5 và sự cáu gắt, khóc hờn lên đến đỉnh điểm vào tuần thứ 6-8. Quá trình cáu gắt và khóc không tài nào dỗ nổi này có thể kéo dài từ 3 ngày đến 2 tuần, và đặc biệt khó khăn khốc liệt nhất vào tầm chiều tối (6h chiều đến 8h tối): Giờ quỷ quái witch-hour.


Lý giải cho hiện tượng này thì có rất nhiều giả thuyết giao thoa. Một nhóm các nhà khoa học cho rằng 6 tuần sau sinh là thời điểm kết thúc thời kỳ “hậu sinh” của người mẹ, thành phần sữa mẹ mà chủ yếu là hóc-môn thay đổi, điều này làm con trở nên dễ kích động và nhiều mẹ có hiện tượng trầm cảm sau sinh từ giai đoạn này. Tuy nhiên các bé bú sữa công thức cũng trải qua một giai đoạn cáu gắt tương tự như các bé bú mẹ hoàn toàn các mẹ nhé.


Nhóm giả thiết khác cho rằng đây là thời kỳ giao thoa giữa giai đoạn phát triển nhanh của bé: Bé ăn liên tục, nhưng cũng là đồng thời là giai đoạn khủng hoảng ngủ đầu đời. 2 mốc phát triển đến cùng một lúc làm hệ thần kinh vốn yếu ớt của bé bị quá tải, do đó dẫn đến hiện tượng bé cáu gắt không kiểm soát được như trên.


Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, và cho dù giai đoạn ngắn này tưởng chừng như một sự tra tấn vô tận với thần kinh của những bậc làm cha làm mẹ, đừng lo các bạn ạ, cũng như các mốc phát triển khác, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua. Và mọi chuyện sẽ ổn.


Sau giai đoạn này sẽ có 1 vài ngày đến 1 tuần bé ngủ tốt và ngủ li bì để lại sức. Tôi khuyên các bậc cha mẹ cũng tận hưởng thời gian này để nghỉ ngơi, sẵn sàng cho những kì khó ở mới.


---

* Đến hẹn lại lên: giờ cáu gắt. Witch-hour


Không những có tuần “Đỉnh điểm của sự cáu giận”, phần lớn các bé sơ sinh còn trải qua một giai đoạn ngắn trong ngày mà không gì có thể làm em hài lòng.


Như một chiếc đồng hồ tối tân nhất cứ đến giờ (trong khoảng 5h chiều đến 8h tối, tuỳ từng bé) là con cất tiếng khóc với cường độ mạnh mẽ như động đất 10 độ Richter.


Con khóc không ngừng, không thể nằm yên, bế không làm giảm tiếng khóc, bú mẹ cũng không giúp em bình tĩnh lại được, hãy quên ngủ đi: đó là điều không thể thực hiện được. Con khóc lên, khóc xuống, khóc trên tay người bế, khóc khi đặt ở giường.


Và cũng chiếc đồng hồ tối tân ấy, đến hết giờ khóc, con lại quay trở lại làm em bé mà bố mẹ quen biết hàng ngày.


Điều gì đang xảy ra? Người phương tây thì gọi đó là giờ ma làm, giờ phù thuỷ, còn các nhà khoa học thì gọi đó là thời khắc chuyển giao. Hiện tượng này nếu không đi kèm với sốt, thì là hoàn toàn bình thường bố mẹ ạ.


Cũng như “Đỉnh điểm của sự cáu giận”, không ai thực sự lý giải được hiện tượng cáu kỉnh của trẻ khi về chiều. Nhiều người cho rằng đó là bản năng động vật còn nằm sẵn trong bé, con sẽ khóc khi trời chạng vạng sắp tắt ánh nắng mặt trời, khi bóng tối sẽ bao trùm không gian.


Một giả thiết khác cho rằng lúc này sữa mẹ về ít, và con cáu gắt bởi không được ti đủ. Tuy nhiên điều này thực sự không chính xác vì nhiều bé bú bình sữa mẹ hay bú sữa công thức đều trải qua giai đoạn cáu gắt này. Nhiều giả thiết đổ lỗi cho colic.


Họ cho rằng mọi trẻ em đều có một hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện và đều bị colic dạng nhẹ. Và tại thời điểm giờ quỷ quái, khi hóc-mon tiết ra làm bé căng thẳng thần kinh gây khóc và cáu gắt.


Chính hiện tượng khóc này châm ngòi cho sự đau đớn từ colic diễn ra. Tuy nhiên, nên nhớ rằng khi trẻ bị colic thì sẽ bị colic cả ngày và đêm, và có thể trẻ colic cảm thấy đau đớn nhất tại thời điểm trùng với giờ quỷ quái này, nhưng giả thiết này không thể giải thích cho việc bé ngừng khóc đúng giờ.


Giả thiết khác cho rằng cả ngày bé được chơi và được kích thích giác quan, lúc này là lúc bé mệt đạt ngưỡng quá mệt, thần kinh quá căng thẳng không còn đủ bình tĩnh để ăn hay để tự trấn an mình vào giấc ngủ nữa.


Trong trường hợp này, việc bế ru lại càng tăng thêm kích thích, và do đó bé càng gặp nhiều khó khăn hơn để có thể ngừng khóc và chuyển vào trạng thái ngủ.


Để giảm tác động của giờ chuyển giao này, nhiều bậc cha mẹ chọn việc bế con trong địu, hoặc cho con ra ngoài đi chơi (để giảm cường độ tiếng khóc), nhiều cha mẹ khác chọn cách cho con ăn liên tục (clusterfeed) trong thời gian này so song với việc quấn bé và dùng tiếng ồn trắng.


Với những bé đã theo POH EASY ONE, thì giai đoạn này trôi qua nhẹ nhàng hơn nhiều vì bé được sinh hoạt khoa học, được ăn no, ngủ đủ nên sự khó chịu, cáu gắt dịu đi rất nhiều. Với nhiều bé, giai đoạn này ba mẹ không cảm nhận rõ ràng, vì bé gần như không có biểu hiện "cáu gắt".


Với những bé chưa theo POH EASY ONE thì đây là giai đoạn không thể tốt hơn để bắt đầu hướng dẫn con EASY & tự ngủ.